Cỏ hoang tràn ngập dự án đã chi 20 tỉ đồng

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
12/04/2022 04:21 GMT+7

Công trình nâng cấp, mở rộng và tu bổ, tôn tạo di tích địa điểm lịch sử Chiến thắng Đèo Nhông ở Bình Định đã tiêu tốn hơn 20 tỉ đồng sau 4 năm khởi công, nhưng khối lượng thi công bị nghi ngờ là chưa tương xứng với số tiền này.

Cầm đèn chạy trước ô tô?

Ghi nhận thực tế, khu vực xây dựng di tích địa điểm lịch sử Chiến thắng Đèo Nhông (gọi tắt là dự án Đèo Nhông; ở xã Mỹ Phong, H.Phù Mỹ, Bình Định) đang là một bãi đất ngổn ngang, nhếch nhác, lẫn lộn những hạng mục thi công mới và cũ.

Dự án đầu tư hạ tầng tại khu di tích Đèo Nhông đã tiêu tốn 20 tỉ đồng

Toàn bộ mặt bằng dự án gần 7,5 ha đã hoàn thành việc san ủi. Trên phần mặt bằng này, 4 trụ cổng còn khá mới nhưng các hạng mục như sân hành lễ lát đá, đường dạo và đường nội bộ lát gạch con sâu, bờ kè mái quanh dự án, ao sen, hệ thống thoát nước…, có nhiều vị trí bị cỏ bao phủ hoặc có dấu hiệu xuống cấp. Chính giữa công trình đang thi công bệ tường đài và trụ cờ. Do không có người bảo vệ, khu vực dự án bị người dân chăn thả bò rất nhếch nhác, mất mỹ quan.

Dự án Đèo Nhông được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 28.10.2016, giao UBND H.Phù Mỹ làm chủ đầu tư. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất H.Phù Mỹ (Ban QLDA H.Phù Mỹ) được giao làm đại diện chủ đầu tư để thực hiện dự án. Ban đầu, dự án có tổng vốn đầu tư 29 tỉ đồng từ ngân sách của tỉnh Bình Định và H.Phù Mỹ.

Dự án được khởi công từ năm 2018. Tháng 9.2019, UBND tỉnh Bình Định có quyết định phê duyệt điều chỉnh, với tổng kinh phí dự án sau khi bổ sung là 35 tỉ đồng.

Ngày 18.2.2020, UBND tỉnh Bình Định có tờ trình và ngày 19.3.2020, Bộ VH-TT-DL mới có văn bản thẩm định dự án Đèo Nhông. Theo đó, Bộ VH-TT-DL lưu ý các không gian chức năng cần bố trí bám sát địa hình tự nhiên, tôn tạo cảnh quan và hạn chế san gạt, không xây dựng vườn tượng trong di tích… Địa điểm lịch sử quốc gia Chiến thắng Đèo Nhông là di tích cấp quốc gia nên công trình tu bổ, tôn tạo di tích được khởi công trước khi Bộ VH-TT-DL có văn bản thẩm định, thỏa thuận là sai quy định và việc san gạt trong khu vực di tích cũng đã làm thay đổi hiện trạng vốn có của di tích.

Đường dạo trong khu di tích Đèo Nhông thi công chưa xong đã xuống cấp

Hoàng Trọng

Theo ông Ngô Thanh Hải - Giám đốc Ban QLDA H.Phù Mỹ, ban đầu tỉnh Bình Định chỉ đầu tư hạ tầng tại di tích Chiến thắng Đèo Nhông nên không xin ý kiến Bộ VH-TT-DL. Sau khi UBND tỉnh Bình Định quyết định điều chỉnh dự án, có thêm phần xây dựng tượng đài thay thế tượng đài cũ mới có văn bản xin ý kiến Bộ VH-TT-DL.

Còn việc san gạt mặt bằng tại di tích trước khi có ý kiến của Bộ VH-TT-DL, ông Hải cho rằng “không có gì sai”. Bởi khu vực tượng đài Chiến thắng Đèo Nhông trước kia nhỏ hẹp, phía sau là đồi núi nên mỗi lần tổ chức lễ hội mừng Chiến thắng Đèo Nhông vào mùng 5 Tết Nguyên đán có hàng ngàn người tham gia nên không có chỗ. Vì vậy, khi đầu tư dự án đã có chủ trương cho san gạt phần đồi sau tượng đài để san lấp xung quanh, tạo mặt bằng rộng gần 7,5 ha.

Nhiều sai phạm khi triển khai dự án

Tháng 3.2021, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Định tiến hành thanh tra và phát hiện nhiều vi phạm tại công trình thi công dự án Đèo Nhông.

Cụ thể, chủ đầu tư tổ chức lập, phê duyệt hồ sơ mời thầu và tổ chức mời thầu thi công xây dựng gói thầu hạ tầng kỹ thuật khi chưa được UBND tỉnh phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình là không đúng quy định. UBND H.Phù Mỹ phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu xây lắp và nhà thầu tư vấn giám sát đối với gói thầu xây dựng hạ tầng của dự án chưa phù hợp theo các quy định hiện hành. Ban QLDA H.Phù Mỹ thực hiện ký kết hợp đồng xây dựng, hợp đồng tư vấn giám sát đối với các nhà thầu chưa đảm bảo theo quy định.

