Cổ đông Tập đoàn cao su Việt Nam cầu cứu Thủ tướng vì không được chia cổ tức

Mai Phương
Mai Phương
19/07/2020 17:10 GMT+7

Một nhóm cổ đông của Công ty cổ phần VRG – Bảo Lộc vừa có đơn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành về việc không được chia cổ tức nhiều năm qua.

4 năm không chia cổ tức vì chờ thoái vốn?

Theo đơn kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành vào đầu tháng 7, nhóm cổ đông nhỏ hiện chiếm 19,07% vốn góp, tương ứng hơn 49,6 tỉ đồng tại Công ty cổ phần VRG-Bảo Lộc thuộc Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết đã 4 năm qua công ty không chia cổ tức. Những cổ đông này đã tham gia góp vốn từ năm 2007, những ngày đầu mới xây dựng nhà máy thủy điện Bảo Lộc và đến năm 2012 mới được chia 3,67% cổ tức. Nhưng từ năm 2016 đến nay không được chia đồng nào dù công ty vẫn có lợi nhuận, hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác. 
Thậm chí Kiểm toán nhà nước sau khi làm việc với công ty, cũng yêu cầu Tập đoàn VRG và Công ty cổ phần VRG – Bảo Lộc chia cổ tức cho cổ đông nhưng công ty vẫn không thực hiện. Đại hội cổ đông của công ty trong 4 năm qua chỉ thông qua tỷ lệ cổ tức mỗi năm là 20%, còn thời gian thanh toán ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định. Đại hội cổ đông năm 2020 vừa diễn ra vào cuối tháng 6 cũng đưa ra 2 phương án chia cổ tức. Một là chia trả cổ tức cho 4 năm liên tục từ 2016 – 2019 với số tiền hơn 208,17 tỉ đồng, tương ứng với tỷ lệ cổ tức 80%/vốn điều lệ và được 19,07% vốn điều lệ biểu quyết. Hai là lợi nhuận còn lại chưa phân phối sẽ do Đại hội đồng cổ đông xem xét quyết định chi trả cổ tức trong kỳ họp kế tiếp đã được người đại diện 71,03% vốn của Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam và người đại diện 9,9% vốn của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê biểu quyết thông qua. “Với cách làm này, Tập đoàn VRG và Công ty cổ phần VRG – Bảo Lộc đã dây dưa 4 năm không chia cổ tức cho chúng tôi mặc dù chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với HĐQT”, đơn kiến nghị của nhóm cổ đông nhỏ nhấn mạnh.
Trong khi đó, Tập đoàn VRG đã thỏa thuận bán Công ty cổ phần VRG-Bảo Lộc cho chủ đầu tư mới, bao gồm cả lợi nhuận còn để lại của các năm trước đến năm 2019. Theo giải thích của Phó tổng giám đốc Tập đoàn VRG tại kỳ đại hội cổ đông ngày 30.6 vừa qua, lý do chưa chia cổ tức là vì tập đoàn đang thực hiện thoái vốn và khi xây dựng văn bản chào bán công ty, có điều khoản quy định VRG không làm ảnh hưởng đến lợi ích nhà đầu tư. 

Cổ đông nhỏ bị xử ép

Tuy nhiên, nhóm cổ đông nhỏ cho rằng, Tập đoàn VRG và Công ty cổ phần VRG – Bảo Lộc đã cố tình vi phạm pháp luật về việc chia cổ tức cho cổ đông. Đồng thời khi thực hiện chủ trương thoái vốn nhà nước, Tập đoàn xác định giá trị tài sản của Công ty cổ phần VRG – Bảo Lộc không đúng thực tế. Dẫn đến nguy cơ các cổ đông không cùng lợi ích với tập đoàn sẽ không nhận được cổ tức những năm trước, kể từ thời điểm chuyển nhượng Công ty cổ phần VRG – Bảo Lộc cho nhà đầu tư mới.

Tập đoàn VRG có xử ép cổ đông nhỏ khi không chịu chia cổ tức trong các năm vừa qua?

Ngọc Dương

Nhóm cổ đông nhỏ cũng phản ánh, trước đây Tập đoàn VRG đã làm thủ tục bán Công ty cổ phần VRG – Bảo Lộc cho Công ty cổ phần Thủy điện Đắk Rtih nhưng việc thực hiện, quy trình thủ tục không đúng quy định nên đã bị dừng lại. Việc bán công ty cho chủ đầu tư mới mà không thông báo cho cổ đông ngoài tập đoàn là vi phạm quyền và lợi ích của cổ đông. Đặc biệt, ý kiến giải thích về lý do không chia cổ tức từ VRG là không thỏa đáng. Một là việc thoái vốn của tập đoàn không liên quan tới việc chia cổ tức cho cổ đông; hai là công ty có lợi nhuận thì phải chia cổ tức cho cổ đông và đó là lợi nhuận của những năm chưa chuyển nhượng nên không ảnh hưởng đến lợi ích của chủ đầu tư mới.
“Lãnh đạo Tập đoàn Cao su Việt Nam và Công ty cổ phần VRG – Bảo Lộc xử sự không công bằng, không khách quan, thiếu minh bạch trong việc thoái vốn và thiếu trách nhiệm với người lao động, xử ép cổ đông nhỏ, những người đã từng là lao động, cán bộ công nhân viên nhà nước đã nghỉ hưu. Việc tập đoàn từ chối chia cổ tức, chờ thoái vốn xong là đẩy trách nhiệm sang nhà đầu tư mới. Lúc đó chủ đầu tư mới có quyền từ chối vì không thuộc trách nhiệm của họ. Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quanc hức năng kiểm tra và yêu cầu Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam thực hiện đúng quy định. Trước khi thoái vốn tại Công ty cổ phần VRG – Bảo Lộc, tập đoàn phải chia cổ tức cho các cổ đông ngoài tập đoàn trong số tiền lợi nhuận còn đến hết năm 2019. Đồng thời giải quyết những lợi ích khác có liên quan đến những cổ đông ngoài tập đoàn”, đơn kiến nghị nêu.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhận định khi doanh nghiệp kinh doanh có lãi, có thặng dư thì nên chia cổ tức cho cổ đông vì đây vốn là quyền lợi mà họ được hưởng khi bỏ vốn vào công ty. Đó là chưa kể lý do không chia cổ tức để thoái vốn là chưa hợp lý. "Làm ăn có lãi mà không chia cho cổ đông thì làm sao kêu gọi được nhà đầu tư mới tham gia rót vốn vào doanh nghiệp? Nếu doanh nghiệp nào trên sàn chứng khoán cũng làm vậy thì rõ ràng các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ sẽ e ngại vì quyền lợi của họ không được đảm bảo. Từ đó khiến uy tín của doanh nghiệp cũng bị giảm mạnh", ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.