Cô giáo trẻ ‘gieo chữ’ trên núi Ngọc Linh: ‘Mỗi ngày của tôi đều là 20.11’

20/11/2020 19:01 GMT+7

“Khu mế lâm học! Khu mế lâm học!” (Học sinh đi học), cô Nguyễn Việt Thảo đứng trên đồi cao cất tiếng gọi vang cả núi rừng. Đó là cách mà cô thường làm để đánh thức các em học sinh Ca Dong ở vùng núi cao này.

Nhiều lần thấy chông chênh giữa núi đồi đến mức muốn bỏ cuộc, nhưng chính tình yêu thương dành cho các em học sinh còn nhiều khó khăn ở các điểm trường của trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập (H.Nam Trà My, Quảng Nam) đã khiến cô Nguyễn Việt Thảo (26 tuổi) vượt qua tất cả.

Gian nan hành trình "gieo chữ’

Năm 2014, cô gái 20 tuổi Nguyễn Việt Thảo vừa mới ra trường đã được phân công đến dạy tại điểm trường Răng Chuỗi (thôn 2, xã Trà Tập) thuộc trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập. Đó là cơ duyên để cô bắt đầu hành trình “gieo con chữ” cho các em học sinh ở vùng núi cao Ngọc Linh.
"Lúc đầu, tôi không biết rằng Răng Chuỗi là một trong những điểm trường xa nhất ở xã Trà Tập. Sau 4 tiếng đi đường núi, tôi đã đến nơi nhưng cảm thấy mệt mỏi đến mức không nói được lời nào, tay chân rã rời không đứng vững được, phải ngồi bệt xuống”, cô Thảo nhớ lại.
Đó là một điểm trường nhỏ hẻo lánh, nằm trên đồi cao. Ở đó, không có điện, sóng điện thoại chập chờn và nước sinh hoạt rất yếu. Sau 5 giờ chiều, cô Thảo cùng với các thầy cô đã ăn cơm xong và chuẩn bị đi ngủ.
Mất hơn một tháng, cô Thảo mới có thể thích nghi với cuộc sống mới. Cũng từ đây, mỗi năm cô lại đi “gieo chữ” ở nhiều điểm trường khác nhau của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập như Răng Dí, Tu Nương hay Tắk Pổ.
Với cô Thảo, mỗi nơi cô đến công tác đều để lại những kỷ niệm khó quên. “Tôi thấy thương các em lắm vì ở những nơi đó, các em thiếu thốn rất nhiều. Hoàn cảnh đã khiến cho những đứa trẻ ở đây có tính tự lập rất sớm, chỉ mới 1 tuổi, 2 tuổi mà các em đã phải tự học cách đi lại, tự ăn cơm”, cô Thảo tâm sự.

Nhiều lần muốn bỏ cuộc, nhưng chính tình yêu với các em học sinh đã giúp cô Thảo cùng những người đồng nghiệp của mình gắn bó với các em học sinh vùng núi.

ẢNH: NVCC

Cô kể vào năm thứ 4, cô được phân công đến dạy tại điểm trường Răng Dí, vốn là điểm trường dốc nhất của xã Trà Tập.
“Những ngày tôi về thăm nhà, rồi phải lội bộ trở lại trường một mình. Trời thì mưa lớn, đường thì dốc nên đường trơn trượt, hành lý thì nặng. Lúc đó, tôi cảm thấy tủi thân muốn rơi nước mắt. Nhưng nghĩ đến hình ảnh của những đứa trẻ mặt mày lấm lem bùn đất, mặc áo không đủ ấm, đi chân đất để đến trường học, tôi lại gạt nước mắt để tiếp tục cố gắng”, cô Thảo xúc động.
Cô giáo 7 năm ‘gieo chữ’ trên núi Ngọc Linh: ‘Mỗi ngày của tôi đều là 20.11’

Cô Thảo nhận được nhiều tình cảm từ các em học sinh.

ẢNH: NVCC

Ông Nguyễn Chí Thanh (62 tuổi, bố cô Thảo) tâm sự cô vẫn hay kể cho ông nghe những niềm vui trong những ngày đi dạy của mình. “Tôi biết con mình đi dạy gặp nhiều khó khăn, thậm chí có nhiều lúc nó cô đơn, tủi thân nhưng chưa bao giờ nó nói những điều đó với tôi. Gia đình luôn tự hào về công việc của Thảo và luôn tạo điều kiện để cháu công tác tốt”, ông Thanh nói.
“Suốt 7 năm qua, điểm trường xa nhất tôi cũng đã dạy, điểm trường dốc nhất hiểm trở nhất tôi cũng đã gắn bó. Nên bây giờ, có dạy ở những nơi khó khăn đến đâu tôi cũng sẽ không ngại”, cô Thảo cười.
Cô giáo 7 năm ‘gieo chữ’ trên núi Ngọc Linh: ‘Mỗi ngày của tôi đều là 20.11’

Điểm trường Tắk Pổ được đầu tư khang trang.

ẢNH: NVCC

Phải lòng Tắk Pổ

Cô Thảo kể, cứ mỗi đầu năm học, trường lại có một buổi họp để phân công giáo viên đến dạy tại những điểm trường khác nhau. Năm nay, cô rất vui khi được dạy tại Tắk Pổ.
Hiện điểm trường có 36 học sinh, trong đó có 22 em mẫu giáo và 14 em tiểu học. Cô Thảo nhận nhiệm vụ dạy cho các em học sinh tiểu học.
Cô giáo 7 năm ‘gieo chữ’ trên núi Ngọc Linh: ‘Mỗi ngày của tôi đều là 20.11’

Các em học sinh tại đây rất chăm chỉ học tập, là niềm hạnh phúc đối với cô Thảo.

