Chuyện thú vị về nhạc phim 'Em và Trịnh'

Nguyên Vân
Nguyên Vân
23/07/2022 06:17 GMT+7

Sau hơn một tháng Em và Trịnh công chiếu, không thể phủ nhận bộ phim đã tạo cảm hứng cho các bạn trẻ tìm hiểu và nghe nhạc Trịnh, gợi cho người mộ điệu những khoảnh khắc muốn đắm chìm trong không gian âm nhạc ấy, một lần nữa...

Và khi nói về “điểm sáng”, “điểm cộng”, “dấu ấn”, “hiệu ứng” hay “trải nghiệm tuyệt vời” - những nhận xét được phần lớn người xem dành cho nhạc phim Em và Trịnh, không thể không nhắc đến nhạc sĩ Đức Trí - giám đốc âm nhạc của bộ phim (khác với những phim anh từng tham gia trước đây với vai trò soạn nhạc, trong Em và Trịnh, phần chuyển soạn nhạc nền do Trần Hữu Tuấn Bách thực hiện).

Anh Sơn rất trọng con chữ

Đức Trí cho biết anh giữ khá nhiều bản thảo của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Khi làm phim, đoàn phim cũng liên hệ gia đình để có thêm những cuốn nhạc viết tay của ông. “Chúng tôi thu từ bài viết tay của anh Sơn, từ tư liệu gốc, chứ không tìm trên mạng để lấy lời, dù vậy vẫn có những sự khác nhau”, anh nói.

Nhạc sĩ Đức Trí tập hát cho diễn viên Nakatani Akari, người vào vai Michiko

Thảo Ngô

Tuy nhiên, có nhiều bản viết tay thậm chí có trước bản nhạc cuối cùng, nên có vài từ khác đi. Ví dụ trong Huyền thoại mẹ, khi bản viết tay khác với bản lưu hành (mẹ chìm dưới cơn mưa/mẹ ngồi với cơn mưa, hoặc xóa sạch vết chân thù/quân thù); hay như bài Ướt mica sĩ Thanh Thúy hát là bản lần đầu, sau đó ông sửa vài nốt (khác nốt nhạc ở chữ “rớt rơi” trong câu “còn buồn khi lá rớt rơi trong ngày cuối đông”)... Do đó khi vào phim, tùy bài hát mà Đức Trí cân nhắc chọn cho phù hợp và ý nghĩa hơn, dù tất cả đều do chính ông Trịnh Công Sơn viết tay (chẳng hạn trong Em và Trịnh, Ướt mi đã được hát như bản phổ biến hơn mà mọi người nghe chứ không phải bản của Thanh Thúy hát).

“Tôi nói điều này để thấy, anh Sơn là người rất trọng con chữ, để tâm nhiều đến con chữ. Có lẽ cũng vì vậy nên anh rất hay thay đổi - chọn chữ không theo cách thông thường. Và cũng bởi thế làm cho người hát dễ nhầm lẫn và… tự sửa”, Đức Trí chia sẻ. Anh ví dụ câu “mặt đất ưu tư đã mở nụ cười” (ca khúc Ta thấy gì đêm nay), mới là câu đúng từ bản gốc, nhưng nhiều người tưởng “nở nụ cười” và hát như vậy. Anh cho biết: “Cô Khánh Ly cũng hay nói, nhạc ông Sơn, ai hát sai lời thì thông cảm cho họ, vì ngay cả cô cũng vậy, vì dễ bị nhầm, vì ông thay đổi lời theo cách không dễ hiểu, không theo ngôn ngữ thông thường. Ngay cả chính tôi cũng không chắc trong tất cả bài hát đó, có từ nào có nhầm lẫn gì không. Ca từ của Trịnh Công Sơn là câu chuyện thú vị!”.