Thanh tra Sở Xây dựng cũng xác định dự án triển khai thi công chưa đảm bảo điều kiện khởi công theo quy định của luật Xây dựng. Việc sử dụng thiết kế cơ sở để mời thầu chưa phù hợp với công việc thực tế thi công, việc áp dụng một số mã hiệu công việc chưa phù hợp, dẫn đến chênh lệch tăng giá trị gói thầu với số tiền hơn 534 triệu đồng. Chênh lệch tăng của khối lượng đã nghiệm thu, thanh toán hơn 87 triệu đồng.

Sân hành lễ lát đá và đường dạo của dự án bị cỏ mọc khắp nơi

UBND H.Phù Mỹ cho biết đã khắc phục các vi phạm mà Thanh tra Sở Xây dựng đã chỉ ra. Theo đó, Ban QLDA H.Phù Mỹ đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể và các cá nhân có liên quan để xảy ra các sai sót và nộp phạt hành chính 17,5 triệu đồng. Đồng thời, cảnh cáo, nhắc nhở đối với các nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu, tư vấn giám sát và nhà thầu thi công.

Theo ông Hải, tại thời điểm Thanh tra Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra, đơn vị thi công đã thi công phần hạ tầng kỹ thuật cơ bản hoàn thành khối lượng theo hợp đồng ban đầu và đã thi công đạt khoảng 75% khối lượng dự án điều chỉnh, tương đương với số tiền hơn 20 tỉ đồng. Do UBND tỉnh Bình Định nhiều lần điều chỉnh thiết kế nên thời thời gian thi công cũng bị điều chỉnh. Ban đầu, thời gian thực hiện dự án từ 2017 - 2019, sau được điều chỉnh thành năm 2017 - 2020, hiện đã điều chỉnh lại là từ năm 2017 - 2022. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 11.2022.

Có tương xứng với hơn 20 tỉ đồng đã bỏ ra?

Nhiều ý kiến cho rằng các hạng mục đã thi công tại dự án Đèo Nhông chưa tương xứng với số tiền hơn 20 tỉ đồng đã bỏ ra, và việc thời gian thi công kéo dài khiến công trình không đồng bộ, nhiều hạng mục đã xuống cấp là sự lãng phí tiền ngân sách.

Khi PV Thanh Niên đặt câu hỏi về vấn đề này, ông Hải cho rằng “hoàn toàn tương xứng”, dự án đã thi công phần kè mái dọc QL1, sân lát đá, đường nội bộ, cống thoát nước, ao sen… Hiện dự án đang được triển khai các hạng mục còn lại như tượng đài chiến thắng Đèo Nhông (9 tỉ đồng), hạng mục chân tượng đài...; và đơn vị thi công hạ tầng sẽ hoàn thành các hạng mục trước đây. “Khi làm xong, nhìn dự án sẽ khác, đẹp và tươm tất hơn”, ông Hải nói.

Tại sao cơ quan chuyên môn không có ý kiến?

Theo TS Đinh Bá Hòa - nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định, từ ngày 6 - 8.2.1965, Trung đoàn 2 bộ đội chủ lực Quân khu 5 phối hợp bộ đội địa phương, dân quân du kích H.Phù Mỹ đã phục kích tại khu vực đèo Nhông tiêu diệt 2 tiểu đoàn bộ binh của địch, một chiến đoàn xe bọc thép, thu nhiều vũ khí và phương tiện quân sự.

Năm 1985, H.Phù Mỹ khởi công xây dựng tượng đài Chiến thắng Đèo Nhông ngay trên vùng đất đã xảy ra trận đánh năm xưa. Tháng 12.1993, Nhà nước công nhận địa điểm chiến thắng Đèo Nhông là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Di tích địa điểm lịch sử quốc gia Chiến thắng Đèo Nhông là loại hình kháng chiến và đồi chính là di tích gốc, nếu san ủi nhiều thì dấu vết di tích sẽ không còn. Tại di tích này, trước kia còn có dấu tích các công trình công sự do bộ đội ta đào trong lúc chiến đấu.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trách nhiệm quản lý, kiểm tra, bảo vệ di tích, di sản trên địa bàn tỉnh Bình Định thì cơ quan chuyên môn là Bảo tàng tỉnh và Sở VH-TT. Vì vậy, việc để chủ đầu tư là H.Phù Mỹ tự ý thi công dự án tại khu di tích địa điểm lịch sử quốc gia Chiến thắng Đèo Nhông trước khi Bộ VH-TT-DL có văn bản thẩm định, làm ảnh hưởng đến di tích có phần trách nhiệm của Bảo tàng tỉnh và Sở VH-TT tỉnh Bình Định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.