ẢNH: NVCC

Cô Nguyễn Thị Bích Nguyên (23 tuổi, đồng nghiệp cô Thảo) cho biết đây là năm đầu tiên đi dạy của cô nên còn nhiều mới mẽ và bỡ ngỡ. Cô tâm sự: “Cả tôi và cô Thảo đều sống trong nhà tập thể của trường, cùng chia sẻ những vui buồn trong những ngày “gieo chữ”. Những lúc khó khăn, chúng tôi vẫn thường giúp đỡ và động viên nhau vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ của mình”.
Cô Thảo kể ở vùng núi, các thầy cô chủ yếu ăn lương khô. Cuối tuần, các thầy cô lại về dưới xuôi để mua thực phẩm nên những ngày đầu tuần các thầy cô mới được ăn đồ tươi. “Bà con ở đây rất thương mến các thầy cô nên họ hay cho rau quả như bầu, mướp, bí nên chúng tôi cũng đỡ được phần nào”, cô kể.
Cô giáo 7 năm ‘gieo chữ’ trên núi Ngọc Linh: ‘Mỗi ngày của tôi đều là 20.11’

Sau bão số 9, điểm trường Tắk Pổ bị thiệt hại nặng nề nên không đảm bảo an toàn cho việc dạy và học.

ẢNH: NVCC

Trong đợt bão số 9 vừa qua, cô Thảo không về nhà mà bám trụ lại Tắk Pổ để tiện chăm sóc cho các em học sinh và có thể nhanh chóng dạy các em học sau bão.
“Tuy nhiên, trường đã bị gió thổi tốc mái, bị nghiêng sang một bên và bị hư hỏng nặng nên rất nguy hiểm. Hơn 3 tuần nay, cô trò của chúng tôi đã phải học tạm trong nhà của người dân. Bản thân chúng tôi cũng không thể ở trong nhà tập thể của trường mà phải ở trong nhà dân để đảm bảo an toàn”, cô Thảo cho hay.
Dù vậy, mỗi lần cô thông báo với các em đến nhà của một bạn nào trong nóc để học là các em đều đến đầy đủ. “Điều đó khiến tôi cảm thấy con đường mà mình đang chọn trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết”, cô xúc động.
Cô giáo 7 năm ‘gieo chữ’ trên núi Ngọc Linh: ‘Mỗi ngày của tôi đều là 20.11’

Các em học sinh hay mang quà đến tặng cho các cô khiến cô Thảo cảm nhận được ngày nào cũng là ngày 20.11 của mình.

ẢNH: NVCC

Ngày 20.11 hạnh phúc

Với cô Thảo và những đồng nghiệp của mình, mỗi ngày mà họ trải qua đều là ngày 20.11. “Hằng ngày được dạy chữ cho các em, mở ra cho các em một chân trời mới để có thể nâng bước các em trên hành trình thay đổi cuộc đời, số phận của mình là tôi đã cảm thấy thật ý nghĩa. Ý nghĩa như bất kỳ ngày 20.11 nào mà tôi đã trải qua”, cô Thảo bộc bạch.
Cô vui vẻ kể, mỗi lần sắp đến ngày 20.11 là các em lại đem trái cây như cam, ổi hay mía, rau quả đến tặng cho các cô. Cô Thảo xem đó là những “báu vật” mà mình được nhận trong đời.
“Với tôi ngày 20.11 năm nay không có món quà ý nghĩa nào bằng việc các em có một điểm trường khang trang để có thể yên tâm học tập mà không phải sợ mưa tạt, gió lùa”, cô cho hay.
Đến thời điểm hiện tại, cô Nguyễn Việt Thảo hay vẫn chưa có ý định sẽ dừng công việc “gieo chữ” cho các em nhỏ ở vùng núi. Cô nói rằng, cô vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng các em đến khi nào không thể tiếp tục được nữa thì thôi.

Điểm trường Tắk Pổ sẽ hồi sinh

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Huy Phương - Hiệu trưởng của trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập cho biết trong suốt quá trình công tác, cô Nguyễn Việt Thảo luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
“Điều tôi quý nhất ở cô Thảo chính là ngoài việc là người có trách nhiệm, nhiệt huyết, luôn luôn học hỏi về chuyên môn và trao dồi kinh nghiệm thì cô còn là người sống tình cảm. Tình yêu mà cô dành cho các em học sinh rất tuyệt vời, chẳng hạn cô thường tự nguyện nấu ăn cho các em nhỏ để các con được no bụng để học”, ông Phương cho biết.
Ông Phương thông tin thêm, ngày 20.11 năm nay nhà trường làm một lễ tri ân nhỏ cho các thầy cô. Trường sẽ không tổ chức lớn vì vừa qua, huyện Nam Trà My đã trải qua thời điểm khó khăn với nhiều mất mát do bão lũ. Riêng về điểm trường Tắk Pổ, đơn vị đã vận động các mạnh thường quân để sữa chữa lại ngôi trường trong thời gian sớm nhất để các em có được nơi học tập và các cô có nơi để ở.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.