Clip khoe 'hack LED' tràn lan trên TikTok

24/11/2023 08:18 GMT+7

Những từ khóa liên quan đến các clip khoe hack LED được gắn có chủ đích vào các bài đăng trên TikTok, mạng xã hội để câu view và góp phần khiến tình trạng này lan rộng.

Những ngày qua, tình trạng tấn công qua kết nối Wi-Fi để chiếm quyền sửa nội dung trên các bảng LED điện tử ở trường học, cổng chào địa phương... rộ lên ở một số tỉnh thành trên cả nước. Những đối tượng đứng sau hành vi hack LED thường thay đổi nội dung không phù hợp hoặc khoe khoang tên tuổi bản thân, gây ảnh hưởng cho cộng đồng cũng như các đơn vị sở hữu, quản lý bảng LED.

Clip khoe 'hack LED' tràn lan trên TikTok

Theo đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trên các nền tảng mạng xã hội có chia sẻ cách thức thực hiện hành vi này nên nhiều người học và làm theo, gây ra tình trạng nhiều nơi trên cả nước đều xuất hiện hiện tượng nêu trên.

Các clip chia sẻ "chiến tích" hack LED được khoe đầy rẫy trên mạng xã hội như TikTok, Facebook

Các clip chia sẻ "chiến tích" hack LED được khoe đầy rẫy trên mạng xã hội như TikTok, Facebook

Anh Quân

Khi tìm kiếm với từ khóa "hack LED trường học" hoặc "hack LED", có hàng chục triệu kết quả trả về liên quan đến hành vi này, trong đó chứa nhiều bài đăng "giật tít" hướng dẫn cách thực hiện.

Trên mạng xã hội chia sẻ video TikTok, từ khóa "hack LED" có hàng loạt kết quả, nhiều clip được đăng lên từ các tài khoản khác nhau "khoe khoang thành tích" đổi nội dung trên bảng điện tử của doanh nghiệp, cổng chào thành tên mình hoặc các câu khiêu khích, nội dung tục tĩu... Không ít clip gây tò mò bằng cách đặt tên liên quan đến "hướng dẫn" hay "cách hack LED" để câu kéo người dùng tò mò vào xem.

Chỉ trong ít ngày, có những clip đã lên đến hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu lượt view (xem). Một số người thường xuyên sử dụng TikTok cho biết dường như nền tảng này đã đẩy clip "hack LED" lên Top xu hướng vì từ khóa liên quan đến các video này đang "hot", kéo người dùng truy cập vào nền tảng.

Về nguyên nhân khiến bảng LED dễ dàng bị các đối tượng can thiệp, chỉnh sửa, các chuyên gia tại Cục An toàn thông tin nhận định các bảng điện tử LED bị thay đổi nội dung thường là loại cũ hoặc bảng LED có xuất xứ không rõ nguồn gốc, chung đặc điểm cho phép quản lý thông qua Wi-Fi. Trong khi đó, tài khoản quản lý lại thường sử dụng mật khẩu, thông tin đăng nhập mặc định, dễ đoán. Việc điều khiển bảng LED cũng được đơn giản hóa qua ứng dụng trên điện thoại, chỉ cần vài thao tác, kẻ xấu đã có thể kết nối với bảng điện tử qua kết nối không dây và thay đổi nội dung theo ý muốn.

Công an hướng dẫn bịt ‘lỗ hổng’ để ngăn kẻ xấu chỉnh sửa bảng LED

Ban đầu, hack LED là trò phá phách của một nhóm nhỏ nhưng đã nhanh chóng lan ra trên diện rộng khi được chia sẻ trên mạng xã hội. Dù đây là một trào lưu xấu, số video khoe khoang hack LED vẫn tồn tại trên TikTok nhiều ngày mà chưa có động thái gỡ bỏ hay ngăn chặn từ mạng xã hội này.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng quốc gia (NCS) cảnh báo: "Hiện nay các bảng điện tử xuất hiện ở rất nhiều nơi, không chỉ ở ngoài trời, trong các cơ quan, đơn vị mà còn có cả trong thang máy, nơi công cộng… Nếu không quản lý chặt chẽ, nguy cơ có thể xảy ra khi kẻ xấu chỉnh sửa các nội dung xấu - độc, ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội".

Để khắc phục hiện tượng này, Cục An toàn thông tin đề nghị các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện kiểm tra, rà soát lại mật khẩu Wi-Fi của bảng điện tử đang sử dụng, thay đổi thành mật khẩu khác có tính phức tạp và khó đoán hơn (mật khẩu cần có nhiều hơn 8 ký tự bao gồm cả chữ, cả số ký tự đặc biệt). Với các thiết bị có quản trị qua kết nối có dây, người quản lý nên tắt tính năng điều khiển qua Wi-Fi.

Xem nhanh 12h ngày 23.11: Chân tướng 2 kẻ cướp ngân hàng ở Đà Nẵng | Bảng LED nhiều nơi bị ‘tấn công'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.