Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Cho thêm chứ đừng lấy bớt

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, TP.HCM là đầu tàu của cả nước, do đó khi quy định cơ chế, chính sách đặc thù không nên nhìn nhận chỉ có lợi riêng cho địa phương này mà là cho cả nước.

4 nhóm cơ chế sẽ được thí điểm phân cấp mạnh cho TP
Trước đó, Chính phủ đã trình QH dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Theo đó, 4 nhóm cơ chế sẽ được thí điểm phân cấp mạnh cho TP gồm quản lý đầu tư; quy hoạch đô thị và đất đai; tài chính - ngân sách nhà nước và cơ chế ủy quyền; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP.HCM quản lý.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH ngay sau đó cũng cho biết cơ bản tán thành với tờ trình của Chính phủ. Theo ủy ban này, việc quyết định cơ chế chính sách đặc thù sẽ giúp TP.HCM giải quyết nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông, môi trường, xứng đáng là đầu tàu kinh tế cả nước. Đây là trách nhiệm chung của cả nước đối với sự phát triển của TP và cũng là trách nhiệm của TP với cả nước.
Ngày 14.11, Quốc hội (QH) thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, việc quy định chính sách đặc thù không nên nhìn nhận ở góc độ có lợi chỉ riêng TP mà phải cho cả nước. Cần nhận thức ở góc độ đó mới thoát ra được.
Chủ tịch QH đồng tình việc tăng mức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và trần vay nợ cho TP từ 70% hiện nay lên mức 90% của số thu ngân sách. Với chính sách thuế, bà Kim Ngân đồng ý cần tăng một số sắc thuế, nhưng việc Chính phủ đề nghị tăng tất cả (trừ thuế xuất nhập khẩu) là không nên vì có thể làm mất đi tính cạnh tranh của TP. "Nên lựa chọn, tập trung vào các loại thuế ở những lĩnh vực đang là vấn đề bức xúc của TP, như hạ tầng giao thông hay ô nhiễm môi trường", bà Ngân nói và cho rằng: “Với đầu tàu TP.HCM thì cho thêm thôi chứ đừng lấy bớt”.
Tăng thuế phải đảm bảo hài hòa lợi ích
Góp ý về đề xuất tăng thuế suất với các sắc thuế, đại biểu (ĐB) Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) lưu ý cần cân nhắc thận trọng giữa cái được và mất khi điều chỉnh thuế. Việc tăng thuế sẽ giúp tăng thu trước mắt nhưng ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. ĐB này lo ngại khi điều chỉnh mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố, đây là bước đột phá nhưng cần cân nhắc trong tổng thể. Lý do theo các quy định hiện hành, luật Đơn vị hành chính -kinh tế đặc biệt cũng chỉ dừng lại ở mức 70%. Nếu tới đây các địa phương khác cũng đưa ra đề nghị như vậy, sẽ ảnh hưởng nhiều đến an toàn nợ công.
Một số ĐB khác cũng cho rằng tăng thuế sẽ không tạo được sự đồng thuận trong dân, ảnh hưởng sự phát triển bền vững. Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, trước khi tăng bất kỳ loại thuế nào, TP sẽ phải có đề án đánh giá cụ thể, nhiều mặt và trình lên Chính phủ, sau đó Chính phủ trình Thường vụ QH quyết định. Trước mắt một số loại thuế như bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt... có thể tính toán để thực hiện ngay.
"TP hiện ô nhiễm, ngập lụt như thế thì nên cho phép tăng thêm một số khoản phí, lệ phí. Tinh thần là mở rộng cơ sở thu, đảm bảo hài hòa và phù hợp điều kiện thực tế. QH yên tâm, TP nếu có tăng thì phải có đề án tính toán chi tiết, đánh giá tác động môi trường đầy đủ và phải do cấp có thẩm quyền quyết định", ông Dũng nhấn mạnh.
Cán bộ có thể không cần đến cơ quan
ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề nghị nên cho TP.HCM quy định về tuyển dụng cán bộ, thu hút nhân tài, không nên thi tuyển cứng nhắc như hiện nay. Ông Hiểu đề xuất giải pháp thí điểm cho cán bộ, công chức viên chức một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà, không phải đến cơ quan. Vì nhiều lĩnh vực chỉ đến cơ quan 1 - 2 ngày mỗi tuần. Khi đến cơ quan, chưa chắc hiệu quả làm việc đã cao hơn ở nhà. ĐB Nguyễn Tạo (Cần Thơ) cho rằng với quy mô dân số lên tới 13 triệu dân và việc được hưởng các cơ chế đặc thù tới đây thì TP.HCM phải thay đổi cách quản lý điều hành, không thể để tình trạng “Phó chủ tịch UBND quận đi dẹp đường phố” như hiện nay. ĐB này đề nghị cho thí điểm chính quyền đô thị với sự phân cấp, phân quyền mạnh hơn như có thể thành lập các cơ quan quản lý trật tự trong đô thị gánh bớt việc cho UBND.
Theo ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), có thể tăng thêm mức thu nhập cho cán bộ, nhưng phải thay đổi cơ chế về mặt quản lý con người, tuyển dụng người có năng lực, sàng lọc cán bộ yếu kém. Đã ủy quyền thì phải gắn với trách nhiệm của các cấp, tránh cấp đó không hoàn thành lại đùn đẩy công việc lên cấp trên. Với lĩnh vực tài chính, ông Cường đề nghị phải hết sức cân nhắc trong việc tăng thuế, phí, vì giải pháp này chưa chắc đã tăng thu. Thay vào đó, có thể mở rộng đối tượng thu thuế mới.
Quân đội không nên làm kinh tế thuần túy
Thảo luận về luật Quốc phòng sáng 14.11, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) băn khoăn về phần kinh tế quốc phòng. Theo ông Nghĩa, Nghị quyết Đảng đã nói rồi, những gì lực lượng vũ trang không cần thiết thì chuyển sang các bộ ngành khác quản lý, dân sự hóa. Kinh nghiệm các nước kể cả Trung Quốc, những nước lực lượng vũ trang hùng mạnh, không nhất thiết cái gì cũng quốc phòng làm. Ông Nghĩa đề nghị lực lượng vũ trang không làm kinh tế thuần túy vì lợi ích, lợi nhuận hoặc kinh doanh những điều không phục vụ cho lợi ích quốc phòng.
“Ví dụ như kinh doanh khách sạn, xây nhà ở để bán... chẳng phục vụ gì cho quốc phòng. Toàn dân, Đảng và Nhà nước có trách nhiệm chịu mọi kinh phí cho quân đội hoạt động. Thời chúng ta trong rừng, bộ đội cùng với nhân dân tăng gia sản xuất, thời đó đã khác rồi, bất đắc dĩ mới làm kinh tế, bộ đội chỉ tập trung chiến đấu thôi”, ông Nghĩa nói.
Lý do theo ĐB này, việc không tập trung vào kinh tế nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, không phân tán nguồn lực, xây dựng niềm tin, tình cảm của nhân dân với bộ đội, quốc phòng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.