Có hẹn với Sài Gòn

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
19/03/2022 12:57 GMT+7

Tháng ba, Sài Gòn nắng đẹp. Những ngày cuối xuân bên bến sông nhìn ra mênh mang sóng nước, lại thấy háo hức với một chương trình mang thêm vẻ đẹp cho miền đất phương Nam này: Có hẹn với Sài Gòn !

Áp phích chương trình Có hẹn với Sài Gòn diễn ra buổi đầu tiên chiều 26.2 ở công viên Bến Bạch Đằng

N.K.T

Có rất nhiều những buổi chiều, ngồi trên lầu cao của quán cà phê trên đường Ngô Đức Kế (Q.1) nhìn xuyên qua mái vòm của khách sạn Majestic đã gần trăm năm, hướng về phía dòng sông Sài Gòn, thầm ao ước Bến Bạch Đằng sẽ là nơi tụ hội lung linh mỗi cuối tuần. Trong ngọn gió sông thổi lên đằm thắm phong vị rêu xanh lục bình của con nước lớn nước ròng, nơi chốn đã từng đón đưa bao trai thanh gái lịch xứ này đến thưởng ngoạn, vẫn hằng nghĩ tạo hóa đã ban cho khúc quanh uốn lượn của sông một vẻ đẹp nao lòng và các bậc tiền nhân đi mở cõi đã chọn nơi này làm chốn tạo dựng cơ nghiệp, sao bao năm tháng qua vẫn chưa thể làm nên sức bật cho một hướng du lịch để thu hút du khách nhiều hơn, để bao người một lần đến bên bến sông này, khi trở về vẫn hoài vọng những khoảnh khắc thú vị đậm sắc màu sông nước miền Nam?

Các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc đường phố trong chương trình Có hẹn với Sài Gòn phục vụ cộng đồng ở Bến Bạch Đằng (Q.1, TP.HCM)

N.K.T

Thế rồi, một ngày cuối tháng 2, nhận được tin nhắn từ một người bạn, là anh Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Thường Nhật, và cũng là đơn vị đồng hành cải tạo lại khu vực bến sông này, nói rằng mai này Bến Bạch Đằng sẽ khác. Ngoài việc tu bổ, chỉnh trang một số hạng mục cho bến sông khang trang, mỗi chiều thứ bảy hằng tuần vào lúc 17 giờ 30 đến 19 giờ nơi đây diễn ra một chương trình âm nhạc mang tên Có hẹn với Sài Gòn. Bản thuyết minh của chương trình khiến tôi không khỏi khấp khởi mừng, vì biết rằng bên bến sông gió lộng ấy, mai mốt sẽ là một địa chỉ văn hóa được diễn tả bằng âm nhạc và sự gắn bó của những người yêu thích đến thưởng lãm. Buổi diễn đầu tiên của chương trình âm nhạc đường phố này bắt đầu từ chiều 26.2, đến nay đã là tuần thứ 3 diễn ra trên Bến Bạch Đằng. Người đàn ông say mê dòng sông Sài Gòn, cũng là người được báo chí mệnh danh là “vua buýt sông” Nguyễn Kim Toản nói với tôi: “Có hẹn với Sài Gòn là một dự án âm nhạc đường phố, được tổ chức với mong muốn phục vụ cộng đồng, góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa lịch sử trên bến dưới thuyền của Sài Gòn xưa, mang lại nhịp sống sôi động của TP.HCM đang hồi sinh sau dịch bệnh. Khi đến ga tàu thủy Bạch Đằng, khi trên những chuyến buýt sông, du khách sẽ thả hồn trong không gian âm nhạc sinh động, ngẫu hứng. Tôi tin chắc điều đó sẽ tạo thêm một nét duyên cho sông nước Sài Gòn”.

