Có hai nhà báo Nhật Bản thăm Quảng Ngãi

13/09/2023 05:00 GMT+7

Ông Suzuki Katsuhiko là nhà báo của tờ báo Akahata (Cờ Đỏ) - tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Nhật Bản - vừa có dịp đến thăm Quảng Ngãi. Cùng đi với ông Suzuki có ông Honda Masakazu - nguyên là nhà báo của tờ Asahi Shimbun - tờ báo lớn thứ hai của Nhật Bản, và là một trong 8 tờ báo lớn nhất thế giới.

Hai ông Suzuki và Honda - (xin phép gọi họ của hai ông cho tiện) - nghe họ của hai ông này rất quen với người Việt Nam, vì đó là nhãn hiệu của 2 loại xe máy nổi tiếng mà người Việt quen dùng từ bao nhiêu năm nay. Nhưng hai ông là hai nhà báo nổi tiếng, chứ không phải…

Khi nghe tôi cười vì hai cái "họ quen", hai ông đã giải thích ngay. Hóa ra, hai cái họ này rất phổ biến ở Nhật Bản.

Mục đích của hai nhà báo Nhật Bản khi đến thăm Quảng Ngãi là được đi thăm Bảo tàng Sơn Mỹ và thăm bệnh xá Đặng Thùy Trâm… trên núi, chứ không chỉ thăm Nhà lưu niệm Đặng Thùy Trâm trên quốc lộ 1 thuộc Đức Phổ.

Ông Suzuki là nhà báo kỳ cựu của báo Akahata (báo Cờ Đỏ) của Đảng Cộng sản Nhật. Từ tháng 11.1969, ông Suzuki đã được Đảng Cộng sản Nhật gửi sang Hà Nội để học Đại học Tổng hợp Hà Nội - khoa tiếng Việt, học trong 4 năm, tới năm 1973 thì tốt nghiệp. Tôi nói với ông Suziki, hồi tháng 11.1969 ông vào nhập học Đại học Tổng hợp thì đúng thời điểm tôi tốt nghiệp ở chính ngôi trường này, nhưng tôi học khoa Ngữ văn. Cùng tháng 11 ấy, tôi nhập ngũ và được đưa về Buổi phát thanh binh vận của Đài tiếng nói Việt Nam làm phóng viên. Như thế, "Hai anh em mình là đồng môn, dù anh vào học thì tôi ra trường", tôi nói với ông Suzuki. "Đồng môn, đúng rồi!", ông Suzuki cười rất tươi. Rồi ông nói thêm với tôi, vào thời điểm Mỹ ném bom B52 xuống Hà Nội, ông và lớp ông phải sơ tán về làng quê ở Sơn Tây. Khi ra trường (1973), ông làm nhà báo thường trú cho tờ Akahata liên tục ba nhiệm kỳ, tới mãi sau hòa bình.

 Tôi hỏi, vậy ông quen biết nhà báo Takano Isao của báo Akahata đã hy sinh năm 1979 ở Lạng Sơn trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc chứ? Ông Suzuki nói, anh Takano với tôi là đồng nghiệp, cùng làm một tờ báo, và khi anh Takano hy sinh, tôi đã viết nhiều bài về anh. Tinh thần Takano luôn cổ vũ tôi khi hành nghề ở Việt Nam, giúp tôi trưởng thành rất nhiều. Trong công tác phiên dịch, tôi rất quen với ông Nguyễn Phú Trọng, vì đã rất nhiều lần làm phiên dịch tiếng Nhật cho ông. Tôi cũng quen biết và cảm phục nhà văn Nguyên Ngọc từ khi anh làm Tổng biên tập báo Văn Nghệ, và gần đây, tôi đã dịch hai tác phẩm "Đường mòn trên biển Đông" và "Bạn tôi trên ấy" của anh Nguyên Ngọc ra tiếng Nhật. Hai tác phẩm này đã được in và phát hành tại Nhật Bản. Lần này, tới Quảng Ngãi, tôi và bạn tôi, anh Honda, muốn đi thăm Bảo tàng Sơn Mỹ và thăm Bệnh xá Đặng Thùy Trâm trên núi. Tôi đã đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Việt, bây giờ cuốn Nhật ký cảm động này đã được dịch ra tiếng Nhật và rất được người Nhật tìm đọc. Gần như từ khi trưởng thành, tôi đã gắn bó với Việt Nam, nơi tôi coi như quê hương thứ hai của mình.

