Có gì trong tô cháo lòng 'sang chảnh' mà 30 năm người Sài Gòn vẫn tìm đến?

30/11/2017 12:29 GMT+7

Nhiều người bảo đây là tiệm cháo lòng sang chảnh nhất Sài Gòn, cháo được bán trong tiệm 'hoành tráng', lòng cũng nhiều, ít cháo, ăn để thưởng thức vị ngon hơn là để no.

Quán cháo lòng đã hai thế hệ, ban đầu bày bán ở góc đường nhỏ, sau nâng cấp lên thành tiệm với bàn ghế sạch sẽ, khách ăn có máy lạnh mát mẻ. Lòng luộc thơm, có nhiều rau, bánh quẩy…, mỗi tô cháo giá 40.000 đồng mà vẫn đông khách. 
Người sáng lập nên cửa tiệm là bà Võ Thị Loan nay lớn tuổi nghỉ ngơi, giao lại cửa hàng cho các con dâu tiếp tục duy trì hoạt động. Vì bà Loan vẫn ở phía sau "chỉ đạo" nên theo nhiều khách hàng trung thành, vị cháo vẫn ngon và chất lượng như ngày đầu.
Cháo được nấu theo kiểu người miền Nam, gạo được rang trước khi đem hầm cháo nên không sệt như cháo kiểu Bắc mà từng hạt tơi rời mềm mịn, cháo ăn loang loãng, nhẹ nhàng.
Có hai cách thưởng thức món cháo, khách ăn nhanh thì cho trực tiếp lòng vào tô, một muỗng cháo kèm miếng lòng non; hoặc gọi một tô cháo riêng kèm theo đĩa lòng, gắp một miếng lòng, kèm chút gừng muối chua hoặc hành, chấm tí mắm tôm pha chanh ớt. Lòng giòn và thơm, có chút đậm đà của mắm, ăn một miếng muốn ăn thêm miếng nữa.
Thi thoảng húp một muỗng cháo nóng thêm ấm lòng ấm dạ, đặc biệt những ngày mùa lạnh se se, ăn tô cháo lòng nóng thì còn gì ngon bằng. 
Một phần cháo với đầy đủ rau thơm, giá sống, quẩy ăn kèm nhìn rất hấp dẫn.
Khách có thể gọi thêm đĩa lòng ăn riêng nếu thích.
Ngoại trừ dồi phải làm sẵn qua nhiều công đoạn, các món khác trong tô cháo lòng được luộc liên tục để món ăn luôn mới.

Đa số khách đến tiệm là khách quen, có những người ăn cháo ở đây từ nhỏ đến lớn. Khách biết hết con của chủ tiệm, còn người bán hàng nhớ được khẩu vị của từng khách. Khi bước vào tiệm, chỉ cần ngồi vào bàn và gọi một phần như cũ là người bán hàng biết được khách này không ăn gan, hay múc tô ít cháo, khách kia thêm dồi...
Có những người tới tiệm chỉ gọi tô cháo ăn riêng với dồi. Dồi ở đây được làm rất công phu, chọn phần ruột ngon rửa sạch sẽ, nhân bên trong cũng làm tỉ mỉ không kém. Thịt heo băm cùng với cuốn phổi, rau thơm, đậu xanh … trộn cùng tiết heo, nêm chút nước mắm, gia vị vừa ăn rồi nhồi vào bên trong như lạp xưởng, rồi luộc chín. Để dồi thơm, chủ tiệm làm thêm công đoạn chiên vàng trên chảo trước khi cắt miếng bán cho khách. 
Cháo nấu theo kiểu miền Nam, gạo được rang trước khi đem hầm nên tơi và mềm mịn.
Bao giờ tiệm cũng thêm một chén hành ngâm, gừng ngâm cho khách ăn kèm chống ngán.
Nơi được chú ý nhiều nhất ở tiệm là tủ kính đựng lòng, với từng phần lòng heo được xếp gọn gàng, vô cùng hấp dẫn, cứ khách ăn hết một đợt, lòng mới lại được bổ sung vào tủ, cứ lượt này đến lượt khác. Trừ dồi được làm sẵn vì khá mất thời gian, những món khác như dạ dày, tim, cật, lưỡi… chỉ khi nào hết thì chủ tiệm luộc thêm đồ lòng để món ăn luôn tươi mới.
Có lẽ chính sự tỉ mỉ, nhẹ nhàng, phục vụ từ tốn như ăn ở nhà mà tiệm cháo hơn 30 năm ở số 170 trên đường Võ Thị Sáu vẫn luôn đắt khách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.