Cô học trò mồ côi gác lại giấc mơ đại học

14/07/2020 07:18 GMT+7

Không cha cũng chẳng còn mẹ, từ lúc 2 tháng tuổi được người bà hàng xóm nhận nuôi, đến nay ở tuổi 18 đầy hoài bão nhưng cô học trò mồ côi Nguyễn Thị Như Quỳnh đành phải gác giấc mơ học đại học vì hoàn cảnh không cho phép.

“Chẳng lẽ em lại dừng lại như thế sao?”, tôi hỏi cô học trò mồ côi Quỳnh mà như hỏi chính cuộc đời này. 12 năm khổ nhọc, bà Bùi Thị Hạnh (67 tuổi) ngày đi nhặt ve chai, tối đến có ai mang áo quần lại thì bà nhận sửa, một ngày thu nhập chưa đến 30.000 đồng mà vẫn cố gắng nuôi Quỳnh ăn học đến hôm nay, chặng đường đó đâu phải dễ!

Cụ bà còng lưng nuôi cô bé hàng xóm trưởng thành

“Nghe nói học đại học tiền nhiều lắm, giờ nợ tiền học phí ôn tập lớp 12 em còn chưa có để đóng. Bà em đã khổ nhiều lắm rồi, giờ bà cũng già yếu, em phải nghỉ học để đi làm còn lo lại cho bà. Hoàn cảnh thế này, em đâu dám mơ ước gì”, cô học trò mồ côi cúi mặt, nói trong nước mắt.

Dù tuổi đã già nhưng bà Hạnh vẫn nhận áo quần về sửa để kiếm tiền nuôi Quỳnh

Biết khổ nhưng vẫn nhận nuôi

Thời buổi hiện đại nhưng để gặp được 2 bà cháu Quỳnh thì lại không dễ chút nào, vì cả hai đều không dùng điện thoại. Căn nhà nhỏ lại nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo ở Q.4, TP.HCM, mà dù đến nhà lần thứ 2, chúng tôi vẫn bị lạc.
Mọi sự giúp đỡ, xin gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 14710000000115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển VN - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước.
Nội dung ghi: Giúp đỡ em Nguyễn Thị Như Quỳnh (Trung tâm GDNN - GDTX Q.4, TP.HCM).
Chúng tôi sẽ chuyển đến em Quỳnh trong thời gian sớm nhất.
Gọi là nhà nhưng thực ra cũng chỉ đủ diện tích cho 2 bà cháu có chỗ chui ra chui vào, căn nhà lại trũng xuống so với mặt đường nên Quỳnh kể mùa mưa nước ngập lên đến đầu gối, nắng thì chỉ cần đứng một lát trong nhà là mồ hôi đổ ra như tắm.
Nhớ lại những ngày đầu nhận nuôi cô học trò mồ côi Như Quỳnh, bà Hạnh không khỏi xót xa kể: “Ngày đó Quỳnh mới 2 tháng tuổi, bà ngoại và mẹ nó mang đến kèm cái giấy khai sinh rồi nhờ tôi nuôi giúp vì phải đi làm xa, mỗi ngày sẽ trả cho tôi 20.000 đồng. Lúc đó tôi sống một mình, lại không có công ăn việc làm nên nhận nuôi, nhưng rồi sau đó không lâu, mẹ nó bỏ đi luôn, bà ngoại thì vào trại cai nghiện rồi nghe báo về cũng mất luôn trong đó. Giờ nó mồ côi, không cha không mẹ thì biết sống sao, thương quá nên tôi nhận nuôi luôn”.
Cuộc sống một thân một mình vốn dĩ đã khó khăn, lại thấy đứa bé nhỏ xíu nên mọi người xung quanh cứ bảo “bà không nuôi được đâu, nó bệnh nên mẹ nó mới bỏ như thế”, nhưng cầm lòng không đành, không thể bỏ rơi một đứa trẻ đáng thương như vậy nên dù khó khăn thế nào bà Hạnh vẫn quyết tâm nuôi.
Hôm chúng tôi đến, bà Hạnh vừa gom ve chai bán được 6.000 đồng. Bà bảo: “Mới nhận thêm cái quần người ta mang đến sửa, như thế là có thêm 10.000 đồng nữa để 2 bà cháu sống qua ngày hôm nay”.
Bình thường đi nhặt ve chai về, bà sẽ gom lại cả tuần mới bán một lần, mà mỗi lần bán như thế, nhiều nhất cũng chỉ được 100.000 đồng, nhưng hôm nay vì chưa có tiền mua đồ ăn nên bà phải bán số, ve chai nhặt được, dù biết chỉ có vài ngàn đồng.

