Cô giáo 9X sáng tạo búp bê hồ lô hút khách du lịch

19/02/2023 11:38 GMT+7

Bầu hồ lô ngoài làm thức ăn, dụng cụ đựng nước, nhạc cụ của người dân tộc… còn là nguyên liệu làm nên những con búp bê mang đậm nét văn hóa Việt Nam, nhờ sự khéo léo và sáng tạo của cô giáo Trịnh Thị Phượng ở Gia Lai.

Dự án "Tấm handmade" khơi nguồn đam mê tái chế

Là một giảng viên tâm lý của Trường cao đẳng Gia Lai (TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai), cô Phượng luôn mong muốn có một sân chơi bổ ích và ý nghĩa cho các sinh viên, nên đã thành lập CLB Kỹ năng sống rèn luyện các kỹ năng và hướng đến hoạt động thiện nguyện.

Cô giáo 9X sáng tạo búp bê hồ lô ‘hút khách’ du lịch - Ảnh 1.

Cô giáo 9X Trịnh Thị Phượng, người lên ý tưởng sáng tạo búp bê hồ lô hút khách du lịch

TV

Cũng từ đó, dự án "Tấm handmade" được phát triển, lan tỏa qua cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần thứ V-2021".

Hình ảnh những cô thiếu nữ gùi nước sau lưng, nhấp nhô qua các con đường đất đỏ là tất cả những kỷ niệm tuổi thơ đối với cô Phượng. Nhưng ngày nay, hình ảnh đó gần như không còn nữa, bầu hồ lô khô chỉ để treo trang trí hoặc bỏ đi.

"Mỗi khi nhìn những quả hồ lô khô tôi đều cảm nhận được những tâm hồn, đôi mắt với muôn sắc thái đang nhìn mình. Tôi quyết định thổi hồn cho chúng bằng cách biến thành những con búp bê mang nét đẹp, văn hóa riêng của người Việt Nam. Ngoài ra, tôi còn hướng dẫn sinh viên tái chế vải vụn làm thành những phụ kiện tóc", cô Phượng cho hay.

Cô giáo 9X sáng tạo búp bê hồ lô ‘hút khách’ du lịch - Ảnh 2.

Những quả bầu hồ lô thu hoạch sẽ được phơi khô, sau đó tạo hình dựa trên thế tự nhiên của quả và sáng tạo trang phục phù hợp. Mỗi con búp bê sẽ mang một hình dáng, trang phục và cảm xúc khác nhau

TV

Cũng theo cô Phượng, chỉ mất 2 ngày để hoàn tất một con búp bê nhưng để trồng và thu hoạch hồ lô thì phải hơn 8 tháng. Hồ lô sau khi thu hoạch sẽ được phơi khô rồi mới lên ý tưởng và nặn, tạo hình búp bê theo thế tự nhiên của quả.

Cuối cùng, chờ khô hoàn toàn và vẽ trang trí khuôn mặt, trang phục cho hồ lô. Ngoài ra, để chống mốc và tạo độ bền, cô Phượng còn tự sáng tạo thêm một số loại keo để phủ lớp mỏng bên ngoài sản phẩm. Có những con búp bê giữ được hơn 2 năm, chất lượng vẫn không thay đổi.  

Điều đặc biệt khiến búp bê hồ lô hút khách là mỗi con búp bê sẽ mang một cảm xúc, một vẻ đẹp độc đáo riêng biệt. Chúng đều được tạo hình trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, đây là sản phẩm thủ công, an toàn tuyệt đối, thân thiện với môi trường vì được làm hoàn toàn từ hồ lô, đất sét; là món quà phong thủy gửi tới điều may mắn cho người sở hữu.

Cô giáo 9X sáng tạo búp bê hồ lô ‘hút khách’ du lịch - Ảnh 3.

Sản phẩm búp bê hồ lô hoàn thiện

TV

Lan tỏa sống xanh, lan tỏa yêu thương

Hiện tại, giá thành của sản phẩm búp bê hồ lô dao động từ 120.000 - 180.000 đồng/con, tùy mẫu. Trung bình mỗi tháng, CLB Kỹ năng sống bán ra thị trường khoảng hơn 40 con búp bê.

Sản phẩm búp bê độc, lạ này đang được cộng đồng sống xanh đón nhận rất tích cực. Chị Thúy Vinh, thành viên nhóm "Ý tưởng tái chế", chia sẻ: "Ở Hà Nội, rất khó có thể tìm được những sản phẩm búp bê từ hồ lô có hồn, có cảm xúc và mang những nét đặc trưng của người Việt qua các bộ trang phục. Đây là một cách hay để lưu giữ văn hóa dân tộc, mặt khác còn tuyên truyền lối sống bảo vệ môi trường cho các thế hệ".

Cô giáo 9X sáng tạo búp bê hồ lô ‘hút khách’ du lịch - Ảnh 4.

Hoạt động sáng tạo búp bê hồ lô được các bậc phụ huynh và em nhỏ yêu thích. Các bé háo hức, phấn khởi khi cầm trên tay sản phẩm búp bê do chính mình làm ra.

TV

CLB Kỹ năng sống do cô Phượng làm chủ nhiệm đã tạo ra gần 300.000 sản phẩm thủ công tái chế từ vải vụn, hơn 500 con búp bê hồ lô. Doanh thu bán hàng mỗi tháng đều được cô và CLB Kỹ năng sống trích ra 20% để đóng góp vào Quỹ Chia sẻ yêu thương.

Ngoài ra, cô Phượng còn tổ chức các hoạt động hướng dẫn tái chế sản phẩm từ vải vụn và búp bê hồ lô cho các em nhỏ tại địa phương; giúp các em hiểu biết thêm về các nghệ thuật thủ công truyền thống như: thêu, đan, móc và lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường.

Bạn Nguyễn Kim Thi, Phó chủ nhiệm CLB Kỹ năng sống, tâm sự: "Bản thân tôi có rất nhiều thay đổi tích cực sau khi tham gia các hoạt động tái chế, thiện nguyện lan tỏa yêu thương ở CLB. Tôi nghĩ mình thay đổi được thì chắc chắn các bạn trẻ cũng thế. Nhiều người có ý thức đẹp sẽ tạo thành một nét văn hóa đẹp. Chúng ta hãy cùng nhau, chung tay sống xanh để bảo vệ môi trường".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.