'Cô giáo tặng chùm nho, em giữ mãi cuống tới tận bây giờ'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
17/11/2023 09:26 GMT+7

Trong những món quà được cô giáo tặng, Hà Thảo nhớ nhất một lần mình và các bạn được cô phó hiệu trưởng tặng trái cây khi đi ngang lớp học. Trong đó có một chùm nho mà Hà Thảo còn giữ lại chiếc cuống, dù nó đã khô cong lại, cho đến tận bây giờ.

'Con sợ cô Mai nhất, nhưng thích tiết văn cô dạy nhất' - Ảnh 1.

Cô Mai nói chuyện cùng các em học sinh, Hà Thảo ngồi ngoài cùng bên phải

THÚY HẰNG

Hà Thảo đang là học sinh lớp 9, trong đội tuyển học sinh giỏi môn vật lý của Trường THCS Võ Thành Trang, Q.Tân Phú, TP.HCM. Cô giáo mà em rất kính trọng và dành thật nhiều yêu thương, người đã tặng em chùm nho mà em còn giữ mãi chiếc cuống làm kỷ niệm là cô Hoàng Thị Thanh Mai, Phó hiệu trưởng nhà trường. 

Nghiêm khắc nhưng không xa cách; Trong khi làm việc thì rất nghiêm nghị, nhưng khi đã tham gia hoạt động ngoại khóa, phong trào cùng học trò thì cô Mai luôn nhiệt tình, hết mình và cực kỳ trẻ trung cùng các học trò. Cô giáo được nhiều học sinh yêu mến cũng vừa được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ với những thành tích xuất sắc đạt được trong năm học 2022-2023. 

Cảm hóa học trò chưa ngoan

Là cô giáo dạy ngữ văn, cô Hoàng Thị Thanh Mai có 10 năm công tác tại Trường THCS Đồng Khởi, Q.Tân Phú rồi được bổ nhiệm Phó hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương. Cô Mai tiếp tục là Phó hiệu trưởng Trường THCS Võ Thành Trang từ năm 2015 đến nay.

Từ một cô giáo có nhiều năm làm công tác chủ nhiệm và sau này chuyển sang làm công tác quản lý, cô Mai luôn mong mình được là người thân, người bạn của nhiều học sinh, đặc biệt là những cô cậu học trò hiếu động, có những lúc phạm lỗi lầm nhưng luôn biết sửa sai.

Cô Mai nhớ lại lần đã giúp cậu học trò được nuông chiều nghiện game, rất hiếu động có sự thay đổi rất lớn. Cậu học sinh lớp 7 tên T. năm ấy có tố chất rất thông minh nhưng được nuông chiều nên lười học, thường xuyên nghịch ngợm, chọc ghẹo các bạn trong lớp khiến thầy cô giáo thường xuyên than phiền. Sau nhiều lần nhắc nhở không tiến bộ, cô Mai đã nghiêm khắc buộc phụ huynh và học sinh phải cam kết phối hợp với nhà trường trong việc theo dõi học tập, kỷ luật của học sinh qua từng tiết học hàng ngày. Nếu không sửa đổi, em sẽ phải chuyển sang môi trường học tập khác.

Biết mình đang đứng trước nguy cơ chia tay trường, lớp, bạn bè, cậu học trò ấy thay đổi hẳn, em học hành tiến bộ, bài vở hàng tuần đều mang cho các cô giáo kiểm tra. Từ học sinh yếu học kỳ 1, cuối năm em đã vươn lên là học sinh có học lực trung bình, tuân thủ kỷ luật hơn hẳn.

'Con sợ cô Mai nhất, nhưng thích tiết văn cô dạy nhất' - Ảnh 2.

Cô giáo được nhiều thế hệ học sinh yêu quý vì thưởng - phạt phân minh

NVCC

Nhiều học trò hiếu động khác cũng được cô Mai rèn giũa. Cô Mai cho hay mỗi học trò là mỗi hoàn cảnh riêng, mỗi câu chuyện riêng. Việc dạy dỗ học trò còn bướng bỉnh là một công tác cực khó, đòi hỏi người giáo viên phải biết kết hợp nhiều yếu tố: tâm lý, công bằng, vị tha, hiểu được hoàn cảnh, tính cách từng học sinh… để lựa chọn cách xử lý phù hợp.

Đến Trường THCS Võ Thành Trang, chúng tôi lắng nghe được những lời kể tràn đầy tình cảm yêu thương của các học trò về cô giáo của mình.

Hà Thảo kể với PV Báo Thanh Niên: "Hồi năm lớp 7, em từng đạt giải "Văn hay chữ tốt" cấp thành phố. Cô Mai và các cô tổ văn đã tổ chức cho em và các chị đội tuyển học sinh giỏi văn đi ăn trưa cùng nhau. Em nhớ mãi có lần vào giờ ra chơi, cô Mai cho em ít trái cây ăn cho mát, rồi cô cho thêm để em chia cho các bạn. Trong đó có chùm nho, em vẫn giữ lại cuống của nó cho đến bây giờ. Bởi đó là món quà giản đơn nhưng với em nó đầy ý nghĩa mà cô giáo đã tặng".

