'Có bao giờ chúng ta dạy trẻ công việc của cô lao công, bác bảo vệ?'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
04/01/2024 14:31 GMT+7

'Dạy kỹ năng sống có những điều rất nhỏ, nhưng mang lại hiệu quả rất lớn. Các thầy cô không cứ phải tìm những chủ đề đao to búa lớn, mà hãy dạy trẻ những điều rất nhỏ, nhưng gần gũi. Có bao giờ chúng ta dạy trẻ công việc của cô lao công, bác bảo vệ chưa…?'.

'Có bao giờ chúng ta dạy trẻ công việc của cô lao công, bác bảo vệ?'- Ảnh 1.

Trẻ mẫu giáo tại các góc chơi

THÚY HẰNG

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, nói như vậy tại buổi tập huấn sáng 4.1 diễn ra tại sở này, với sự tham gia của đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên mầm non các quận, huyện, TP.Thủ Đức.

Buổi tập huấn tập trung vào các nội dung hướng dẫn tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng, dạy trẻ về sức khỏe, bảo đảm an toàn cho trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non; giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo.

Bà Điệp nhấn mạnh tới các thầy cô giáo trực tiếp nuôi dạy trẻ hãy làm tốt từ những việc rất nhỏ để giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em. Như cho trẻ biết cách rửa tay sạch sẽ ra sao, biết soi gương, đánh răng, rửa mặt thế nào để sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng như thế nào, biết đóng nút áo ra sao, khi ăn cơm thì không để hạt cơm rơi vãi như thế nào…

'Có bao giờ chúng ta dạy trẻ công việc của cô lao công, bác bảo vệ?'- Ảnh 2.

Bác bảo vệ một trường học được nhiều học sinh yêu mến

THÚY HẰNG

"Chúng ta đưa các nội dung nghề nghiệp vào giáo dục cho trẻ, chúng ta dạy trẻ về trường học của mình to đẹp như thế nào, nghề nghiệp cô hiệu trưởng ra sao. Thế nhưng chúng ta có bao giờ dạy cho trẻ nghề nghiệp của các cô lao công, bác bảo vệ chưa?", bà Điệp nêu câu hỏi.

"Chỉ cần một buổi dạy trẻ về nghề nghiệp của các cô, các bác thôi mà dạy cho trẻ được nhiều cái hay lắm. Như bước vào cổng trường, các con cần chào bác bảo vệ như thế nào. Thấy cô lao công đang lau nhà, con cần bước đi ra sao để sàn nhà không bị dơ, không ảnh hưởng công việc của các cô. Dạy kỹ năng sống có những cái rất nhỏ, nhưng mang lại hiệu quả lớn. Các thầy cô không cần đao to búa lớn, đau đầu tìm những chủ đề to tát, mà hãy dạy các con từ những điều nhỏ nhất", bà Điệp nói.

'Có bao giờ chúng ta dạy trẻ công việc của cô lao công, bác bảo vệ?'- Ảnh 3.

Bà Lương Thị Hồng Điệp chia sẻ trong sáng nay, 4.1

THÚY HẰNG

Bà Điệp cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non truyền thông nội dung buổi tập huấn hôm nay tới tất cả giáo viên, đồng thời đăng tải trên trang web chính thức để tuyên truyền tới phụ huynh. Đây cũng là một cách để tương tác, giúp phụ huynh biết các thầy cô giáo đang quan tâm, chăm sóc, giáo dục trẻ an toàn như thế nào.

Những sai lầm khi giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo

Tại buổi tập huấn, bà Nguyễn Thị Đoan Trang, chuyên viên Phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, chỉ ra một số sai lầm thường mắc của giáo viên, phụ huynh khi giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo.

Những sai lầm thường gặp là coi nhẹ việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo; luôn cho rằng trẻ mẫu giáo còn quá nhỏ để hình thành các kỹ năng; không kiên nhẫn khi hình thành kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo.

Nhiều phụ huynh còn cho rằng giáo dục kỹ năng sống là trách nhiệm của nhà trường; có tâm lý e ngại việc mất an toàn cho trẻ khi tham gia hoạt động trải nghiệm ngoài trời. Hay điển hình là nhiều người lớn áp đặt kỹ năng của mình lên kinh nghiệm và kỹ năng thực tại của trẻ mẫu giáo.

Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý khi giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mẫu giáo thì cần thường xuyên giao tiếp với trẻ; cùng trẻ xây dựng quy tắc, quy định và cùng thực hiện; cần kiên trì hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ. Đồng thời, cần khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tập thể, tự do, tự thực hiện, người lớn không thể làm thay.

'Có bao giờ chúng ta dạy trẻ công việc của cô lao công, bác bảo vệ?'- Ảnh 4.

Trẻ mẫu giáo trong vai người bán hàng, mua hàng tại góc chơi phân vai

THÚY HẰNG

Giáo viên cần thống nhất giữa lời nói, hành vi của người lớn xung quanh trẻ trong quá trình giáo dục kỹ năng sống; người lớn phải là tấm gương tốt đối với trẻ… Chẳng hạn, nếu dạy trẻ xếp giày dép ngay ngắn khi bước vào lớp, vào nhà, thì đi đến đâu, thầy cô giáo cũng không thể nào bỏ dép của mình bừa bãi, không đúng nơi quy định…

Giáo dục kỹ năng sống có thể lồng ghép trong các hoạt động cho trẻ như trò chuyện đầu giờ, trò chuyện khi đón, trả trẻ. Giáo viên có thể cho trẻ thực hành trong các tình huống có sẵn hoặc giả định. Các tình huống cần phải tự nhiên, không khiên cưỡng, và phải tuyệt đối đảm bảo an toàn cho trẻ,

Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về các chương trình kỹ năng sống

Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết hiện nay có nhiều trung tâm giáo dục kỹ năng sống muốn xin phép vào các trường để tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ nhỏ. Về điều này, Bộ GD-ĐT đã có Thông tư 04 năm 2014 quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, cần phải tuân thủ. Hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm phê duyệt chương trình và phải tăng cường công tác kiểm tra hồ sơ năng lực, thời gian giấy phép hiệu lực, tính hợp pháp của chương trình được phê duyệt, nhân sự…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.