Cơ hội nào trúng tuyển đại học?

Hà Ánh
Hà Ánh
30/08/2020 08:24 GMT+7

Năm nay, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT được đánh giá cao hơn hẳn so với năm trước, trong khi chỉ tiêu các trường đại học dành cho phương thức này giảm mạnh. Vậy cơ hội trúng tuyển nào cho thí sinh ở phương thức này?

Với dự đoán tình hình điểm chuẩn vào các khối ngành của các trường đại học (ĐH) nhiều thí sinh (TS) quan tâm, TS sẽ phần nào biết được khả năng trúng tuyển để có chiến lược điều chỉnh nguyện vọng phù hợp.

Vào ngành “nóng” khối y dược cần bao nhiêu điểm?

Năm nay Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch xét 1.310 chỉ tiêu các ngành ĐH và phân đều chỉ tiêu từng ngành cho TS có hộ khẩu TP.HCM và các địa phương khác. PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng dựa trên phổ điểm thi có thể thấy điểm chuẩn các ngành của trường năm nay sẽ tăng. Trong đó, các ngành như y khoa, dược học, răng - hàm - mặt, điểm chuẩn có thể từ 26 trở lên. Ngành có điểm chuẩn thấp nhất năm ngoái là y tế công cộng (18,05 - 18,3 điểm, tùy nhóm TS) thì năm nay, điểm chuẩn ngành này có thể phải trên 20 và chỉ thấp hơn ngành cao nhất từ 2 - 3 điểm.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học bằng học bạ ẢNH: KHẢ HÒA

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học bằng học bạ

ẢNH: KHẢ HÒA

Ông Xuân cho biết ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển sẽ chờ thông báo của Bộ GD-ĐT. Nhưng TS lưu ý điều kiện đăng ký xét tuyển theo quy định riêng của trường cho tất cả các ngành là có hạnh kiểm khá trở lên năm học lớp 12. Về học lực, TS cần đạt điểm trung bình cộng 5 học kỳ THPT (trừ học kỳ 2 lớp 12) tối thiểu 7,0 khi xét tuyển vào các ngành: y khoa, dược học và răng - hàm - mặt.

Ngành nào điểm sẽ tăng mạnh khối kỹ thuật?

PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, dự báo điểm chuẩn các ngành của trường năm nay sẽ tăng ở nhiều mức khác nhau.
Cụ thể, nhóm ngành tốp trên sẽ tăng khoảng 2 - 3 điểm so với năm 2019. Trong đó, năm ngoái ngành khoa học máy tính lấy 25,75 điểm; ngành kỹ thuật máy tính 25 điểm; một số ngành từ 24 điểm trở lên gồm: nhóm ngành kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử viễn thông và kỹ thuật điều khiển - tự động hóa, nhóm ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp, kỹ thuật ô tô…
“Riêng ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, dự đoán điểm chuẩn năm nay sẽ không tăng nhiều như những ngành tốp đầu khác. Thay vì tăng 2 - 3 điểm, ngành này có thể chỉ tăng 1 - 2 điểm”, ông Thắng chia sẻ.
Ngược lại, theo ông Thắng, những ngành năm trước điểm chuẩn 19, năm nay có thể chỉ tăng 1 điểm, như bảo dưỡng công nghiệp. Ngoài ra, một số ngành mới mở cũng nhiều cơ hội cho TS xét tuyển năm nay như: kỹ thuật y sinh, kỹ thuật robot, logistics và quản lý chuỗi cung ứng (chất lượng cao tiếng Anh); khoa học máy tính (chất lượng cao tiếng Nhật).
Theo đề án tuyển sinh đã công bố, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM sẽ dành tối thiểu 38% tổng chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT, với ngưỡng nhận hồ sơ 17 điểm cho tất cả các ngành và tổ hợp xét tuyển. PGS-TS Vũ Đức Lung, Phó hiệu trưởng nhà trường, dự đoán điểm chuẩn các ngành năm nay sẽ cao hơn năm ngoái từ 1 - 2 điểm, tùy ngành. Trong đó, ngành có điểm chuẩn cao nhất năm ngoái là kỹ thuật phần mềm với 25,3. Ngành khoa học máy tính năm ngoái điểm chuẩn 24,55 nhưng năm nay dự kiến sẽ tăng mạnh, có khả năng cao hơn ngành kỹ thuật phần mềm. Tuy nhiên theo ông Lung, một số ngành chương trình đặc biệt, điểm chuẩn sẽ thấp hơn, thấp nhất sẽ là ngành hệ thống thông tin chương trình tiên tiến (năm ngoái ngành này chỉ lấy 17,8 điểm).
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng cho rằng điểm chuẩn các ngành vào trường sẽ có nhiều mức khác nhau. Trong đó, những ngành điểm chuẩn cao các năm có thể không thấp hơn điểm năm 2019 như: logistics và quản lý chuỗi cung ứng, khai thác vận tải (năm ngoái điểm chuẩn 23,1). Ngược lại, TS có cơ hội trúng tuyển cao vào nhóm ngành năm ngoái có điểm chuẩn ở mức 14 như: kỹ thuật tàu thủy (chuyên ngành thiết kế thân tàu thủy, kỹ thuật công trình ngoài khơi), khoa học hàng hải (công nghệ máy tàu thủy, điện tàu thủy)…
Liên quan đến khối ngành công nghệ kỹ thuật, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, dự đoán những ngành TS đăng ký nhiều điểm chuẩn có thể lên tới 23 - 25 điểm như: quản trị kinh doanh, luật kinh tế, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô… Nhưng một số ngành điểm chuẩn có thể chỉ ở mức 17 - 18 như: nhóm ngành môi trường, kỹ thuật vật liệu và khoa học dữ liệu. Các ngành còn lại có thể trên 20 điểm.

