Chuyện váy 'bánh mì' của hoa hậu

26/11/2018 09:26 GMT+7

Ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam chọn mẫu váy 'bánh mì' của nhà thiết kế (NTK) Phạm Phước Điền cho H’Hen Niê tham gia cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ thế giới vào cuối tháng 11 tại Thái Lan đã gây ra nhiều tranh cãi.

Ngay sau khi Hoa hậu H’Hen Niê công bố trang phục để tham dự phần thi trang phục dân tộc tại Hoa hậu hoàn vũ thế giới 2018 là một bộ quốc phục lấy ý tưởng từ bánh mì, đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận vì cho rằng ý tưởng này rất “hàng chợ”.
Hoa hậu Thu Hoài đã viết trên trang cá nhân một cách thẳng thắn: “Bánh mì không bao giờ có thể đại diện cho nền văn hóa Việt Nam và càng xa xỉ hơn nếu đặt cho nó cái tên quốc phục. Nó chỉ là một sáng tạo có phần độc đáo, lạ lùng, chứ rất khó làm tốt vai trò trợ giúp em tỏa sáng trên một sân chơi quốc tế. Chưa nói tới việc nó không thể tôn lên vóc dáng, đường nét hay thần thái của em, sự phối kết hợp giữa các món đồ thậm chí còn kéo lùi nhan sắc của em xuống thấp hơn. Làn da nâu, mái tóc tém kết hợp với chiếc nón lá và ổ bánh mì xếp xung quanh sẽ tạo ra hình tượng gì hả em? Chắc chắn không giống hình tượng của một người đẹp Việt Nam cho được. Ít nhất đối với Hoài là như thế”.
NTK Phước Điền khi thiết kế trang phục này cũng tự nhận mình không giỏi về thời trang vì học ngành trang trí nội thất, ý tưởng này đến khi anh nhìn thấy nhiều du khách nước ngoài xếp hàng mua bánh mí ở TP.HCM. Và mẫu thiết kế này đã qua nhiều lần chỉnh sửa để Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam mặc thoải mái hơn nhưng vẫn vấp phải ý kiến chê bai từ dư luận.
Một độc giả nhận xét rằng bộ trang phục dù có sáng tạo đến đâu thì trước tiên phải có yếu tố thẩm mỹ: "Nhìn người mẫu mặc không khác gì bà bán hàng rong".
Phiên bản váy "bánh mì" được chọn sau nhiều lần chỉnh sửa ÀNH: BTC

Dù cũng có nhiều ý kiến cho rằng bộ trang phục này rất sáng tạo và độc đáo, phù hợp với tiêu chí trong phần thi Trang phục dân tộc của Hoa hậu hoàn vũ thế giới là đề cao tính mới lạ, sáng tạo chứ không nhất thiết phải là tôn vinh nét văn hóa, con người đặc trưng của một quốc gia. Hơn nữa hình ảnh áo dài, hoa sen vốn quá quen thuộc và nhàm chán nên lựa chọn của H’Hen Niê lần này rất khôn ngoan và có thể giúp đại diện Việt Nam gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo.
Tuy nhiên nhiều tranh cãi trên diễn đàn mạng cho rằng bánh mì là món ăn phổ biến ở Việt Nam nhưng không phải là món ăn điển hình. Hơn nữa theo nhiều người, bánh mì có nguồn gốc từ phương Tây, khi vào Việt Nam đã được “biến tấu” phù hợp với khẩu vị, sự thưởng thức của người Việt nên không thể chọn đó là đặc trưng của người Việt như là một đại diện hình ảnh đưa vào ý tưởng của trang phục dân tộc -quốc phục của Việt Nam.
Phải công nhận nếu xét về tính thẩm mỹ thì bộ trang phục ấy quá kém và khá phản cảm khi các họa tiết bánh mì được đặt để hơi thô thiển, được bưng nguyên mẫu lên trên bộ trang phục mà không dùng phương pháp cách điệu trong sáng tạo. Đại diện Việt Nam khi khoác lên mình bộ trang phục ấy đã không giúp cô duyên dáng, đẹp hơn lên dù có thể gây ấn tượng.
Với trang phục dân tộc, một trong những lựa chọn của Minh Tú - một đại diện khác của Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia 2018 đang diễn ra tại Ba Lan là bộ áo dài mang tên “Con rồng cháu tiên” có họa tiết là các nhân vật lịch sử vừa được công bố, đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi của cộng đồng mạng.
Vì vậy, trang phục của H’Hen Niê cũng nên cân nhắc bởi nói như Hoa hậu Thu Hoài: “ Bộ trang phục đó không chỉ có mỗi sứ mệnh làm đẹp cho H’Hen Niê, mà nó còn mang theo nhiều ý nghĩa hơn thế. Đừng quên bộ trang phục đó còn có chữ “dân tộc” và đại diện phần nào cho trình độ, văn hóa của hàng chục triệu con người...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.