Đi Sơn Mỹ thì rất dễ, và hai ông nhà báo Nhật đã rất hài lòng khi được hướng dẫn viên giới thiệu rõ ràng và mạch lạc về vụ thảm sát Sơn Mỹ do quân đội Mỹ gây ra ngày 16.3.1968 tại Sơn Mỹ, nơi có tên gốc là Tịnh Khê, còn được gọi là Mỹ Lai, là "Làng Hồng". Ông Honda đã ghi chép rất kỹ từng chi tiết của cuộc viếng thăm Sơn Mỹ này. Vì "tiền bối" của ông - người đã lãnh đạo tờ báo Asahi Shimbun - nói với ông là phải tìm cho được một nhân chứng tên là Đỗ Ba - người mà "tiền bối" đã gặp và phỏng vấn trực tiếp tại Sơn Mỹ vào tháng 7.1975. Yêu cầu này đã được đáp ứng, dù không gặp trực tiếp được anh Đỗ Ba, do anh đã rời nhà đi làm thuê ở Nha Trang từ trước đó.

Đi Sơn Mỹ thì dễ, vì chỉ cách TP.Quảng Ngãi 12 km, nhưng đi "Bệnh xá Đặng Thùy Trâm trên núi" thì khó khăn hơn nhiều, vì hai nhà báo Nhật tuổi đã cao, ông Honda còn bị thấp khớp, chân đi hơi yếu.

Nhưng được sự giúp đỡ hỗ trợ rất tận tình của bà con Đức Phổ, sự chuẩn bị quá chu đáo của anh Nguyễn Kiên - Bí thư thị xã Đức Phổ, và hai nhân chứng vốn là đồng đội của chị Thùy Trâm ngày còn lãnh đạo bệnh xá, mà cuộc "đi về nguồn - Bệnh xá Đặng Thùy Trâm" đã hoàn tất một cách hết sức tốt đẹp. Ông nhà báo Honda do yếu sức đã được các "tình nguyện viên" Đức Phổ dìu đỡ, thậm chí cõng lên núi, để hai ông nhà báo Nhật tới ngay căn hầm chị Thùy Trâm từng cứu chữa cho thương binh ngày chiến tranh khốc liệt ấy.

Chuyến "đi thực tế" của hai nhà báo Nhật đã kết thúc hết sức mỹ mãn, và sự thân thiện cùng tình cảm của người Đức Phổ khi giúp đỡ hai nhà báo đã khiến hai ông hết sức cảm động.

Ông Suzuki, nay ông đã 79 tuổi, thành thạo tiếng Việt, đã về hưu và đang lãnh đạo một công ty du lịch ở Nhật Bản đã quyết định ngay là đưa Quảng Ngãi với hai địa chỉ Sơn Mỹ và Nhà lưu niệm Đặng Thùy Trâm vào danh sách du lịch chính thức của khách Nhật Bản thuộc công ty ông. Sắp tới, sẽ có những đoàn khách Nhật Bản đầu tiên tới hai địa điểm "du lịch lịch sử" này.

Tôi cũng rất vui mừng vì là người tổ chức chuyến đi đặc biệt này của hai nhà báo Nhật Bản, tôi đã "hoàn thành tốt đẹp" nhiệm vụ tình nguyện này của mình. Hy vọng từ nay, sẽ thành hình sợi dây kết nối tình cảm và công việc giữa các nhà báo Quảng Ngãi và Nhật Bản, vì hai ông nhà báo Nhật Bản đã tới Quảng Ngãi bằng tình yêu thương và sự đồng cảm cao với quê hương chúng ta. Hy vọng sắp tới sẽ có những bài báo viết về Quảng Ngãi của hai nhà báo Nhật Bản nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Nhật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.