Chuyện tiêm vắc xin bắt buộc cho sinh viên các nước hiện nay ra sao?

Khánh An
Khánh An
29/08/2021 07:41 GMT+7

Sinh viên đại học tại nhiều nước từng buộc phải tiêm vắc xin để phòng ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm, và Covid-19 không là ngoại lệ.

Theo các chuyên gia y tế, các hoạt động ở trường đại học luôn tràn ngập nguy cơ xảy ra những sự kiện siêu lây nhiễm, khi sinh viên dự học, hội thảo, tham gia các hoạt động xã hội và nhiều hoạt động khác.
Vấn đề này đặt ra câu hỏi liệu có nên bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19 cho sinh viên trước khi nhập học hay không, nhất là tại những nước có sẵn nguồn vắc xin.

Trách nhiệm của trường đại học

Theo trang The Conversation, các trường đại học cần cân nhắc trách nhiệm đối với nhân viên cũng như sinh viên, vì sẽ có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nếu cho phép các sinh viên chưa tiêm vắc xin đến trường.
Trước đó, sinh viên được cho là nhóm tuổi ít nguy cơ mắc Covid-19. Tuy nhiên, các biến chủng mới của SARS-CoV-2 làm gia tăng nguy cơ đối với tất cả các nhóm tuổi.
Giới khoa học cho biết vắc xin giảm đáng kể nguy cơ nhiễm tất cả các biến chủng đã biết của virus gây Covid-19. Do đó, vắc xin sẽ giảm nguy cơ đại dịch lây lan tại trường đại học.
Trong khi đó, không phải sinh viên nào cũng có sức khỏe tốt. Các nhân viên, sinh viên có thể có tình trạng sức khỏe đặc thù khiến họ dễ bị bệnh nặng.
Do đó, giới chuyên môn khuyến cáo cần có biện pháp nhằm bảo vệ mọi người không bị phơi nhiễm SARS-CoV-2 tại trường đại học, và tiêm vắc xin bắt buộc là một lựa chọn.

Mỹ thiếu hụt bộ xét nghiệm Covid-19 khi số ca nhiễm tăng cao trước ngày khai giảng

Nhiều sinh viên ủng hộ

Theo các chuyên gia, giới lãnh đạo các trường đại học cần cân bằng giữa sức khỏe và ý kiến của mọi người, cũng như nguy cơ khi cho phép những sinh viên có khả năng nhiễm bệnh tới trường.
Tại Úc, hầu hết đều ủng hộ biện pháp tiêm vắc xin bắt buộc. Các nhà nghiên cứu tại những trường đại học ở Sydney và Tây Úc nhận thấy khoảng 3/4 người Úc ủng hộ tiêm vắc xin bắt buộc khi đi lại, học hành và làm việc.
Một vấn đề cần cân nhắc nữa là việc tiêm vắc xin cho các sinh viên quốc tế. Trước dịch Covid-19, 32% sinh viên đại học ở Úc là sinh viên quốc tế trả học phí toàn phần và mang đến hàng tỉ USD cho nền kinh tế.
Một khảo sát của công ty định hướng giáo dục IDP Connect (Anh) cho thấy đa số các sinh viên quốc tế đã tiêm vắc xin hoặc sẵn sàng tiêm vắc xin khi trở lại trường.
Tại Canada, một số người cho rằng chỉ nên tiêm vắc xin bắt buộc đối với sinh viên đến trường. Những sinh viên từ chối tiêm vắc xin nên học trực tuyến. Một số trường đại học như Ottawa và Toronto hiện bắt buộc tiêm vắc xin, trong khi những trường khác như Đại học Calgary đang bị chỉ trích vì không bắt buộc sinh viên tiêm vắc xin.
Tại Mỹ, hơn 730 trường đại học bắt buộc tiêm vắc xin, trong số đó có nhiều trường nổi tiếng như Harvard, Stanford, Columbia, Yale và Đại học California ở Los Angeles.
Tòa án Mỹ ủng hộ tiêm vắc xin bắt buộc
Quy định bắt buộc tiêm vắc xin đối với sinh viên tại Mỹ đã vấp phải một số phản đối về pháp lý. Nhóm 8 sinh viên tại Đại học Indiana đã khiếu nại chính sách tiêm vắc xin bắt buộc của trường vì cho rằng quy định này vi phạm quyền đối với thân thể. Vào ngày 12.8, thẩm phán Amy Coney Barrett của Tòa án tối cao Mỹ bác bỏ khiếu nại trên. Sau khi nhóm sinh viên kháng nghị, tòa phúc thẩm bác bỏ và nêu rõ rằng việc khám sức khỏe và tiêm ngừa các bệnh khác (như sởi, quai bị, Rubella, bạch hầu, uốn ván, ho gà, thủy đậu, cúm và nhiều bệnh khác) là yêu cầu phổ biến ở cấp đại học. “Tiêm chủng không chỉ bảo vệ người được tiêm mà còn bảo vệ những người tiếp xúc với họ, và việc tiếp xúc gần là điều không thể tránh khỏi ở đại học”, theo tòa phúc thẩm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.