Cô học trò đề nghị không thả bóng bay: 'Con muốn làm nghề giải cứu động vật'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
27/07/2019 08:51 GMT+7

Cô học trò nhỏ Trường Marie Curie (Hà Nội) gửi thư cho hiệu trưởng các trường đề nghị không thả bóng bay trong ngày khai giảng để bảo vệ môi trường sống đang gây 'sốt' dư luận, cho biết ước mong trở thành thành viên các tổ chức giải cứu động vật hiếm.

 

“Con thấy vui và xúc động” !

Nguyễn Nguyệt Linh, cô học sinh chuẩn bị bước vào lớp 6 Trường Marie Curie (Hà Nội) viết thư gửi hiệu trưởng của hơn 40 trường ở Hà Nội để truyền đi thông điệp: “Thả bóng bay lên trời: bay cao ước mơ của học sinh - giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển”. Linh cũng bày tỏ mong muốn các trường hãy dừng việc thả bóng bay trong ngày khai giảng năm học mới sắp tới. Hành động này của Linh đã gây sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng, nhất là trong bối cảnh toàn xã hội đang vận động hạn chế tối đa việc sử dụng và xả ra môi trường các loại rác thải nhựa.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, Nguyệt Linh cho biết: “Con viết bức thư này là vì con biết bóng bay rất có hại cho môi trường, trong khi lễ khai giảng của trường con và các trường ở Hà Nội năm nào cũng thả bóng bay. Con hy vọng các thầy cô hiệu trưởng hưởng ứng mong muốn này để không thả hoặc hạn chế số lượng bóng bay. Được thế thì con sẽ rất vui”.
Đặc biệt, khi nhận được thư của Linh, thầy Hiệu trưởng Trường Marie Curie Nguyễn Xuân Khang, mà các con vẫn thường gọi là “ông nội”, đã trả lời, đó là điều khiến Linh xúc động và vui mừng hơn cả. “Ông nội” đã hứa sẽ có một “lễ khai giảng Nguyệt Linh” của nhà trường vào ngày 5.9, tại đó sẽ lan tỏa thông điệp không xả rác thải độc hại ra môi trường. Linh thổ lộ: “Con rất phấn khích vì thầy đã trả lời và hưởng ứng mong muốn của con. Khi thầy nói là lễ khai giảng được đặt là tên con, con cảm thấy vui và xúc động lắm”.
Nguyệt Linh cho biết: “Con tìm hiểu nhiều về môi trường sau khi vừa học thầy Hùng Lekima (nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng - người từng có chuyến đi xuyên Việt chụp ảnh rác gây ấn tượng, cũng như có nhiều hoạt động sống xanh, bảo vệ môi trường - PV) và biết về chuyến xuyên Việt chụp ảnh rác của thầy. Con tìm hiểu thêm về môi trường trên trang “Saves our Seas” của thầy”.

Cứ bắt đầu từ bản thân trước

Không chỉ viết thư, Nguyệt Linh đã tự mình làm clip, vẽ tranh... kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường, giảm dùng đồ nhựa. Cô bé nói: “Chỉ có hành động mới làm nên thay đổi”.
Trả lời câu hỏi về những kế hoạch tiếp theo trong việc kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường, Linh hồn nhiên nói: “Con nghĩ con cứ bắt đầu với bản thân mình trước, con sẽ ít dùng đồ nhựa dùng 1 lần, hạn chế dùng túi ni lông, mang bình nước cá nhân khi ra ngoài”.
Kể về ước mơ tương lai, Linh cho hay từng mong muốn làm hướng dẫn viên du lịch, nhưng bây giờ đang có ước mơ làm thành viên trong một tổ chức giải cứu động vật hiếm hoặc bảo vệ môi trường, hoặc trở thành nhà khảo cổ học. “Bố mẹ con rất ủng hộ việc con tìm hiểu kiến thức xã hội. Bố mẹ thường đưa con đi các sự kiện liên quan đến môi trường. Mẹ bảo phải hiểu nhiều về cuộc sống xung quanh chứ không chỉ học trong sách vở. Nhà con cũng hay đi chơi, dã ngoại, du lịch”.
Chị Lê Hoàng Minh Nguyệt, mẹ của Linh, cho hay từ khi Linh còn nhỏ, anh chị đã thường xuyên cho con “ra ngoài nhiều hơn ở nhà” và tích cực cho con tham gia các hoạt động xã hội. “Con rất hạnh phúc và thoải mái khi làm những việc liên quan đến bảo vệ môi trường mà không cảm thấy áp lực hay lo ngại gì. Thấy con vui và dành thời gian cho những hành động có ý nghĩa, không lý do gì bố mẹ lại ngăn cản”, chị Nguyệt chia sẻ.

Thư của học trò và lời phúc đáp của thầy hiệu trưởng

Nguyễn Nguyệt Linh: “Sau những thông tin con tìm thấy được thì bóng bay được làm từ ni lông, tức là từ nhựa và khi thả lên trời thì các chú chim hoặc các động vật khác khi nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói. Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các loài sinh vật biển khác được biết là đã bị nhầm lẫn giữa bóng bay và sứa biển. Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt và dẫn tới cái chết ạ.
Vậy nên bây giờ con nghĩ rằng trường mình có thể dừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay, có được không ạ? Con chỉ muốn gửi thông điệp: “Thả bóng bay lên trời: bay cao ước mơ của các học sinh - giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển”.
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie: “Một ý tưởng đẹp, rất đẹp và ý nghĩa sâu sắc! Việc thả bóng bay ở lễ khai giảng, nhiều sự kiện ở trường ta và các nơi khác, đã thành một thói quen “sang trọng”. Nhưng không mấy ai nghĩ đến những hệ lụy mà cô học trò bé nhỏ của thầy đề cập trong thư... Chắc chắn thầy và tất cả các thầy cô Trường Marie Curie ủng hộ triệt để đề nghị của con. Lễ khai giảng năm học sắp đến sẽ không còn bóng bay thả lên trời, nhưng tất cả thầy trò trường ta sẽ vui hơn rất nhiều. Thầy sẽ đặt tên cho lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 là “Lễ khai giảng Nguyệt Linh” để ghi nhận ý kiến tuyệt vời của con...”.
 

Sẽ lan tỏa những lễ khai giảng không thả bóng bay

Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng chia sẻ với PV Thanh Niên sự đồng tình sau khi đọc được lời kêu gọi của bé Nguyệt Linh. Ông Dũng cho hay sẽ suy nghĩ làm thế nào lan tỏa được thông điệp này đến các nhà trường trong dịp lễ khai giảng năm học mới sắp đến nói riêng và ý thức bảo vệ môi trường sống, hạn chế tối đa việc xả rác thải nhựa ra môi trường.
Lời kêu gọi này cũng lan tỏa đến TP.HCM. Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An (Q.5, TP.HCM), cho biết năm nay sẽ không thả bóng bay trong ngày khai giảng của trung tâm. Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng vẫn có nhiều hoạt động khác có ý nghĩa và tạo không khí trong ngày khai giảng không kém việc thả bóng bay. Chẳng hạn như thực hiện cây ước nguyện - thể hiện những mong ước, lời chúc của sinh viên về một năm học thuận lợi, những quyết tâm trong 4 năm học sắp tới…
Tuyết Mai - Đăng Nguyên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.