Sư phạm tăng ở khối ngành khoa học tự nhiên

Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng dự đoán điểm chuẩn các ngành có thể bằng hoặc tăng từ 1 - 2 điểm so với năm ngoái. Tăng 1 - 2 điểm sẽ rơi vào những ngành khoa học tự nhiên. Trong khi đó, những ngành xét tổ hợp khoa học xã hội và ngoại ngữ có thể không biến động lớn.
“Năm nay, phương thức tuyển sinh của trường khá ổn định so với 2019. Số lượng nguyện vọng TS đăng ký vào trường tăng nhưng không đáng kể. Vì vậy, dự báo điểm chuẩn các ngành của trường bằng phương thức thi khá ổn định. Năm 2019, ngành có điểm chuẩn cao nhất trường này là sư phạm toán (24 điểm). Mức điểm thấp nhất là 17,5 cho các ngành: ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Pháp, địa lý học, vật lý học…

Điểm chuẩn khối C sẽ tăng hơn khối D

Phân tích phổ điểm các môn thuộc tổ hợp xét tuyển vào trường năm nay, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, dự báo điểm chuẩn các ngành tốp đầu của trường năm nay có thể chỉ tăng nhẹ, dao động từ 0,5 - 1 điểm (năm ngoái ngành cao nhất là quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành 25,5 điểm tổ hợp khối C). Cụ thể gồm: báo chí truyền thông, Nhật Bản học, Hàn Quốc học, tâm lý học, ngôn ngữ Anh, quan hệ quốc tế, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
“Trường xác định điểm trúng tuyển các ngành theo từng tổ hợp môn, trong đó tổ hợp khối C sẽ tăng và tiếp tục cao hơn tổ hợp khối D”, tiến sĩ Hạ nhận định.
Cũng theo Phó hiệu trưởng này: “Nhìn vào dữ liệu TS đăng ký đến thời điểm hiện tại, có thể thấy những TS có điểm thi bằng điểm chuẩn các ngành thấp nhất năm ngoái vẫn có khả năng trúng tuyển vào những ngành ít TS đăng ký”. Theo đó, các ngành có điểm thấp nhất năm ngoái gồm: giáo dục học 19 điểm, triết học và thông tin thư viện 19,5...

Vào ngành "hot" của trường CĐ

Tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết đến thời điểm này, trường đã tuyển được 60% chỉ tiêu bằng phương thức xét điểm học bạ và dừng nhận hồ sơ phương thức này. 40% (khoảng 1.200) chỉ tiêu còn lại dành cho điểm thi THPT và điểm thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
“Dự đoán phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT ngành công nghệ ô tô cũng sẽ có điểm chuẩn cao nhất và khả năng sẽ tăng từ 1 - 2 điểm so với năm 2019. Các ngành còn lại, điểm chuẩn sẽ tăng từ 0,5, tùy ngành”, TS Kha nói.
Tại Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng cho hay trường dành 80% (khoảng 2.500) chỉ tiêu xét điểm THPT và bắt đầu nhận hồ sơ từ 3.9. “Một số ngành thu hút nhiều TS đăng ký tại trường là kinh doanh xuất nhập khẩu, logistics, marketing thương mại. Năm nay có khả năng điểm chuẩn mỗi ngành sẽ tăng khoảng 2 điểm”, ông Minh dự đoán.
Thạc sĩ Nguyễn Tấn Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công thương TP.HCM, thông tin dự kiến điểm chuẩn năm nay sẽ tăng so với năm trước.
Mỹ Quyên 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.