'Cô bé hạt tiêu' và giấc mơ lớn về gạch làm từ... rác thải nhựa

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
18/01/2022 08:00 GMT+7

Nặng chỉ khoảng 39 kg, nhưng cô học trò Nguyễn Thị Diễm My đã có một giấc mơ không hề bé nhỏ. Đó là biến rác thải nhựa thành gạch lát sân, đường…

Nguyễn Thị Diễm My (16 tuổi, trú xã Cam Chính, H.Cam Lộ, Quảng Trị) là cô học trò đạt giải nhất với sản phẩm “Chế tạo gạch lát sân, đường từ hỗn hợp rác thải nhựa và vôi sống”. Để có thành tích này, cô gái bé nhỏ đến mức có người bảo “gió thổi em cũng… rung rinh” đã vượt qua hơn 541 sản phẩm của hàng trăm tác giả học trò khác gửi đến dự thi. “Cô bé hạt tiêu” còn làm người khác phải khâm phục, khi đứng lên bục, tự tin thuyết trình về sản phẩm sáng tạo của chính mình.

Cô học trò Diễm My tự tin thuyết trình về sản phẩm của mình tại lễ trao giải

NGUYỄN PHÚC

Theo Diễm My, nguyên nhân đầu tiên để em nảy ra ý tưởng này chính là nạn ô nhiễm môi trường. “Báo cáo của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỉ túi nhựa. Còn theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, mỗi năm, Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Đó thực sự là những con số khổng lồ, quá tải với môi trường của chúng ta. Tuy vậy, việc xử lý rác thải nhựa vẫn còn nhiều hạn chế, lạc hậu. Như là chôn, lấp, đốt, thải ra biển... không những không giải quyết triệt để vấn đề mà còn làm tình trạng trầm trọng thêm”, My nói.

Theo Diễm My, tại vùng quê em đang sống, đường đi nhiều nơi vẫn là đất đỏ, mùa mưa trơn trượt đi lại rất khó khăn, nguy hiểm. Vì vậy, em đã tìm tòi, suy nghĩ, cùng với nhiều lần thử nghiệm, khám phá dưới sự giúp đỡ của cô giáo, Diễm My đã tìm ra một sản phẩm mới là gạch từ hỗn hợp rác thải nhựa và vôi sống.

Quá trình chế tạo thử nghiệm, Diễm My cho biết rác thải nhựa được em thu gom tại các hộ gia đình, một số nơi thu gom phế liệu và ven đường... hầu như miễn phí. Lưu ý là không sử dụng một số loại nhựa như nhựa điện tử (có chứa thủy ngân rất độc trong quá tình sản xuất, sử dụng). Sau khi thu gom, rửa sạch và phơi khô, em cân rác với vôi tỷ lệ 6:4 hoặc 7:3. Cho hỗn hợp đun trên chảo, tầm 15 phút, đợi nguội một tí rồi đổ ra khuôn đúc.

Sản phẩm gạch lát sân, đường bằng cách kết hợp rác thải nhựa và vôi sống của Diễm My

NVCC

“Chúng ta có thể sử dụng các chất tạo màu, các loại khuôn có hình thù khác nhau để tạo ra mẫu mã tùy thích. Nguyên nhân em sử dụng vôi sống mà không phải là một hợp chất gì khác là vì vôi sống có rất nhiều tính chất nổi trội. Từ trước đến nay, chúng ta đã biết dùng vôi sống để khử khuẩn, ngăn ngừa lên men, nấm mốc”, Diễm My phân tích.

Dù biết sản phẩm của mình chỉ đang dừng lại ở quy mô sáng tạo tuổi học trò, nhưng Diễm My vẫn tự tin cho rằng một số tổ chức cũng làm gạch với ý tưởng tương tự là từ rác thải nhựa, tuy nhiên sản phẩm của em lại được kết hợp với vôi sống. Đó là một điểm nổi trội, ưu việt hơn nhiều bởi những tính chất của vôi sống.

“Nó cũng không đơn thuần là một loại gạch, với công thức này hoàn toàn có thể làm nguồn nguyên vật liệu sản xuất mới. Trong khi nguồn nguyên liệu không có gì đắt đỏ, mỗi sản phẩm làm ra có giá thành rất rẻ”, Diễm My cho hay.

Tuy nhiên, thứ mà cô học trò này quan tâm nhất lúc này chưa phải là bài toán kinh tế, mà chính là góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường thông qua việc tái chế rác thải nhựa trở thành gạch lát. Theo tính toán của Diễm My, một viên gạch kích cỡ khoảng 35 x 25 cm sẽ tái chế được khoảng 1 kg rác thải nhựa và cần thêm khoảng 0,4 - 0,6 kg vôi. Và cô học trò này mong muốn được hỗ trợ về: cơ sở vật chất, trang thiết bị; quảng bá hình ảnh sản phẩm, mục tiêu và tác dụng đến rộng rãi mọi người…

Đánh giá về sản phẩm đầy sáng tạo và sáng tạo với mục đích hết sức tốt đẹp của Diễm My, ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi Sáng tạo trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ 10, nhận định đây là một điển hình cho sức sáng tạo không giới hạn ở lứa tuổi, tạo nên sản phẩm trí tuệ và có khả năng ứng dụng vào thực tiễn.

“Sản phẩm chế tạo gạch lát sân, đường từ hỗn hợp rác thải nhựa và vôi sống của Diễm My nảy sinh từ ý tưởng bức xúc ô nhiễm môi trường, trong đó rác thải nhựa là nguyên nhân sâu xa. Khi ý tưởng bắt nguồn từ những trăn trở cho cộng đồng như thế, chắc chắn sẽ được ủng hộ và hẳn sẽ có cái kết đẹp”, ông Tiến nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.