Cô gái 9x chinh phục giấc mơ làm gia sư quốc tế

11/07/2016 11:02 GMT+7

'Mình thích thú với việc quan sát, tìm hiểu khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ em. Chính từ đó, mình quyết định sẽ đi theo con đường dạy ngôn ngữ. Hành trình đến Mỹ là bước ngoặt trong cuộc đời mình', Mây chia sẻ.

Trong khi phần lớn các bạn trẻ mong muốn lựa chọn hướng đi an toàn, ra trường có công việc đúng ngành nghề thì Nguyễn Hồng Mây (sinh năm 1991, cựu sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội) lại thích trải nghiệm với công việc hoàn toàn mới làm gia sư ở quốc gia giao thoa giữa Á và Âu: Thổ Nhĩ Kỳ.
Bước vào thế giới rộng lớn
Với Hồng Mây, cuộc sống là hành trình mà con người từng bước trải nghiệm. Điều quan trọng không phải là đích đến mà bản thân cảm nhận và học hỏi điều mới mẻ trên từng chặng đường đi qua. Năm 2009, Hồng Mây thi đỗ ĐH Luật Hà Nội với số điểm khá cao. Sau 3 năm học ngành Luật, cô bạn đăng ký tham gia chương trình Aupair tại Mỹ.
Xốc ba lô lên và đi, cô bạn được hỗ trợ ở lại nhà người dân bản địa, làm việc và học tiếng Anh. Tại đây, cô bạn đảm nhận việc dạy kèm cho con chủ nhà. “Hòa nhập môi trường mới, mình học rất nhiều kỹ năng: cách sống, quản lý thời gian, phân công công việc trong một gia đình. Điều đặc biệt, mình học cách nuôi dạy trẻ con. Mình thích thú với việc quan sát, tìm hiểu khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ em. Chính từ đó, mình quyết định sẽ đi theo con đường dạy ngôn ngữ. Hành trình đến Mỹ là bước ngoặt trong cuộc đời mình”, cô bạn chia sẻ
Nguyễn Hồng Mây
Sau 1 năm ở Mỹ, cô bạn trở về Việt Nam hoàn thành chương trình đại học. Chia sẻ mong muốn trở thành giáo viên khi tốt nghiệp ngành Luật, gia đình khá bất ngờ với quyết định này của Mây. “Bố mẹ không muốn mình vất vả khi chọn công việc không đúng ngành nghề. Bản thân mình muốn bước ra khỏi vùng an toàn và trải nghiệm với công việc mà mình yêu thích. Mình chia sẻ suy nghĩ và ước mơ bản thân với bố mẹ. Từ đó, họ hiểu và chấp nhận hướng đi riêng của mình”, Hồng Mây nói.
Cô giáo Việt dạy tiếng Anh trên đất Thổ
Có vốn tiếng Anh được nâng cao qua thời gian sinh sống tại Mỹ, Hồng Mây nộp đơn đăng ký dạy ngoại ngữ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vượt qua vòng phỏng vấn, cô bạn nhận thư mời sang đất Thổ dạy ngoại ngữ cho trẻ em. Điểm đến của cô bạn là Trường quốc tế Gundogdu, Adana, Thổ Nhĩ Kỳ.
Công việc chính của cô bạn là dạy học sinh lớp 1 và 2, tham gia chương trình tập huấn giáo dục và hoạt động chung của nhà trường. Bên cạnh đó, Hồng Mây thường xuyên tham dự ngày hội văn hóa để giới thiệu về đất nước Việt Nam.
Những ngày đầu, cô bạn khá lạ lẫm từ đồ ăn, thức huống, cách chào hỏi… Khó khăn nhất là việc tiếp nhận ngôn ngữ mới. Mây phải vận dụng "ngôn ngữ tay", các đồ vật xung quanh để giao tiếp, học hỏi từ các đồng nghiệp.
