Có đáng lo khi sầu riêng xuất khẩu bị cạnh tranh khốc liệt ở Trung Quốc?

11/03/2023 15:24 GMT+7

Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu có sự cạnh tranh khốc liệt giữa sầu riêng Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và tới đây là Philippines, khi nước này đã được cấp phép xuất khẩu sầu riêng vào thị trường tỉ dân từ 4.1.

Nhiều đơn hàng "khủng"

Theo thông tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu, sầu riêng đang là trái cây có nhiều đơn hàng với số lượng lớn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Có đáng lo khi sầu riêng xuất khẩu bị cạnh tranh khốc liệt ở Trung Quốc ? - Ảnh 1.

Sầu riêng Việt Nam cần được xây dựng thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh khi xuất khẩu

ĐINH TÙNG

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T, cho biết trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc diễn ra thuận lợi nhưng sản lượng không nhiều khi vào thời điểm "đứt vụ". Đối với thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp này đã có hợp đồng xuất khẩu 1.500 container (mỗi container 15 tấn) sầu riêng trong năm 2023.

Ghi nhận từ các diễn đàn kết nối, thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm sản sang thị trường Trung Quốc do Bộ NN-PTNT tổ chức gần đây, sầu riêng nằm trong số những sản phẩm được nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, nhu cầu nhập khẩu lớn.

Ông Tô Vạn Quang, đại diện Công ty TNHH đầu tư Đông Đằng (doanh nghiệp Trung Quốc đang có văn phòng tại Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai), cho biết doanh nghiệp đã lên kế hoạch nhập khẩu 35.000 tấn sầu riêng đưa về Trung Quốc tiêu thụ trong năm nay. Trong đó, sản lượng sẽ mua tại Việt Nam khoảng 15.000 tấn.

Còn bà Phan Thị Trà My, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, chủ một doanh nghiệp đang kinh doanh tại tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), cho biết sầu riêng đang là trái cây có rất nhiều đơn hàng nhập khẩu với số lượng lớn. "Chúng tôi đã có 3 đơn hàng với tổng sản lượng 150.000 tấn; đơn nhỏ nhất khoảng 10.000 tấn và đơn lớn nhất là 60.000 tấn mỗi năm", bà My nói.

Xem nhanh 20h ngày 11.3: ‘Dư chấn’ từ livestream bà Phương Hằng | Đăng kiểm xe khó như thời tem phiếu

Muốn thắng ở Trung Quốc, sầu riêng Việt phải có thương hiệu

Công bố mới đây từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, năm 2022, nước này chi ra 4,03 tỉ USD để nhập khẩu sầu riêng. Trong đó, Thái Lan là nước xuất khẩu nhiều nhất với 3,85 tỉ USD. Việt Nam bắt đầu được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc từ tháng 7.2022 (với 51 mã số vùng trồng và 26 cơ sở đóng gói được công nhận), đến cuối năm đã đạt giá trị xuất khẩu 190 triệu USD.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc dự báo, sản lượng nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới, khi Việt Nam đã có 246 mã số vùng trồng và 97 cơ sở đóng gói sầu riêng được công nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc.

Ông Nguyễn Đình Tùng nhìn nhận, Trung Quốc đang là thị trường cạnh tranh khốc liệt giữa sầu riêng Thái Lan, Việt Nam và Malaysia.

Trong đó, thương hiệu sầu riêng Musaking của Malaysia đã có vị thế trên thị trường, quen thuộc với người tiêu dùng. Thái Lan thì nổi tiếng với thương hiệu sầu riêng Monthong. Còn Việt Nam đang xuất khẩu sang Trung Quốc sầu riêng Ri6 và Monthong (giống của Thái Lan). "Trung Quốc sẽ là thị trường cạnh tranh khốc liệt giữa sầu riêng Việt Nam và Thái Lan với giống Ri6 và Monthong", ông Tùng nhận định.

Có đáng lo khi sầu riêng xuất khẩu bị cạnh tranh khốc liệt ở Trung Quốc ? - Ảnh 2.

Sơ chế, đóng gói sầu riêng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc

ĐINH TÙNG

Ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, Việt Nam có lợi thế vị trí địa lý gần, vận chuyển nhanh, chi phí thấp. Nhưng để cạnh tranh được với hàng Thái Lan và Malaysia, sầu riêng Việt Nam phải tiếp tục cải thiện trong quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng, mẫu mã, giữ được sản lượng ổn định nhằm xuất khẩu quanh năm.

Theo bà Phan Thị Trà My, sầu riêng Việt Nam là trái cây giá trị kinh tế cao và chất lượng ngon không thua kém, nhưng chưa có thương hiệu nên giá bán không bằng các nước khác đang xuất khẩu vào Trung Quốc.

Bà My dẫn chứng, ngay tại tỉnh Sơn Đông - một thị trường 107 triệu dân, đông hơn dân số Việt Nam nhưng người tiêu dùng ở đây chỉ biết đến sầu riêng Thái Lan. "Để gia tăng giá trị và sức cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam phải được xây dựng thương hiệu như hàng của Thái Lan, Malaysia", bà My nói.

Chia sẻ tại Diễn đàn 970 do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 8.3 vừa qua, đại diện Công ty thương mại Sunwah (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) đã thẳng thắn chỉ rõ điểm yếu của sầu riêng Việt Nam ở thị trường Trung Quốc.

Cụ thể, Thái Lan và Malaysia đang có nền tảng trình độ sản xuất, đóng gói, quy trình xuất khẩu quy mô lớn hơn so với Việt Nam. Thương hiệu sầu riêng của Thái Lan và Malaysia cũng mạnh hơn; đây là yếu tố cản trở sầu riêng Việt Nam ở thị trường Trung Quốc.

Vị đại diện này đưa ra lời khuyên: "Sầu riêng Việt Nam muốn thắng trên thị trường Trung Quốc thì phải có thương hiệu; bắt đầu từ thương hiệu cho sầu riêng sẽ kéo theo nhiều loại hoa quả đang xuất khẩu vào Trung Quốc đi theo con đường xây dựng thương hiệu".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.