TP.HCM phát triển để đóng góp nhiều hơn cho cả nước:

Cơ chế vượt trội sẽ giúp bứt phá mạnh mẽ

20/05/2023 06:08 GMT+7

Nhiều chuyên gia đồng tình rằng một cơ chế đủ mạnh để giải phóng nguồn lực cho TP.HCM được thông qua sớm ngày nào thì sẽ là lợi thế phát triển cho TP và cả nước ngày đó.

Và với truyền thống năng động, sáng tạo vốn có, TP.HCM sẵn sàng đón nhận những cơ chế tạo động lực mới để phát triển không chỉ cho riêng mình mà còn đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

Trong hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm về cơ chế đặc thù cho TP.HCM được tổ chức thời gian qua, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đều thống nhất rằng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho TP.HCM - đô thị khoảng 13 triệu dân là điều cần thiết và càng cụ thể càng dễ thực hiện.

Cơ chế vượt trội sẽ giúp bứt phá mạnh mẽ  - Ảnh 1.

Dự án mở rộng QL13 (TP.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn chưa thể khởi công sau 22 năm lên kế hoạch đầu tư, gây tắc nghẽn giao thông khu vực kết nối về hướng Bình Dương

NGUYÊN VŨ

TIÊN PHONG VÌ CẢ NƯỚC

Theo GS-TS Nguyễn Trọng Hoài (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), để xứng với vị trí đầu tàu kinh tế "vì cả nước", từ thập niên 1990 đến nay, TP.HCM đã hình thành những mô hình tiên phong như khu chế xuất, khu công nghệ cao, trung tâm giao dịch chứng khoán…, tạo tác động lan tỏa vùng và khu vực, tạo động lực mạnh mẽ đóng góp vào phát triển chung của cả nước.

Những mô hình tiên phong nói trên chỉ là đại diện cho nhiều đột phá khác xuất phát từ tư duy vượt ra khỏi những khuôn khổ thể chế chưa hoàn thiện để đáp ứng đòi hỏi sinh động và biến chuyển nhanh từ bối cảnh TP.HCM. Và TP đã tạo ra những kết quả kinh tế - xã hội rất có ý nghĩa được nhiều tỉnh, thành khác đến quan sát để cùng đổi mới.

Trong gần 40 năm sau đổi mới và gần 50 năm thống nhất đất nước, giai đoạn nào T.Ư cũng ban hành nghị quyết về phát triển TP.HCM xứng tầm. Với vai trò đầu tàu kinh tế, một thời gian dài, TP đóng góp từ 20% vào GDP và ngân sách nhà nước, đồng thời là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, dân số hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM đã tăng gấp 4 lần và TP đã trở thành một siêu đô thị có dáng dấp phát triển hiện đại theo tư duy hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, TP.HCM cũng đang đối diện thách thức của một siêu đô thị bị tắc nghẽn vì cơ sở hạ tầng giao thông và xã hội quá tải, cản trở nguồn lực phát triển. Những thách thức này biểu hiện khá rõ là tốc độ tăng trưởng đang chậm lại và thấp hơn các thập niên trước, và gần đây nhất là quý 1/2023 có thể là thấp nhất trong lịch sử.

"Phát huy truyền thống trong bối cảnh mới với tâm thế phải tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, ngoài việc TP.HCM tiếp tục vì cả nước thì cả nước vì TP.HCM thông qua việc thiết kế thể chế vượt trội, huy động đủ nguồn lực và triển khai các nguồn lực đó vào TP.HCM vượt qua các thách thức hiện nay. Trong trung hạn, triết lý bao trùm của Nghị quyết 31 được Bộ Chính trị ban hành đã thể hiện sự khát vọng của cả nước về sự phát triển TP.HCM xứng tầm khu vực và quốc tế", GS-TS Nguyễn Trọng Hoài chia sẻ.

KHÔNG XIN TIỀN, CHỈ XIN CƠ CHẾ

Cuối năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 31 đặt ra nhiều mục tiêu lớn đối với TP.HCM như phải có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2030, và đến năm 2045 phải phát triển ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới, trở thành điểm đến hấp dẫn toàn cầu. PGS-TS Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) nhận định đó là cơ sở chính trị quan trọng để Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa thành các chính sách, cơ chế vượt trội nhằm thực hiện có kết quả mục tiêu trên.

Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 năm 2017 của Quốc hội (về thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM), TP.HCM không đặt vấn đề xin thêm tiền từ T.Ư mà chỉ xin cơ chế mới để huy động, phát huy nguồn lực. Hướng tiếp cận này được nhiều chuyên gia ủng hộ bởi cơ chế phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cấp bách.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ Nghị quyết 54 hiện hành tập trung nhiều vào khai thác nguồn thu vì thời điểm đó có điều kiện và nhu cầu. Tuy nhiên khi xây dựng nghị quyết mới, TP.HCM không đặt nặng khai thác nguồn thu mà xin thí điểm cơ chế vượt trội, đột phá để huy động nguồn lực nhằm phát huy hết tiềm năng. Cụ thể, TP.HCM xin thí điểm những việc mà luật chưa quy định, hoặc có quy định nhưng chồng chéo, không giải quyết rốt ráo được yêu cầu từ thực tiễn.

Sự phát triển của TP.HCM gắn liền với vai trò "nhạc trưởng" của vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Nghị quyết 24 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã giao sứ mệnh cho TP.HCM là nguồn động lực tăng trưởng của nền kinh tế và là đầu tàu, trung tâm về nhiều mặt, có năng lực hội nhập quốc tế trong so sánh các thành phố trong khu vực. "TP.HCM phát triển thì sẽ đóng góp vào sự phát triển chung của vùng và của cả nước", ông Phan Văn Mãi chia sẻ thêm.

NGĂN "ĐẦU TÀU GIẢM TỐC"

Nhiều năm làm công tác nghiên cứu gắn với TP.HCM, PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng thông qua thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị từ năm 1982 đến nay, TP.HCM đã thể hiện vai trò đầu tàu của mình, là địa phương có đóng góp vào GDP cả nước lớn nhất và đóng góp 26 - 27% trong tổng thu ngân sách.

Dù vậy, đà tăng trưởng của TP.HCM trong thập niên qua đã chậm lại, nhiều động lực giảm sút, tốc độ tăng trưởng giảm mạnh. Nếu như giai đoạn 1996 - 2010, kinh tế TP.HCM tăng trưởng bình quân 10,2%, cao hơn 1,6 lần mức bình quân cả nước thì đến giai đoạn 2011 - 2015 giảm còn 7,2%, giai đoạn gần nhất 2016 - 2020 chỉ còn 6,4%.

CÔNG BẰNG, MINH BẠCH VÀ BỀN VỮNG KHI ÁP DỤNG THÍ ĐIỂM

Ở góc độ nghiên cứu quản lý nhà nước, PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội Vùng Nam bộ (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN), đồng tình việc mạnh dạn cho TP.HCM thí điểm các cơ chế vượt trội, giao quyền chủ động lớn hơn để tạo động lực và khuyến khích sự năng động, sáng tạo, kiến tạo phát triển mạnh mẽ.

"Để có nguồn thu và chủ động cân đối đầu tư phát triển đòi hỏi cần có một phương thức công bằng, minh bạch và bền vững khi áp dụng thí điểm. Tức TP.HCM sẽ thí điểm tiên phong trước, nếu tốt sẽ là tiền đề khuyến khích các tỉnh, thành cùng thực hiện để chính sách công bằng tới mọi địa phương, chứ không phải là một sự đặc thù theo kiểu ưu đãi", ông Hưng nói.

PGS-TS Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội của TP.HCM nhiều năm qua vẫn còn ngổn ngang từ kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường cho đến thiếu trường lớp, bệnh viện quá tải và các công trình thiết chế văn hóa, thể thao… chưa đáp ứng nhu cầu thụ hưởng chính đáng của người dân. Các chương trình, kế hoạch, dự án để khắc phục những bất cập này đều có nhưng lại thiếu nguồn lực từ ngân sách.

Nghị quyết 54 năm 2017 của Quốc hội đã kịp thời tạo không gian phát triển mới và thúc đẩy tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho TP. Dù vậy, báo cáo tổng kết Nghị quyết 54 cũng chỉ ra hạn chế khi nhiều cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện còn chậm và hiệu quả chưa cao, trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tình hình thế giới biến động kéo dài.

Đơn cử như TP.HCM kỳ vọng các cơ chế tài chính giúp huy động thêm 40.000 - 50.000 tỉ đồng/năm để đầu tư phát triển hạ tầng, nhưng thực tế cả giai đoạn 2018 - 2022 huy động chưa tới 18.000 tỉ đồng từ các nguồn thưởng vượt thu ngân sách, cổ phần hóa và thoái vốn, phát hành trái phiếu, vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Các nguồn tiềm năng, có số thu lớn chưa được triển khai như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thu khai thác tài sản, đất đai...

Nhiều chuyên gia nhận định 5 năm là chưa đủ để đánh giá toàn diện hiệu quả các cơ chế, chính sách mang lại, nhất là khi TP.HCM mất đến 2 năm (2020, 2021) ứng phó đại dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng. Do đó, việc tiếp tục các chính sách đột phá là cần thiết để tiếp tục hoàn thiện chính sách và có đủ độ trễ để nhìn nhận khách quan hơn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.