Chuyện về người em trai ông Nguyễn Cao Kỳ

02/08/2016 12:45 GMT+7

Một ngày, đang công tác tại TP.HCM, tôi bất ngờ nhận được điện thoại từ một số máy để bàn. Bên kia đường dây, giọng một người đàn ông khó nhọc: “Tôi là em trai ruột của ông Nguyễn Cao Kỳ”.

Người đàn ông để lại địa chỉ, số… đường… quận Tân Bình, TP.HCM và xưng tên Nguyễn Cao Phách. Mối duyên nợ của tôi với gia đình “tướng râu kẽm” lại tiếp tục nối dài, sau những bài viết trên Báo Thanh Niên như Tuổi thơ ông Nguyễn Cao Kỳ tại Sơn Tây; Dòng họ ông Nguyễn Cao Kỳ - những người bên kia bờ đoàn tụ.
Ông Phách, thứ 2 từ trái, và ông Kỳ cùng các con ông Kỳ. Album gia đình
Chúng tôi có mặt tại căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Cao Phách khi Sài Gòn đang ở giữa mùa khô. Căn nhà nằm sát một cái chợ nhỏ huyên náo tiếng cười nói và ngan ngát mùi hoa quả chín. Sau lớp cửa kính mờ mờ, tôi giật mình, người ngồi ở bàn trà đợi mình giống ông Nguyễn Cao Kỳ nhiều quá. Đúng cái dáng cao cao, quắc thước, vầng trán rộng và cái ria mép không thể nhầm lẫn.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Năm 1949 tôi về Hải Phòng sống cùng chị gái, sau đó năm 1954 lại trở lại Sơn Tây. Năm 1976, tôi và gia đình vào TP.HCM sinh sống đến tận bây giờ”, ông Nguyễn Cao Phách thủng thỉnh kể.
Vậy thì có mối liên hệ gì giữa hai cái tên Nguyễn Cao Phách, Nguyễn Cao Kỳ, cũng như hai khuôn mặt gần giống nhau như đúc?
“Cha tôi, Nguyễn Văn Hiếu, lấy bà vợ cả là Phùng Thị Các. Tôi phải nhấn mạnh, cha tôi là Nguyễn Văn Hiếu, không phải Nguyễn Cao Hiếu như nhiều tài liệu có ghi. Bà Phùng Thị Các đẻ được 3 người con gái, sau đó cứ đẻ được người con trai nào là đứa bé lại yểu mệnh, qua đời sớm. Bà nội tôi lo sợ dòng họ không có con trai nối dõi tông đường, đành phải đi hỏi vợ hai cho ông. Người được cưới về đó chính là mẹ đẻ của tôi, bà Nguyễn Thị Tộ”.
“Nguyễn Cao Kỳ là con trai duy nhất của bà cả, người con thứ 4 trong nhà. Sau ông Kỳ, còn một em gái tên Nguyễn Thị Phụng. Mẹ đẻ tôi sau khi về làm vợ lẽ ông Nguyễn Văn Hiếu sinh được 2 con trai. Là anh trai tôi, Nguyễn Cao Phi và tôi, Nguyễn Cao Phách”, ông Phách kể tiếp.
Như vậy, theo lời ông Phách, tính chung số con của bà cả và bà hai, gia đình ông có tất cả 7 chị em (4 gái, 3 trai), thứ tự lần lượt là: Nguyễn Thị Khuông, Nguyễn Thị Lý, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Thị Phụng, Nguyễn Cao Phi, Nguyễn Cao Phách.
Ông Kỳ cùng vợ (áo đỏ) và các chị em gái của ông. Album gia đình
Các chị kể lại cho ông Phách, tuổi thơ, ông Nguyễn Cao Kỳ được nuông chiều nên rất ương ngạnh. Bà Nguyễn Thị Huyền được học hành đến nơi chốn, là người dạy học cho ông Nguyễn Cao Kỳ ngày ông còn nhỏ. Thời gian ra Hà Nội học ở trường Bưởi, ông Kỳ có một sở thích đặc biệt là… ném đá vào cổng nhà bạn để rủ bạn đến trường.
Cuộc đời nhiều thăng trầm giữa những buồn vui, có một điều trong trí nhớ ông Phách còn nhớ đến bây giờ, đủ làm điều an ủi ông giữa những lạnh lùng, trống trải của kiếp người. Đó là kỷ niệm tuổi thơ, dù là chị em cùng cha khác mẹ nhưng bà Nguyễn Thị Phụng rất yêu thương ông Phách. Trong thời gian di cư xuống Hải Phòng, bà Phụng dạy ông Phách học. Ông Phách nghịch ngợm quá, bà Phụng đánh em lằn hết hai bên mông, nhưng sau đó ngồi lau vết thương cho em, chị khóc em khóc.
