Những câu chuyện về Kỳ Ngoại hầu Cường Để và vua Duy Tân: Chuyến xuất dương bí mật sang Nhật

01/11/2021 06:18 GMT+7

Tháng 11.1888, khi vua Hàm Nghi - linh hồn của phong trào kháng chiến Cần vương bị Pháp bắt trên thượng nguồn sông Gianh (( Quảng Bình )) thì các tổ chức nghĩa quân của Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân tan rã; lãnh tụ Hoàng Hoa Thám cố cầm cự ở Yên Thế, Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh.

Năm 1895, cụ Phan Đình Phùng tính kế suy cử một hậu duệ của hoàng đế Gia Long làm minh chủ cho các lực lượng kháng chiến trong nước, thay thế vai trò của vua Hàm Nghi. Cụ tìm đến Hàm Hóa Hương công Nguyễn Phúc Anh Du, cháu nội Ứng Hòa công Mỹ Đường, cháu 4 đời hoàng thái tử Cảnh, để mời ông nhận cương vị trên.

Hoàng thái tử Cảnh, ông tổ 5 đời của Kỳ Ngoại hầu Cường Để

Lúc này, Hàm Hóa Hương công lấy làm cảm kích, song nghĩ tuổi đã già, sức đã yếu nên muốn cậu con trai 13 tuổi (sinh năm 1882) thay mình làm biểu tượng cho các phong trào chống Pháp. Người con trai ấy là Nguyễn Phúc Dân, tên theo phiên hệ của dòng con cháu hoàng thái tử Cảnh là Cường Để, tước Kỳ Ngoại hầu. Cụ Phan Đình Phùng tán thành sự đề cử của Hương công, nhưng việc chưa đến đâu thì cụ đã qua đời vì trọng bệnh.

Theo hồi ức của Kỳ Ngoại hầu Cường Để do một ký giả người Nhật ghi lại qua tác phẩm Cuộc đời cách mạng Cường Để: Vào khoảng đầu những năm 1900, Khâm sứ Huế ướm thử với ông về việc đưa ông lên thay vua Thành Thái, song ông không chịu vì không muốn đi theo con đường cũ của ông hoàng Bửu Lân. Tuy nhiên, vào tháng 3 âm lịch (ÂL) 1903, ông nhận lời đề nghị của nhà cách mạng Phan Bội Châu làm Hội chủ Việt Nam Quang phục hội để mưu việc giành lại nền độc lập cho xứ sở (Cuộc đời cách mạng Cường Để - phỏng vấn ký của ký giả Tùng Lâm - Sài Gòn 1957, tr.13).

Mối quan hệ hai cụ Phan với Hoàng Hoa Thám

Vào thời điểm này, không thể không nhắc đến vai trò của lãnh tụ nghĩa quân Hoàng Hoa Thám trong bối cảnh cuộc vận động chính trị cho việc giành lại nền tự chủ cho xứ sở. Vì thế, đã có cuộc gặp gỡ giữa ba nhân vật lừng lẫy lúc bấy giờ là Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu và Hoàng Hoa Thám để bàn định những kế hoạch hành động phù hợp nhất. Chúng ta biết rằng giữa hai cụ Phan có sự bất đồng về phương thức hành động, người chủ trương sử dụng vũ lực để lật đổ chính quyền thực dân, người muốn sử dụng sự canh tân xứ sở để đòi lại quyền tự trị. Mối quan hệ giữa hai cụ Phan với Hoàng Hoa Thám cũng có những khác biệt sâu sắc.

Cụ Phan Bội Châu thân hành lên đồn điền Phồn Xương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, hai lần, vào năm 1902 và 1906, và hai bên đạt được thỏa thuận cơ bản: Đề Thám gia nhập Duy Tân hội và công nhận Kỳ Ngoại hầu Cường Để là hội chủ, sẵn sàng ứng viện bằng quân sự khi Trung kỳ xướng nghĩa.

Song mối quan hệ giữa cụ Phan Châu Trinh và họ Hoàng lại không suôn sẻ như vậy. Năm 1907, cụ Phan lên Phồn Xương với những yêu cầu không được Đề Thám hoan nghênh như: mở mang nông thương nghiệp để quân lính tự túc, không bắt dân phải đóng góp nhiều, cấm chỉ nghĩa quân hút á phiện… Yêu cầu sau cùng là ngặt nghèo nhất, vì bản thân Đề Thám cũng là người nghiện ngập nặng. Hai bên mâu thuẫn nhau từ đầu, Phan Châu Trinh xem Đề Thám là người ít học, chỉ là một “chúa sơn lâm”, khó làm nên đại sự, còn họ Hoàng coi cụ Phan thuộc hạng “mũ cao áo dài”, chỉ chuộng văn hay chữ tốt, khó làm nên đại sự (Tôn Quang Phiệt - Tìm hiểu Hoàng Hoa Thám - Sở VH-TT Hà Bắc 1984, tr.76).

Kỳ Ngoại hầu Cường Để lúc còn nhỏ

TƯ LIỆU CỦA LÊ NGUYỄN

Người bồi tàu yêu nước

Tình hình quốc tế năm 1904 Nhật Bản thắng thế trong cuộc xung đột quân sự với Nga, làm nức lòng các dân tộc châu Á. Nhân đó, hội nghị của Việt Nam Quang phục hội diễn ra vào tháng 10 ÂL 1904 quyết định cử cụ Phan Bội Châu sang Nhật để nhờ sự giúp sức của chính quyền Nhật Bản. Cụ Phan sang Nhật cùng hai thanh niên yêu nước Đặng Tử Kính và Tăng Bạt Hổ, đến Hoành Tân gặp một nhà cách mạng Trung Quốc nổi tiếng là Lương Khải Siêu đang chủ trương tờ Tân Dân tuần báo. Qua họ Lương, cụ Phan được hội kiến với hai nhà hoạt động chính trị lừng danh của Nhật là Bá tước Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu) và Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoki).

Trong cuộc hội kiến, sau khi được cụ Phan trình bày về hiện tình Việt Nam, các chính khách Nhật khuyên nên đưa vị hội chủ, tức hoàng thân Cường Để, sang Nhật cho danh chính ngôn thuận trong việc nhờ viện trợ quân sự. Và việc Kỳ Ngoại hầu Cường Để xuất dương sang Nhật đã phát xuất từ lời đề nghị này của những người bạn Nhật. Tháng 8 ÂL năm 1905, cụ Phan Bội Châu về nước rước Kỳ Ngoại hầu Cường Để sang Nhật. Đúng ngày mùng ba Tết ÂL năm 1906, vị hoàng thân xuống tàu đi Nhật.

Trong hành trình từ Hải Phòng sang Nhật, Kỳ Ngoại hầu đã được một người bồi tàu là Lý Tuệ giấu kỹ trong buồng để tránh tai mắt của mật thám Pháp. Con người yêu nước này cũng từng giúp cụ Phan Bội Châu đi trót lọt nhiều nơi, công lao của ông từng được cụ Phan nhắc nhở đến với tất cả sự ngưỡng phục.

Khi vừa đặt chân đến thành phố Đông Kinh của Nhật Bản, Kỳ Ngoại hầu đã hội kiến với Bá tước Đại Ôi Trọng Tín và Khuyển Dưỡng Nghị. Lúc này cuộc chiến tranh Nga - Nhật đã kết thúc, sau khi hải quân Nhật thắng giòn giã hải quân Nga ở eo bể Đối Mã (Tsushima)… (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.