Cơ hội cho nghệ sĩ múa Việt ở... nước ngoài?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
02/07/2019 06:35 GMT+7

Nghệ sĩ múa đương đại VN đang khó sống nếu chỉ trông vào nguồn lực trong nước, nhưng ra nước ngoài có phải là một cơ hội?

Hay và đa dạng

Nhà sản xuất Văn Quý Ngọc Ái đứng trên sân khấu của liên hoan múa đương đại Dance Fest 2019 (vừa diễn ra tại Hà Nội), nhỏ bé. Nhưng tiếng vỗ tay của công chúng dành cho vở Đáy giếng mà cô chèo lái thực hiện kéo rất dài, rất dài. Vở diễn kể câu chuyện trên nền chất liệu tuồng với nhịp trống đặc trưng. Đáy giếng cũng có nhiều lớp sân khấu xếp liên tiếp và mỗi lần một tấm màn mỏng kéo lên thì nhân diện của nhân vật lại như được rõ hơn. Những tương tác duyên dáng về tạo hình của nghệ sĩ múa và nghệ sĩ nhạc cổ truyền cũng khiến khán giả ồ lên. Đáy giếng là tác phẩm của cô và biên đạo Vũ Ngọc Khải, hiện làm việc ở Thụy Sĩ.
Trong khi đó, Thán lại khiến khán giả như lặng đi vì không gian được tạo dựng rất cao và rất sâu như một vũ trụ. Diễn viên kiêm biên đạo trong nước Nguyễn Duy Thành kể cả một hành trình dường như là đi tìm kiếm niềm tin trong vũ trụ ấy. Hiệu ứng ánh sáng vô cùng vừa vặn khiến cảm giác không gian như trong phim về người ngoài hành tinh. Nhưng dù không gian có xa lạ ra sao, vóc dáng của nhân vật nhỏ bé đến thế nào thì câu chuyện mà Thán gợi ra vẫn rất nhịp nhàng, cuốn hút người xem từ đầu đến cuối.
Vòng lặp của người về từ nước Pháp - Xuân Lê - lại giàu tính hiệu ứng giải trí. Anh cùng lúc vừa có những nhấn nhá kiểu tung hứng xiếc, lại có những bước trượt khoáng đạt trên patin. Nhờ đó, sân khấu biến thành một không gian giàu tính du mục. Ở đó, nhân vật cứ đuổi mãi, đuổi mãi theo bóng mặt trời của mình, chạm vào rồi lại xa, lúc nhanh lúc chậm.
Nhóm Baydanc lại rất linh hoạt trong cách tạo hình với Khối bất kỳ. Sử dụng băng dính, bìa cũ làm chất liệu tương tác, Khối bất kỳ gợi ra câu chuyện về một thế giới vừa tự biến đổi khoáng đạt, vừa tự ràng buộc lẫn nhau...
Cơ hội cho nghệ sĩ múa Việt ở... nước ngoài ?1

Khối bất kỳ là sự linh hoạt trong chất liệu

Ảnh: Khiếu Minh

Con đường gập ghềnh

Dường như, nếu thiếu sự hỗ trợ của các trung tâm văn hóa nước ngoài, một liên hoan múa đương đại như Dance Fest 2019 là điều xa vời. Biên đạo múa Huy Trần cho biết: “Đa chiều có một kíp diễn viên từ Đức, có cả diễn viên VN, người làm nhạc ở Đức, một người nữa lại ở trong nước. Mọi việc rất phức tạp”. Điều đó mang lại cơ hội cho nghệ sĩ trong nước, nhưng cũng cần nguồn lực hỗ trợ. Bản thân Vũ Ngọc Khải cũng về nước để chia sẻ kiến thức về múa như vậy, thậm chí còn phải bù tiền cho các chương trình.
Ở châu Âu, nếu bạn làm cho một nhà hát cố định thì có thể yên tâm sống bằng nghề. Đó là nơi múa đương đại phát triển nhất
Biên đạo múa Huy Trần
Sự kết hợp nghệ sĩ trong và ngoài nước sẽ giúp cho ra những vở múa đương đại có chiều sâu vấn đề. Điều đó sẽ giúp xóa đi những vở múa chỉ có tổ hợp động tác một cách hình thức. “Hiện tại, ở VN có khá ít studio phát triển múa đương đại theo hướng tìm hiểu sâu về nội tâm, về lịch sử và khai thác diễn viên. Phần lớn là các bạn đến để muốn học một tổ hợp múa, một đoạn múa để về quay clip múa thì đã vui rồi. Họ ít khi tìm hiểu múa đương đại xuất phát thế nào”, Huy Trần nói.
Cơ hội cho nghệ sĩ múa Việt ở... nước ngoài ?2

Đáy giếng cho thấy tương tác âm nhạc - múa rất duyên

Ảnh: Khiếu Minh

Việc tài trợ cho múa đương đại cũng khó khăn do không hút nhà hảo tâm như các loại hình giải trí khác. Đáy giếng may mắn tìm được người tài trợ trang phục như nhà thiết kế Thủy Nguyễn, thiết kế ánh sáng Phạm Trịnh Bảo Tân của T-pro Light. Về tiền, Ngọc Ái cho biết: “Với Đáy giếng (trích đoạn 30 phút), Viện Goethe hỗ trợ một phần chi phí sản xuất nhưng số còn lại chúng tôi vẫn phải tự bù vào”.
Điều đó cũng đặt câu hỏi, liệu để sống được bằng nghề, nghệ sĩ múa đương đại Việt có bắt buộc phải xuất ngoại hay không? Cả Huy Trần, Vũ Ngọc Khải... đều là ví dụ về việc ra nước ngoài làm nghề. Một nhà sản xuất cho biết, hiện ta có khoảng hơn chục nghệ sĩ múa đang làm việc ở các nhà hát chuyên nghiệp như vậy. Về câu hỏi này, Huy Trần nói: “Ở châu Âu, nếu bạn làm cho một nhà hát cố định thì có thể yên tâm sống bằng nghề. Đó là nơi múa đương đại phát triển nhất. Nhưng châu Á cũng có những điểm phát triển múa đương đại như Philippines hay Hàn Quốc. Thể loại múa đương đại có nhiều, nếu nghệ sĩ theo đường nào thì sẽ hướng bản thân mình tới môi trường đó, không nhất thiết ra châu Âu”.
 
Biên đạo múa Huy Trần - ẩn số lớn nhất của liên hoan vừa nhận chức giám đốc một nhà hát tại Đức. Đa chiều - vở diễn anh mang tới lần này khá khó xem với khán giả Việt khi cùng lúc trên sân khấu có nhiều nhóm nhân vật, họ cùng lúc tương tác để tự biểu đạt bản thân. Nếu như khán giả đã quá quen với việc nhìn khuôn mặt diễn viên để dò đoán mạch chuyện, thì ở đây các nhân vật biểu cảm bằng đằng sau cơ thể, họ quay lưng lại khán giả.
Cảm giác khó hiểu đó cũng là điều nhiều khán giả thắc mắc về FeMale (biên đạo người Đức James Sutherland) - một trích đoạn trong vở diễn về giới tính thực của con người. Nó đặt câu hỏi về bản ngã, nhân tính - giới tính thực của tôi là gì. Tuy nhiên, nếu thực sự quen với múa đương đại, cả hai là những tác phẩm thách thức và mãn nhãn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.