Mây cho biết, ngày đầu nhận lớp, cô bạn mới bước vào lớp thì các em học sinh cố gắng dùng tiếng Anh hỏi tên, hỏi tuổi, đến từ đâu, sở thích… “Các bé thấy mình lạ nên ngắm rất kỹ từ đầu đến chân, chạm vào tóc, sờ vào má để xem có gì khác biệt không. Khi mình giới thiệu là cô giáo dạy tiếng Anh mới, các bé ôn hôn thắm thiết và trò chuyện với mình. Mình cảm thấy rất vui vì giữa giáo viên và học sinh không có khoảng cách”, Mây kể.
Ấn tượng với cô bạn là học sinh từ tiểu học đến trung học đều ở lại trường ăn trưa, nhưng không nghỉ ngơi. Các bạn lớp 1 không ngủ trưa, cứ chạy nhảy và hoạt động liên tục. Do rào cản ngôn ngữ, nhiều lúc Mây phải giải quyết những tình huống dở khóc dở cười. Mây chia sẻ, các bạn lớp 1 thường thay răng. Không may, các bé đến lớp và mất một chiếc răng. Trình bày với cô giáo bằng tiếng bản địa, Mây không hiểu ngôn ngữ nên các bé bật khóc.
Hồng Mây (bìa phải) cùng những đồng nghiệp trên đất Thổ
Đối với Hồng Mây, họp phụ huynh là trải nghiệm mới mẻ. Từng phụ huynh sẽ trò chuyện với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn. “Mình đảm nhận lớp 200 học sinh. Việc tiếp xúc nhiều phụ huynh khá mệt nhưng rất hiệu quả. Trước khi gặp, mình phải chuẩn bị kỹ phần nhận xét từng học sinh để trao đổi với gia đình. Và cuộc gặp thế này buộc giáo viên phải có sự quan tâm, theo dõi tình hình học tập của từng em. Các bé cũng có thể có mặt trong cuộc nói chuyện giữa cô giáo và cha mẹ. May mắn, mình được chuẩn bị phòng riêng và phiên dịch riêng nữa”, cô bạn tâm sự.
Công việc gõ đầu chữ khiến Mây làm quen với nhiều áp lực như: sức khỏe, khàn tiếng, mất giọng hay nhận phản hồi chưa tốt về kỷ luật học sinh cá biệt trong lớp… Cô bạn tâm sự: “Mình từng cảm thấy suy sụp, khóc rất nhiều. May mắn, bạn bè, đồng nghiệp động viên mình. Điều đặc biệt, Mây rất cảm động trước những tấm thiệp, món quà nho nhỏ mà các em học sinh dành tặng. Cuối năm, mình phải rời đất Thổ về nước. Ngày chia tay, mình và các bé òa khóc. Các bé níu mình và chia sẻ cảm xúc không biết bao giờ gặp lại. Những kỷ niệm ấy sẽ luôn đọng lại trong ký ức đẹp của mình”.
Sau một năm làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hồng Mây tiếp tục đăng ký chương trình Công dân toàn cầu tại Ba Lan. Cô bạn được nhận vào chương trình “Exchange to Change” về lĩnh vực giảng dạy và trao đổi văn hóa tại Ba Lan.
Tính đến nay, Hồng Mây đã trải nghiệm nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ, cô bạn đang lên kế hoạch tiến về Trung Á. Đến nước nào, cô cũng dạy học cho trẻ em.
Khi hỏi về cảm xúc người trẻ chinh phục bản thân, cô bạn hào hứng nói: “Mình sẽ trở thành cô giáo dạy trẻ con, không quan trọng được làm việc ở đâu. Thời tuổi trẻ, Mây mong muốn có cơ hội được bước đi để khám phá thế giới. Và một điều nho nhỏ là mình được trải nghiệm cảm giác mặc áo dài Việt Nam đứng ở vùng trời mơ ước của mình. Dù là Paris, New York, Washing D.C, Berlin hay Vienna… bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp trên những chặng hành trình đó”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.