Để nhạc Trịnh vang lên thuần khiết

Theo Đức Trí, “Sinh thời, anh Sơn là thế hệ đàn anh, tôi thuộc lứa nhạc công nhỏ - rất nhỏ tuổi đánh đàn ở quán anh Sơn. Dù đêm nào cũng chơi đàn ở quán nhưng không có nhiều cơ hội để được ngồi cùng nói chuyện. Nên cái nhìn của tôi với anh Sơn như đối với một người đàn anh. Hơn nữa, những người bạn của tôi thời đó như Tam ca Áo Trắng hay Hồng Nhung… rất thân và khá gần gũi với anh Sơn, nên chúng tôi đều biết con người và nhân cách anh Sơn - không khác gì những người hâm mộ từng biết anh”.

Các bản nhạc chép tay trong phim phần lớn do nhạc sĩ Đức Trí viết

ĐPCC

Do đó, khi đoàn phim mời Đức Trí, ngoài việc Trí dày dạn kinh nghiệm làm nhạc phim, có một điều nữa, chính là “nhà sản xuất biết tôi từng làm ở quán anh Sơn và tiếp xúc nhiều với anh. Tôi nghĩ rằng những gì tôi được biết về anh từ lúc còn trẻ đã được tôi gửi gắm trong âm nhạc của phim khá nhiều, đó là sự không phô trương trong cách phối nhạc, để âm nhạc của Trịnh Công Sơn vang lên thuần khiết”, anh thổ lộ. “Anh Sơn là người không khoe khoang, và âm nhạc của anh cũng như thế. Đó là yếu tố mấu chốt khi sản xuất âm nhạc cho bộ phim này”, Đức Trí nói.

Gần 2 năm đồng hành cùng Em và Trịnh, từ ngày nhận kịch bản cho đến khi ra album nhạc phim Vol.1 (Universal Music Vietnam vừa phát hành), nhạc sĩ Đức Trí cho rằng, anh nghiệm ra một điều: “chỉ khi tâm hồn mình trong sáng thì nhìn bất cứ điều gì cũng thấy đẹp, và ngược lại. Một người có trái tim thuần khiết thường sẽ nhìn thấy những cái đẹp nhiều hơn. Và khi đó ta cũng sẵn sàng bỏ qua những vết gợn, xem nó không còn quan trọng nữa”. Bên cạnh đó, theo anh, “vì âm nhạc Trịnh Công Sơn quá trong suốt và thuần khiết để không có gì có thể che được, nên dù cho không phải tôi, dù cho phim chưa hoàn toàn như mong muốn của nhiều người, thì vẫn không che được vẻ đẹp ấy trong âm nhạc của ông. Và khán giả đến với bộ phim vì yêu Trịnh Công Sơn, yêu âm nhạc của ông chứ không phải vì bất cứ điều gì khác”.

Cho đến nay, vẫn có không ít người “lăn tăn”: có nên đi xem phim Em và Trịnh hay không. Trước ý nghĩ này, nhạc sĩ Đức Trí nói vui rằng: “Những ai đến xem sẽ được chứ không mất gì cả, được ở sự truyền cảm hứng từ cuộc sống, con người và tác phẩm Trịnh Công Sơn mang lại, và xem xong sẽ thấy yêu nhạc hơn, yêu cuộc đời này hơn...”.

Hát thật và đàn thật

Trong Em và Trịnh, tất cả các diễn viên đều phải “qua tay tôi”, được tập dượt rất kỹ phần âm nhạc. Bên cạnh 2 ca sĩ Bùi Lan Hương hay Avin Lu hoặc người có khả năng ca hát như Nakatani Akari, tôi cũng băn khoăn làm sao để các diễn viên đều hát được. Nhà sản xuất đã làm tốt khâu này khi cho tôi thời gian tập cho từng người, tuy cực nhưng khi vào phim dễ dàng và có hiệu quả.

Thực tế chưa ai thấy Trịnh Công Sơn đàn piano, nhưng trong phim có 2 đoạn nhân vật đàn (trong buổi biểu diễn và lúc ngồi với Michiko), nên anh Trần Lực phải tập đàn để đánh piano thật chứ không thu tiếng đàn sẵn để đem ra hiện trường nhép được. Tất cả những cảnh đàn và hát thật trong phim đều thâu thật 100%.

Nhạc sĩ Đức Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.