Một nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc đường phố tại Có hẹn với Sài Gòn

N.K.T

Chiều thứ bảy, 12.3, từ thủ đô Hà Nội, nghe tin về dự án âm nhạc thú vị này, ca sĩ Pinko Hoàng Chiến cũng đã bay vào để hát bên sóng nước vời vợi. Toản giới thiệu với bạn bè bằng một tình cảm thiết tha, rằng: “Người đàn ông hát” từ Hà Nội đến với chương trình Có hẹn với Sài Gòn. Thật tuyệt vời! Và ban tổ chức không quên ghi một dòng bày tỏ nhiệt huyết của mình trên tấm áp phích: “Tất cả tình yêu và lòng biết ơn chúng tôi dành cho Sài Gòn”.

Rồi tiếp đó, Công ty Thường Nhật của Nguyễn Kim Toản cùng đơn vị đồng hành là Công ty cổ phần Vinhomes và các ban ngành của TP.HCM tổ chức lễ khánh thành công viên Mê Linh và công viên Bến Đạch Đằng ở Q.1 vào sáng 17.3 và trước đó tổ chức lễ cung thỉnh lư hương về tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo khuya 16.3 rạng sáng 17.3. Những công việc ấy, nằm trong khuôn khổ của một quyết định rất hợp lòng dân của lãnh đạo TP.HCM với ý thức làm sao cho khu vực đẹp nhất của bờ sông Sài Gòn có một quần thể di sản, thắng cảnh khang trang diễm lệ và mang ý nghĩa tâm linh như mọi người hằng mong muốn.

Áp phích giới thiệu ca sĩ Pinko Hoàng Chiến hát ở chương trình Có hẹn với Sài Gòn chiều 12.3

N.K.T

Với những lẽ đó, tâm huyết của bao người dành cho dòng sông Sài Gòn rất đáng được trân trọng ghi nhận. Mà đặc biệt nhất là chuyến hải trình ngược sông Sài Gòn để khảo sát vào ngày 20.3 sắp tới trên chuyến tàu Saigon Waterbus với sự có mặt của đoàn chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực lịch sử, văn hóa của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cùng với Viện nghiên cứu xã hội TP.HCM là một minh chứng rõ nét nhất cho việc tiếp nối các nghiên cứu, trong tiến trình ghi nhận và khai thác các giá trị, tiềm năng của sông Sài Gòn, để phục vụ cho các hoạt động kinh tế-xã hội của TP.HCM trong tương lai.

Một du khách đến từ Quảng Trị ghé thăm và đi du lịch trên sông Sài Gòn

T.T.B

Chuyến ngược dòng lên phía thượng nguồn ấy, mà điểm đến là Cù Lao Phố ở Đồng Nai, ngoài ý nghĩa nghiên cứu như đã nói ở trên, thêm một lần nữa là sự tưởng vọng và trân trọng công lao của các bậc tiền nhân một thuở, chẳng phải cũng là ngược dòng lịch sử đã từng lưu dấu hành trang, nhiệt huyết hơn 300 năm trước của bao người đã dày công để lập nên xứ Sài Gòn-Gia Định hay sao?

Trong bản thuyết minh giới thiệu dự án nghệ thuật cộng đồng phi lợi nhuận Có hẹn với Sài Gòn, đã ghi rõ ý nghĩa nhân bản phục vụ và sứ mệnh của dự án như sau: “Lan tỏa những giá trị văn hóa, tinh thần mang đến sự hứng khởi trong cuộc sống. Góp phần nâng cao chất lượng văn hóa đường phố, đưa nghệ thuật đường phố trở thành nét đẹp của Sài Gòn. Dự án sẽ là cầu nối cho các câu lạc bộ âm nhạc, nghệ thuật của các trường quốc tế, song ngữ hoặc các trung tâm văn hóa đa bản sắc, các nghệ sĩ, ban nhạc chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp, những giảng viên, học viên của các trường âm nhạc, nhạc viện trên cả nước… tiếp cận gần hơn với khán thính giả".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.