Có gì mới trong đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn ngữ văn tại TP.HCM?

Bích Thanh
Bích Thanh
14/03/2023 12:48 GMT+7

Giáo viên và thí sinh đã đưa ra những nhận xét như thế nào về đề thi học sinh giỏi TP.HCM lớp 9 môn ngữ văn về nội dung và những yêu cầu của đề thi?

Đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn ngữ văn, có khó, có dài? - Ảnh 1.

Thí sinh bước vào phòng thi môn ngữ văn kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 TP.HCM sáng nay

BÍCH THANH

Cơ hội giúp học sinh cảm nhận những điều bình thường từ cuộc sống

Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại TP.HCM vừa kết thúc, đề thi môn ngữ văn với chủ đề Những thanh âm "lấp lánh" được nhận định là cơ hội để học thể hiện kiến thức và trải nghiệm cuộc sống làm hành trang cho con đường phía trước.

Đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn ngữ văn có nội dung:

Chủ đề Những thanh âm "lấp lánh"

Em biết chăng, vạn vật trên thế gian này đều có tiếng nói. Chúng ta đang sống trong thế giới của những thanh âm.

Có thanh âm vang vọng từ lịch sử dân tộc:

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về.

(Trích Đất Nước, Nguyễn Đình Thi)

Có thanh âm thánh thót từ thiên nhiên, đất trời:

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt sương long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng

(Trích Mùa xuân nho nhỏ, Nguyễn Thanh Hải)

Có thanh âm thân thương nơi cuộc sống đời thường:

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm

Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về

Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm

Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

(Trích Tiếng Việt, Lưu Quang Vũ)

Câu 1:

Chủ đề Thanh âm "lấp lánh" gợi nhiều suy tư cho tuổi trẻ hôm nay: Thế nào là thanh âm "lấp lánh"? Ánh lấp lánh phát ra từ chính thanh âm hay từ cách ta cảm nhận và suy tư về thanh âm đó? Việc lắng nghe những thanh âm ấy đem lại ý nghĩa gì cho tuổi trẻ? Liệu tuổi trẻ ngày nay có đang bỏ lỡ bao thanh âm "lấp lánh"?…

Bằng trải nghiệm của việc "lắng nghe" những thanh âm, em hãy viết bài văn để trả lời các câu hỏi trên.

Câu 2:

Em hãy thực hiện một trong 2 đề bài sau:

1.Viết bài văn bản về những thanh âm lấp lánh trong các tác phẩm văn chương.

2.Viết bài văn trả lời cho câu hỏi phải chăng mỗi tác phẩm văn chương cũng là một thanh âm "lấp lánh"?.

Kết thúc giờ làm bài, thí sinh Lương Thị Hà Vi, Trường THCS Trần Bội Cơ (Q.5) chia sẻ: Đề hay vì nó khơi gợi lên nhiều ý tưởng cho học sinh đang ở độ tuổi 15, 16, chúng con sẽ có rất nhiều điều để viết. Đề bài cũng chỉ cho chúng con thấy chúng con đang sống quá vội vàng mà không để tâm đến những thanh âm lấp lánh xung quanh. Chính vì thế mà bọn con cần sống chậm lại, để cảm nhận những điều từ cuộc sống hơn nữa".

Có gì mới trong đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn ngữ văn tại TP.HCM? - Ảnh 2.

Đề thi môn ngữ văn kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 TP.HCM năm 2023

CHỤP MÀN HÌNH

Giáo viên: Đề thi đòi hỏi học sinh không chỉ kiến thức từ sách vở

Với chủ đề và những yêu cầu của đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn ngữ văn năm nay, hầu hết các giáo viên khi tiếp cận đề đều nhận định chủ đề hay, ý nghĩa nhưng yêu cầu đặt ra khó, đòi hỏi học sinh không chỉ học, đọc, hiểu mà còn là trải nghiệm từ cuộc sống.

Giáo viên Huỳnh Lê Ý Nhi, Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú), nhận xét đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn ngữ văn với chủ đề Những thanh âm "lấp lánh" đòi hỏi thí sinh không chỉ là lắng nghe, quan sát mà còn là sự cảm nhận tinh tế.

Theo giáo viên Huỳnh Lê Ý Nhi, đề thi có yêu cầu nội dung bao quát kiến thức từ lịch sử, văn chương đến cuộc sống đời thường.

Trước hết học sinh biết "lắng nghe", ở đây là sự thấu hiểu lịch sử từ khổ thơ thứ 1 cho đến cảm nhận bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, tình yêu quê hương đất nước ở khổ thơ thứ 2 và cuộc sống, tình yêu thương gia đình ở khổ thơ thứ 3.

Đặc biệt, với câu hỏi liệu tuổi trẻ ngày nay có đang bỏ lỡ bao thanh âm "lấp lánh"?", cũng là dịp học sinh nhìn lại bản thân để bồi đắp, để lớn lên, biết trân trọng cuộc sống dù "bỏ lỡ" hay không?, theo giáo viên Ý Nhi.

Còn giáo viên Trương Đức, Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), nhận xét: Hình thức ra đề mới lạ, có sự thống nhất cùng một chủ đề. Những yêu cầu của đề thi học sinh giỏi môn ngữ văn hướng đến khả năng cảm thụ văn học của thí sinh. Để làm được bài này, học sinh phải có kiến thức nền khá vững về lý luận văn học và kỹ năng diễn đạt.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài, giáo viên Trường THPT Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân), cho hay: Câu 1 yêu cầu học sinh nghị luận về thanh âm cuộc sống được gợi ra từ thanh âm vang vọng của lịch sử, thanh âm của thiên nhiên đất trời và thanh âm nơi cuộc sống đời thường. Thí sinh cần giải mã được ẩn dụ của thanh âm lấp lánh để rồi lắng nghe, suy tư về thanh âm đó. Đây là một câu hỏi mở, hay, có nhiều "đất" cho thí sinh bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của tuổi trẻ về những thanh âm trong cuộc sống. Tuổi trẻ thường bồng bột, sống hời hợt, kể cả nông nổi, sống ảo, vậy nên việc lắng lòng để nghe những thanh âm cuộc sống giúp các em sống chậm lại, biết lắng nghe để cảm nhận, sẻ chia nhiều hơn.

Câu 2 bàn về thanh âm lấp lánh của tác phẩm văn chương, nghĩa là bàn về giá trị, tư tưởng của tác phẩm. Không phải tác phẩm văn học nào cũng mang thanh âm. Thí sinh cần chứng minh qua một số tác phẩm thơ, văn tiêu biểu, chứa đựng những giá trị nội dung, nghệ thuật độc đáo.

"Nhìn chung, đây là một đề văn hay, vừa phù hợp với kỳ thi chọn học sinh giỏi môn ngữ văn vừa phù hợp với tâm lý lứa tuổi 15", thạc sĩ Hoài nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.