Ly biệt và trùng phùng
Ông Nguyễn Cao Phách sinh năm 1940, lớn lên không biết mặt cha. Thầy giáo Nguyễn Văn Hiếu lên Tuyên Quang dạy học và mất sớm từ năm 50 tuổi. Ông Phách kém ông Nguyễn Cao Kỳ 10 tuổi, khi ông Kỳ vào trường Bưởi (THPT Chu Văn An, Hà Nội) học, ông Phách mới ra đời. Những tin tức về người anh trai cùng cha khác mẹ chỉ được người thân kể lại. Sau đó, hoàn cảnh, số phận đã đẩy đưa hai anh em đã xa cách lại càng cách xa. Năm 1965, do hoàn cảnh lịch sử, có thời gian ông Phách phải đổi tên họ mình là Nguyễn Ngọc Phách.
“Người ta nói, giàu con út, khó con út. Chắc tôi đúng vế thứ 2, cuộc đời tôi không gian khổ nào tôi không trải qua. Nhỏ thì chăn trâu, cắt cỏ, gánh phân, lớn thì bôn ba, làm công trình thủy điện khắp nơi, chuyển nhà khắp nơi. Thầy tử vi nói tôi làm nhà trên lưng ngựa”, ông Phách trầm ngâm.
Gia đình 7 anh chị em, nhưng mỗi người một nơi, ông Phách ở Việt Nam, các anh chị khác ở các bầu trời khác nhau. Đến giờ phút này, cả 4 chị gái của ông Phách đã mất, ông Kỳ cũng về cát bụi, Nguyễn Cao Phi đang sống ở Pháp. Ông Phách, gần đất xa trời vẫn luôn có một nỗi buồn sâu thẳm, đó là sợi dây liên lạc giữa cháu con, ông bà, những người còn sống trong dòng họ của mình cứ lỏng dần theo năm tháng.
Ông Phách giải thích các tấm ảnh gia đình cho phóng viên. TNO
Ông Nguyễn Cao Phách gặp lại anh trai Nguyễn Cao Kỳ lần đầu tiên năm 2000, tại Los Angeles, Mỹ. Trước đó hai người chỉ có thể liên lạc qua thư từ. “Chúng tôi cùng nhau đi đánh golf, tôi còn nhớ một kỷ niệm, chiếc gậy golf của ông Kỳ bị xước, ông Kỳ hỏi tôi, có thể đổi được không, tôi cười bảo, họ làm sao mà đổi cho anh được. Hôm tiễn tôi về Việt Nam, chúng tôi cứ ôm nhau ở sân bay Los Angeles, yên lặng một lúc lâu”, ông Phách bồi hồi.
Lần thứ hai cũng là lần sau cùng hai người gặp nhau là năm 2004, ông Nguyễn Cao Kỳ về thăm Việt Nam. Ngày ông Kỳ mất, vì già yếu, xa xôi cách trở, ông Phách không thể có mặt, tiễn anh mình về nơi cát bụi.
Nhiều năm tháng trôi qua, ông Phách giờ đã 76 tuổi, bệnh tật, ít khi đi đâu xa, những sợi dây kết nối với thế giới bên ngoài là chiếc điện thoại và iPad luôn để sát người. Chiếc iPad ấy cũng là cầu nối, đưa ông Phách tới bài báo trên mục Blog Phóng viên của Báo Thanh Niên về dòng họ ông Nguyễn Cao Kỳ ở Sơn Tây. Ông Kỳ đọc, nước mắt lặng lẽ rơi, mảnh đất Sơn Tây in dấu chân ông cả tuổi thơ, rất lâu rồi ông chưa quay lại.
Ông Kỳ và các chị em gái. Album gia đình
Chúng tôi nhớ mãi bước chân chầm chậm của ông Phách khi tiễn chúng tôi, nụ cười hiền và những câu chuyện trở đi trở lại giữa quá khứ, hiện tại, Hải Phòng, Sài Gòn, Hà Nội. “Đời người rồi thoảng như mây gió, những gì đã qua hãy để nó qua, tôi không bao giờ oán trách ai điều gì cả. Mà cô ơi, cô đi đâu công tác, thi thoảng ghé lại đây thăm tôi, cô nhé”, dáng ông Phách liêu xiêu bên khung cửa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.