Không dám mơ ước học đại học

Cuộc sống của 2 bà cháu chỉ phụ thuộc vào từng đồng bán ve chai, cộng thêm tiền công ít ỏi nhận sửa quần áo của hàng xóm, ngày thu nhập nhiều nhất cũng chưa đến 30.000 đồng. Có ngày dù không có cái ăn, bà vẫn tiết kiệm tiền để còn đóng tiền học phí cho Quỳnh. “Rồi hàng xóm thương nên ai có gì ăn cũng hay cho. Các vật dụng trong nhà cũng của mọi người không xài nữa thì cho hai bà cháu về dùng”, bà Hạnh kể.
Để học được đến ngày hôm nay là chặng đường mà cả bà Hạnh và Quỳnh đều không dám nghĩ đến. 12 năm đi học, chưa học kỳ nào Quỳnh đóng học phí được đúng hạn: “Vì bà cháu em đâu có được số tiền lớn để nộp học phí. Lần nào bà cũng vay chỗ này, mượn chỗ kia rồi tiết kiệm trả dần dần. Chưa trả xong nợ học phí kỳ này là phải đi mượn để đóng tiếp vì kỳ học phí sau đã đến. Có những lúc không thể mượn được nữa thì em đành viết giấy xin nhà trường gia hạn thêm”, cô học trò mồ côi Quỳnh ngậm ngùi kể.
Lúc đầu vì chưa biết, tôi mới hỏi cô học trò mồ côi này: “Vậy sắp tới em dự định sẽ thi vào trường nào?” vì những tưởng đây là điều hiển nhiên của hầu hết học sinh khi học xong 12. Thế nhưng, Quỳnh cúi mặt lầm lũi rồi bảo: “Em không nộp đơn vào trường nào hết. Thi tốt nghiệp THPT xong em sẽ nghỉ học vì hoàn cảnh thế này em đâu đủ khả năng để học tiếp”.
Chính vì thế, cái ngày bạn bè trong lớp ai cũng đăng ký, nộp đơn trường này, trường kia thì cô học trò mồ côi chỉ biết lặng nhìn.
Cô học trò mồ côi Như Quỳnh bảo: “Em cũng có ước mơ chứ. Em ước mơ được học ngành dược để sau này làm thầy thuốc. Vì từ nhỏ được mọi người cho mấy đồ chơi như ống nghe của bác sĩ, em cứ giả vờ khám cho bà rồi nói sau này con sẽ làm thầy thuốc về bốc thuốc chữa bệnh cho bà. Nhưng đó chỉ là lúc nhỏ thôi, còn đến thời điểm hiện tại, em chưa bao giờ dám mơ ước được học đại học, vì điều đó với 2 bà cháu em là không thể”.
Chứng kiến cảnh 2 bà cháu phải nhặt nhạnh bán từng đồng ve chai, rồi ăn vài đồng, tiết kiệm vài đồng để gom dồn đóng học phí, tôi mới hiểu được vì sao cô học trò mồ côi Như Quỳnh nói đến trong mơ em cũng không dám mơ được học đại học. Nhưng chặng đường 12 năm khổ nhọc, giờ đây cánh cửa đại học đang ở phía trước lại phải đóng sập với cô học trò mồ côi hiếu học?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.