14 tuổi đã có "chồng" có "vợ"
Có một khảo sát nho nhỏ của người viết dành những học sinh (HS) và sinh viên (SV), thăm dò họ đang yêu, hoặc chứng kiến bạn bè yêu nhau, xưng hô với nhau như thế nào? Bên cạnh những cách gọi nhau là "anh, em", "cậu, tớ", "ông, tui"... thì có cả những "thú thật", cho biết đã từng nghe và chứng kiến, hay đang là người trong cuộc, khi xưng hô "vợ, chồng" với người yêu.
"Mình gọi bạn gái là... "vợ", và ngược lại, mình được gọi là... "chồng". Ban đầu cũng ngại ngại, nhưng gọi hoài thành quen. Gọi như vậy cũng được ba năm rồi", Lê Quốc Đạt, SV Trường CĐ Nghề TP.HCM, thừa nhận.
Hỏi Đạt sau bao lâu, kể từ ngày yêu thì gọi nhau bằng danh xưng như thế? Đạt trả lời: "Khoảng hai tháng".
Trần Diễm My (ở Hà Tĩnh) đăng tải lên một nhóm trên Facebook, chia sẻ câu chuyện em trai đang học lớp 8 (14 tuổi) đã có người yêu cùng lớp. Và cả hai đã gọi nhau là "chồng", là "vợ", lưu trên điện thoại cũng với danh xưng này. "Chắc mình lạc hậu cổ hủ rồi hay sao mà nhìn thằng em trai như thế này cảm thấy sốc vô cùng. Suốt ngày cứ gọi điện cho nhau "vợ ơi ăn tối chưa", "lát chồng đón vợ nhé". Nghe mà... rùng mình luôn", My chia sẻ.
Đỗ Đức Mạnh, SV Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết câu chuyện hai người yêu nhau gọi nhau là "chồng, vợ" rất phổ biến hiện nay. Theo Mạnh, trong lớp có nhiều cặp đôi xưng hô ngọt ngào như thế, khiến có người cảm thấy ghen tị, và cũng khiến nhiều người cảm thấy... "nổi da gà".
Gọi "chồng, vợ" có sao không?

Lê Kiều Diễm, SV một trường ĐH ở Q.5, cho biết có thể nhiều người cảm thấy việc xưng hô với nhau là "vợ, chồng" khi yêu nhau là điều hơi... kỳ. Nhưng với Diễm, thì cho rằng "đó là chuyện hết sức bình thường", cách xưng hô ấy rất dễ thương, thể hiện tình cảm thắm thiết, có bước tiến xa hơn và hướng đến tương lai sau này nhiều hơn.
Theo thạc sĩ tâm lý Trương Thị Thúy Hằng, Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Sơn (TP.HCM), những người trẻ đang yêu nhau thể hiện sự thoải mái trong cách xưng hô. Nếu như cách đây vài năm, hầu hết những cặp đôi thường gọi nhau là "anh, em" hoặc xưng tên. Trong những ngày đầu mối quan hệ tiến từ giai đoạn tình bạn đến tình yêu, họ gọi "anh, em" trong sự ngượng ngùng, thì giờ đây, giới trẻ không một chút đắn đo, có thể gọi "chồng, vợ" một cách tự nhiên.
"Có thể, vì những người trẻ đang yêu ấy tin tưởng vào một kết thúc có hậu sau này cho tình yêu của họ, họ muốn thể hiện sự sở hữu, ràng buộc lẫn nhau, nên đã quyết định gọi nhau như thế. Cũng có thể, tâm lý tuổi dậy thì, tuổi ô mai, không ít bạn muốn thể hiện, thích làm người lớn, nên họ đã xưng hô như vậy", bà Hằng nói thêm.

Theo chuyên gia tâm lý này, không ai cấm việc xưng hô như thế nào khi yêu nhau cả. Nhưng xoay quanh xưng hô "vợ, chồng" khi yêu nhau vẫn có những lăn tăn.
Bà Hằng cũng lo ngại việc khi gọi "chồng, vợ" một cách vô tư, sẽ khiến những người đang yêu dễ dàng ngỡ họ đã là vợ chồng thật, để rồi thoải mái sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân, có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường, làm ảnh hưởng sức khỏe, trì hoãn việc học...
Ý kiến:
"Gọi gì cũng được, miễn sao luôn thương yêu nhau thật lòng là được", (Hoàng Tiễn, 28 tuổi, chủ quán cà phê ở Q.1, TP.HCM).
"Mình từng chứng kiến có người xưng hô "chồng, vợ" với nhiều người. Yêu ai cũng gọi là "vợ" xưng "chồng" cả. Nhưng rồi đều chia tay. Vậy thì việc gọi nhau "chồng, vợ" đâu có ý nghĩa?", (Kim Cương, SV Trường ĐH Văn Lang).
"Bày tỏ tình cảm có nhiều cách, thể hiện sự yêu thương với người yêu có nhiều cách, và không nhất thiết phải gọi là "chồng, vợ", (Đức Phú, SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM). |