Chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên: Nối dài nỗi nhớ Hà Nội - Sài Gòn

29/04/2015 12:54 GMT+7

(TNO) Ngày 31.12.1976, 2 con tàu mang tên Thống Nhất xuất phát tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn, bắt đầu hành trình nối liền Bắc - Nam đầu tiên. 40 năm qua, trong tâm khảm những người từng vinh dự được là đại biểu hoặc làm việc trên con tàu đó vẫn rung động khi nhớ lại.

(TNO) Ngày 31.12.1976, 2 con tàu mang tên Thống Nhất xuất phát tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn, đã nối liền Bắc - Nam bằng đường sắt. 40 năm qua, trong tâm khảm những người từng vinh dự được là đại biểu hoặc làm việc trên con tàu đó vẫn rung động khi nhớ lại.

Đoàn tàu Thống Nhất xuất phát từ Hà Nội vào tới TP.HCM ngày 4.1.1977 - Ảnh: Cẩm Giang chụp lại ảnh tư liệu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
Chuyến đi bất ngờ của một đại biểu
Ông Nguyễn Minh Quang, sinh năm 1943, nguyên là Đại đội phó tự vệ, Tiểu đoàn tự vệ đường sắt thuộc Tổng cục Đường sắt nhận lệnh lên chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên chỉ trước giờ tàu lăn bánh vài giờ đồng hồ. Trong chiến dịch khai thông tuyến đường sắt huyết mạch Bắc - Nam, đại đội của ông được giao nhiệm vụ đào hố móng, khôi phục đường sắt từ cầu Tiên An qua sông Bến Hải đến Quảng Trị. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ông Quang được trao danh hiệu dũng sĩ Bình Trị Thiên. Thành tích này cũng giúp ông Quang may mắn được chọn là 1 trong 20 đại biểu ngành đường sắt được ngồi trên con tàu lịch sử năm 1976.
Nói về giai đoạn lịch sử khôi phục tuyến đường sắt Bắc - Nam, ông Đoàn Duy Hoạch, cựu học sinh trường Trung cấp đường sắt, nay là Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chia sẻ với phóng viên Thanh Niên Online: “Tôi không có vinh dự được tham gia cùng thế hệ anh chị thanh niên xung phong làm nhiệm vụ, nhưng sau những buổi học được giao lưu cùng các anh chị, nghe những bài hát họ hát trên công trường, những tấm gương anh dũng hy sinh, tôi thấy khâm phục vô cùng…”.
Ông Nguyễn Minh Quang kể lại chuyến đi bất ngờ 40 năm trước - Ảnh: Cẩm Giangchuyen-tau-thong-nhat-dau-tien-noi-Ha-Noi-Sai-GonLao lắp cầu Tiên An năm 1976 - Ảnh: Cẩm Giang chụp lại từ tư liệu Tổng công ty Đường sắt Việt Namchuyen-tau-thong-nhat-dau-tien-noi-Ha-Noi-Sai-GonBộ đội binh đoàn Trường Sơn tham gia khôi phục đường sắt Bắc - Nam năm 1976 - Ảnh: Cẩm Giang chụp lại tư liệu Tổng công ty Đường sắt Việt Namchuyen-tau-thong-nhat-dau-tien-noi-Ha-Noi-Sai-GonĐoàn văn công tại chỗ phục vụ những chiến sĩ tham gia khôi phục tuyến đường sắt Bắc Nam năm 1976 - Ảnh: Cẩm Giang chụp lại tư liệu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
Sáng 31.12.1976, từ ga Hà Nội, con tàu chở hơn 200 đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ các ngành… lăn bánh. Đoàn tàu xuất phát từ Hà Nội có 6 toa, 4 toa giường nằm, 1 toa cung ứng, bảo vệ, 1 toa hành lý. Tàu chỉ chạy ban ngày, nghỉ buổi tối để đảm bảo an toàn. Nếu như bây giờ, các chuyến tàu Bắc - Nam có thể chạy trong vòng 32 giờ đồng hồ thì ngày đó, mất 80 tiếng để tàu vào tới ga Sài Gòn.
