Cô giáo thực tập nghẹn ngào khi học sinh khiếm thị đánh máy đúng tên mình

23/04/2022 09:16 GMT+7

Dù gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng máy vi tính nhưng các em học sinh khiếm thị vẫn gõ đúng từng chữ tên cô giáo thực tập. Giây phút đó, cô xúc động, còn cư dân mạng thì thả tim cho sự đáng yêu của các em.

Mạng xã hội chia sẻ câu chuyện về ngày thực tập đầu tiên của chị Hoàng Lê Bảo Ngọc (20 tuổi, sinh viên năm 2, Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM). Chị viết: “Đối với chúng ta thì việc đánh chữ “Hoàng Lê Bảo Ngọc” lên máy tính nó dễ như ăn cái kẹo vậy mà lúc mình thấy các bé hỏi tên mình rồi cố gắng đánh ra để mình xem…”.

Đi thực tập nhưng ngay ngày đầu tiên các học sinh bé nhỏ đã làm các cô thầy tương lai xúc động

Như Quỳnh

Ngày đầu tiên nhiều cảm xúc…

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, câu chuyện trên diễn ra vào tiết tin học của các em học sinh lớp 3A, Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM). Hiện tại, lớp 3A có 12 học sinh, trong đó, chỉ có 2 - 3 em khiếm thị còn lại là các em không thấy hoàn toàn. Nhiệm vụ của chị Ngọc sẽ cùng giáo viên chủ nhiệm lớp hỗ trợ các em việc học. Dù là ngày thực tập đầu tiên nhưng các em đã chủ động hỏi tên chị để đánh lên máy vi tính. “Mình nghĩ các em chỉ hỏi cho biết thôi. Không ngờ khi hỏi xong, ai nấy cũng cặm cụi đánh máy tên mình. Phải mất từ 2 - 3 phút, các em mới đánh xong. Có bạn đánh lâu hơn thì cần đến 10 phút lận”, chị kể.

Năng lượng mà học sinh mang lại khiến Ngọc cảm thấy đã chọn đúng nghề

NVCC

Máy tính các em sử dụng được cài đặt thêm phần mềm đọc chữ và phải gõ từng chữ cái, đợi máy đọc xong rồi mới gõ chữ tiếp theo. Chỉ cần gõ sai một chữ, các em phải ấn xóa hết “vì không biết mình đã sai ở đâu”. Bên cạnh đó, các em phải thuộc các phím tắt để đóng và mở phần mềm, trình duyệt... thay vì sử dụng chuột. “Vài em còn nhìn thấy sơ sơ thì thường phải cúi sát vào bàn phím và màn hình máy tính để nhìn chữ. Nếu nhìn sát vậy hẳn các em khó chịu dữ lắm nhưng các em không hề than vãn, hồn nhiên đánh từng chữ cái”, chị nhớ lại.

Để gõ đúng tên các thầy cô là sự khó khăn và kiên trì của các em

Trong số những dòng chữ ấy, Ngọc ấn tượng nhất với câu: “Ba thầy cô đó dống (giống) như mẹ như cha của em. Ba thầy cô đó rất hiền và dễ thưng (thương)” của em Việt Anh. Không riêng chị, 2 giáo viên thực tập hôm ấy cũng thấy mắt mình… nhòe dần vì xúc động.

“Thấy đã chọn đúng nghề”

Giải thích về dòng chữ này, em Vũ Việt Anh (học sinh lớp 3A) cho biết, em rất yêu quý 3 thầy cô giáo thực tập. “Một tháng em chỉ được về thăm gia đình một lần thôi nên ở trường, các thầy cô cũng giống như là cha mẹ thứ hai của em. Em thích đi học lắm”, Việt Anh chia sẻ.

Thầy Trần Ngọc Thanh (36 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp) cho biết hoàn cảnh gia đình của Việt Anh rất khó khăn. Nhà em ở Đồng Nai nên ba mẹ gửi em cho các sơ ở mái ấm. Hằng ngày, các sơ sẽ đưa Việt Anh đến trường. Ba bận đi làm, mẹ của Việt Anh vừa sinh em bé nên không thể lên TP.HCM thăm em thường xuyên như trước.

Cách đây 2 năm, chị Ngọc từng thi đậu Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM. Vì vậy, quyết định rẽ hướng sang ngành giáo dục đặc biệt của chị khiến nhiều người ngỡ ngàng. Ngọc tâm sự thêm, ba mất khi mình được 5 tuổi. Mẹ vừa là cha vừa là mẹ, vất vả lo cho chị cùng anh trai. Bà Lê Thị Bé (50 tuổi, mẹ Ngọc) chia sẻ: “Ngọc hiếu thảo và tự lập lắm. Nên lúc nó chọn nghề đó, tôi biết con sẽ vất vả nhưng cũng ủng hộ. Tôi hay động viên Ngọc rằng, mình không giúp được người khác về vật chất thì mình sẽ giúp bằng cách này, bằng cái nghề mà con chọn”.

Nói về quyết định chọn ngành này, Ngọc cho hay: “Mình đồng cảm và dành một tình yêu thương lớn cho những người bạn đặc biệt ấy. Biết con đường này có thể sẽ vất vả nhưng mình tự tin đã chọn đúng nghề”, chị cho biết. Chị kể thêm: “Giáo dục đặc biệt là ngành học còn khá mới ở Việt Nam nên mình gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu để học. Người làm nghề này, quan trọng nhất là sự đồng cảm và kiên nhẫn với các em. Giáo viên phải đặt mình là các em để thực sự hiểu các em cần gì”.

Câu chuyện ở tiết tin học khiến chị Ngọc được tiếp thêm nhiều năng lượng. Trước đây, vì áp lực tài chính, chị luôn cảm thấy tiêu cực trong cuộc sống. Bây giờ, chị nhận ra “nếu bản thân luôn hướng về mặt trời thì sẽ nhận lại cầu vồng và sự hạnh phúc”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.