Cô đơn ở giới trẻ trở thành 'dịch bệnh' toàn cầu

Tạ Ban
Tạ Ban
01/11/2019 08:31 GMT+7

Nghiên cứu cho thấy những người trưởng thành trẻ tuổi cô đơn hơn nhiều so với lứa tuổi thanh thiếu niên. Có lẽ nào cái giá của sự trưởng thành là cô đơn?

Theo kết quả khảo sát mới của Đại học Swinburne và VicHealth (Úc), rất nhiều thanh niên từ 18 đến 25 tuổi đang cô đơn ở mức độ có vấn đề.
Cụ thể, 1/4 người trẻ từ 12 - 25 tuổi thấy cô đơn 3 ngày trở lên/tuần, 35% (hơn 1/3) thanh niên từ 18 - 25 tuổi cảm thấy cô đơn 3 lần trở lên/tuần. Nhóm khảo sát cũng phát hiện ra rằng mức độ cô đơn cao làm tăng 12% nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và 10% lo âu xã hội ở người trưởng thành trẻ tuổi.
Nhưng số liệu thu được ở thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi thì kết quả tốt hơn, với 1/7 (13%) cảm thấy cô đơn 3 lần hoặc nhiều hơn/tuần. Những người tham gia trong nhóm tuổi này cũng ít có khả năng mắc triệu chứng trầm cảm và lo âu xã hội hơn so với những người từ 18 đến 25 tuổi, theo WEF.

Khi người lớn cô đơn

Bất cứ ai cũng có thể trải nghiệm sự cô đơn vào bất cứ thời điểm nào đó trong cuộc đời, nó thường được kích hoạt bởi các sự kiện quan trọng - cả tích cực (như làm cha mẹ mới hoặc công việc mới) và tiêu cực (mất người thân, chia ly hoặc vấn đề sức khỏe).
Tuối thanh niên đang đối mặt với những thách thức mới như sống xa nhà và bắt đầu học đại học, trường nghề hoặc làm việc. Điều này được khẳng định thông qua dữ liệu của người tham gia nghiên cứu: gần một nửa (48%) thanh niên sống xa gia đình và người chăm sóc; gần 77% đang tham gia vào một số loại công việc, theo WEF.
Trong khi thanh thiếu niên ở trường trung học ít gặp tình trạng cô đơn vì xung quanh họ là bạn bè cùng tuổi, biết nhau nhiều năm thì thanh niên trẻ phải rời khỏi sự an toàn của những môi trường quen thuộc này. Họ phải nỗ lực để tạo ra các mối quan hệ mới. Họ cũng có thể cảm thấy mất kết nối với những người bạn hiện có. Trong bước chuyển sang độc lập, thanh niên có các mạng xã hội phát triển hơn, bao gồm tương tác với đồng nghiệp và bạn bè ở các độ tuổi khác nhau. Học cách điều hướng các mối quan hệ khác nhau này đòi hỏi họ phải điều chỉnh, thử nghiệm và cả mắc sai sót.

Giải oan cho mạng xã hội

Mạng xã hội có mặt tích cực và tiêu cực. Người ta hay cho rằng sự phụ thuộc vào mạng xã hội để giao tiếp gây ra sự cô đơn. Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào kiểm tra mối quan hệ nguyên nhân - kết quả giữa sự cô đơn và sử dụng mạng xã hội. Có một số bằng chứng cho thấy những người cô đơn có nhiều khả năng sử dụng internet để tương tác xã hội và dành ít thời gian hơn trong các tương tác thực tế. Nhưng nó không kết luận được rõ ràng liệu sử dụng mạng xã hội có gây ra sự cô đơn hơn hay không, theo WEF.
Hơn nữa, mặc dù mạng xã hội có thể được sử dụng để thay thế các mối quan hệ ngoại tuyến bằng các mối quan hệ trực tuyến, nó cũng có thể được sử dụng để tăng cường các mối quan hệ hiện có và cung cấp nhiều cơ hội xã hội mới.
Ngoài ra, một nghiên cứu gần đây cho thấy mối quan hệ giữa sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và đau khổ tâm lý là khá yếu.
Cô đơn là một nguyên nhân hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần
Cô đơn có hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta. Trong khoảng thời gian 6 tháng, những người cô đơn có nhiều khả năng trải qua tỷ lệ trầm cảm, lo âu xã hội và hoang tưởng cao hơn. Lo âu xã hội cũng có thể dẫn đến sự cô đơn nhiều hơn sau đó, theo WEF.
Giải pháp không đơn giản như kiểu thúc đẩy người trẻ tham gia đội nhóm hoặc cố gắng kết bạn nhiều hơn. Người cô đơn cũng có nhiều khả năng bị căng thẳng khi tương tác xã hội, ít hợp tác, thể hiện nhiều cảm xúc và ngôn ngữ cơ thể tiêu cực do nỗ lực (thường là vô thức) bảo vệ bản thân khỏi sự từ chối.
Chúng ta chưa biết tác động của sự cô đơn suốt đời đối với những người trẻ tuổi ngày nay, vì vậy điều quan trọng là phải hành động ngay bây giờ, bằng cách tăng cường nhận thức và cung cấp cho những người trẻ tuổi các công cụ để phát triển và duy trì các mối quan hệ xã hội có ý nghĩa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.