Trong tâm trí của Hà Thảo, khi đứng trên bục giảng hay dưới cờ trong tiết chào cờ đầu tuần, cô Mai rất nghiêm nghị, nhưng bình thường, trong nhiều hoạt động khác, cô luôn quan tâm từng chút tới các học trò. Cô động viên bạn này ăn uống nhiều hơn, đừng quá mải học tập mà bỏ bê ăn uống, cô nhắc bạn kia ráng chú ý ăn uống, nghỉ ngơi cho đầy đủ, đừng để ảnh hưởng sức khỏe.  

Để hiểu và giúp đỡ các em tiến bộ trong học tập và ý thức kỷ luật, cô Mai còn luôn quan sát, trò chuyện, hiểu được tâm lý, tính cách của học trò, đồng thời biết được môi trường giáo dục tại gia đình mỗi em. Học trò có tiến bộ, dù nhỏ thôi, cô giáo cũng kịp thời ghi nhận, dành những lời khích lệ, món quà nhỏ động viên sự cố gắng nỗ lực của các em. 

Trong khi đó, nói về mình cô Mai chỉ khiêm tốn: "Thành quả lớn nhất của người thầy như tôi, đó không chỉ là những bài giảng hay được truyền đạt đến với các em mà thông qua quá trình giảng dạy ấy, chúng tôi đang cùng nhau, có thể cảm hóa được những học trò chưa ngoan bằng chính tấm lòng nghiêm khắc mà thấu hiểu, bao dung".

'Con sợ cô Mai nhất, nhưng thích tiết văn cô dạy nhất' - Ảnh 3.

Cô hiệu phó Trường THCS Võ Thành Trang trò chuyện cùng các học trò

THÚY HẰNG

Nhìn học trò để thôi thúc mình sáng tạo hơn

Cô Mai tâm sự thế hệ học sinh ngày càng thông minh, năng động, sáng tạo, chủ động tiếp thu kiến thức. Nhiều em rất tự tin phản biện. Điều này thôi thúc các giáo viên luôn phải tự học hỏi, nâng cao khả năng chuyên môn. Đó cũng là động lực để cô giáo sinh năm 1977 có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý và có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được UBND Q.Tân Phú công nhận. Tiêu biểu như sáng kiến quản lý hoạt động đổi mới phương pháp dạy học môn ngữ văn bậc THCS.

Không chỉ làm giỏi công tác chuyên môn, từ khi về làm quản lý tại trường Võ Thành Trang, cô Mai còn tham gia nhiều hoạt động của Hội phụ nữ P.Tân Quý. Biết tới chương trình quyên góp áo dài tặng cho chị em phụ nữ khó khăn ở Long An - vùng biên giới sát Campuchia, cô Mai vận động được đông đảo các giáo viên trong trường tham gia. Tổng cộng có gần 100 bộ áo dài còn đẹp được các cô giáo ngôi trường này gửi tới vùng biên giới.

'Con sợ cô Mai nhất, nhưng thích tiết văn cô dạy nhất' - Ảnh 4.

Cô giáo dạy văn mong muốn được là người thân, người bạn của các em học sinh

THÚY HẰNG

Hội phụ nữ P.Tân Quý gửi tặng áo dài tới chị em phụ nữ vùng biên giới sát Campuchia

H.T

Hay để giúp được nhiều hơn các học sinh khó khăn để các em yên tâm đến trường, cô đã kết nối được với các mạnh thường quân, mang học bổng "Lá Non 1&1" tới học sinh. Học bổng giúp học trò thực hiện được cả quyền và bổn phận học tập, đồng thời được rèn luyện nhân cách, nuôi dưỡng những ước mơ, hoài bão.

Chị Trần Thị Huyền Trang, Phó chủ tịch Hội phụ nữ P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM chia sẻ: "Cô Mai là nhà giáo luôn thể hiện cái tâm, cái tình của mình trong mọi công tác. Cô luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, yêu nghề, mến học sinh, hăng say trong công việc. Cô còn là hội viên năng nổ của Hội phụ nữ phường, luôn hưởng ứng, kết nối, lan tỏa các hoạt động, phong trào hội, để các chương trình đến với đông đảo học sinh, các thầy cô giáo, nhân viên trong trường".

Nhiều năm học cô Hoàng Thị Thanh Mai là chiến sĩ thi đua cơ sở, có năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp thành phố.

Năm học 2011-2012 cô Mai nhận được huy hiệu TP.HCM. Từ năm 2012 tới nay, nhiều lần cô nhận được bằng khen của UBND TP.HCM về hoàn thành xuất sắc 2 năm liên tục. Năm học 2022-2023 cô được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những thành tích xuất sắc đạt được.

Một số sáng kiến của cô Mai được UBND Q.Tân Phú công nhận: Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tổ chuyên môn; quản lý hoạt động đổi mới phương pháp dạy học môn ngữ văn ở các trường THCS trong Q.Tân Phú; giải pháp giáo dục lòng yêu nước, đạo đức lối sống, các giá trị văn hóa cho học sinh thông qua đổi mới sinh hoạt dưới cờ đầu tuần.

Hay sáng kiến về các biện pháp tổ chức thực hiện công tác tham vấn học đường cấp THCS của cô Mai cũng đáng chú ý. Nhờ đó, học sinh mạnh dạn, không còn e dè khi chia sẻ tâm tư với thầy cô, cha mẹ, từ đó giúp các em được tháo gỡ những khó khăn, môi trường học đường thân thiện, tích cực hơn...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.