Người trang hoàng đầu máy 121
Đón chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên nối liền 2 miền đất nước là một sự kiện trọng đại, bất kể ai được giao một nhiệm vụ đều là sự vinh dự và trách nhiệm lớn lao. Ngày đầu năm mới năm 1977, ông Trần Văn Nhờ, cán bộ ban thi đua, Xí nghiệp đầu máy Hà Nội nhận trọng trách trang trí đầu máy tàu 121 đặt tại Nam Định để kéo đoàn tàu Thống Nhất đầu tiên về Thủ đô.
“Về đến Nam Định là xâm xẩm tối 3.1.1977. Tôi và một anh nữa trong ban thi đua xếp hàng để lấy mỗi anh em một xuất cơm tiêu chuẩn. Cảm giác cơm vừa rơi xuống dạ dày đã thấy đói. Những cọng rau dai nhách, cố nuốt mãi nhưng cứ chực chờ đến cổ họng lại muốn trôi ra”, ông Nhờ hồi tưởng.
Đến bây giờ, ông Trần Văn Nhờ vẫn nhớ như in chiếc giường ông và người đồng nghiệp nằm ngủ năm xưa ở ga Nam Định, chờ trời sáng để làm nhiệm vụ. "Giát giường gẫy lung tung. Chiếc chiếu anh em nằm cũng tả tơi. Chiếc chăn chỉ còn vỏ, một ít bông ở ruột chăn xô lệch lung tung. Áo mình đã mỏng manh. Đêm Nam Định mưa tầm tã, cuộn chăn bên này nó lại lệch bên kia, gió cứ lùa từ gầm giường lên người, lạnh thấu xương", ông Nhờ nhớ lại.
Cả đêm ông Trần Văn Nhờ không ngủ được, phần vì đói, phần vì rét, lại lo lắng thấp thỏm đến nhiệm vụ sáng mai. Đúng 3 giờ, ông và người đồng nghiệp bật dậy, bắt đầu việc trang hoàng đầu máy. Ông nhờ khoác một mảnh vải nhựa, nhưng nước mưa và gió rét cứ xuyên qua da thịt, đồ đạc liên tiếp rơi xuống sân ga vì tay ai cũng cứng đờ, không còn một cảm giác.
chuyen-tau-thong-nhat-dau-tien-noi-Ha-Noi-Sai-GonÔng Trần Văn Nhờ, người trang hoàng đầu máy 121 - Ảnh: Cẩm Giangchuyen-tau-thong-nhat-dau-tien-noi-Ha-Noi-Sai-GonÔng Trần Văn Nhờ mở chiếc hòm đựng bột màu năm xưa dùng để vẽ ảnh Bác, trang hoàng đầu máy 121 - Ảnh: Cẩm Giang
Ông Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1949 lúc đó đang là đội trưởng đội lái tàu, Xí nghiệp đầu máy Hà Nội, người tài xế của đầu máy 121 nhìn thương quá, phải chạy đến quấn những mảnh giẻ lại làm thành một ngọn đuốc, hơ tay cho các anh em. Cứ thế, những lá cờ được buộc lên, phấp phới bay trong mưa gió lạnh. Ảnh Bác Hồ cũng được buộc rất cẩn thận và được tính toán kỹ lưỡng sức gió cản, làm sao để đến khi về tới ga Hà Nội, những vật dụng trang trí phải còn chắc chắn.
5 giờ sáng 4.1.1977, đầu máy được trang hoàng xong. Trên sân ga, ông Nhờ, ông Thành người ướt sũng, da tím tái, răng va vào nhau lập cập, phần vì lạnh, phần vì hồi hộp, thấp thỏm. Cả đêm qua, họ được ngủ chưa đầy 2 giờ đồng hồ. Trưa 4.1, đầu máy 121 kéo tàu TN 1976 về ga Hà Nội an toàn, những lá cờ tuy bị gió thổi không còn lành lặn nhưng màu đỏ chói vẫn tung bay trong gió đông. Đầu ga Sài Gòn, tàu Thống Nhất vừa tới ga đã gặp một rừng cờ hoa của đại biểu, nhân dân chào đón.
Nối dài những nỗi nhớ
Vài năm nữa, ông Trần Văn Nhờ sẽ về hưu. Người cán bộ thi đua năm nào bây giờ có máy vi tính để làm việc, không còn cảnh căm căm làm việc trong gió bấc, nhưng chuyến tàu mùa đông năm 1976 vẫn ăn sâu trong tâm khảm. Ngày đó, một tấm ảnh Bác kích thước 1m x 1,4m để trang trí đầu tàu phải vẽ trong 4 ngày. Bột màu vẽ phải có công văn mới mua được, mỗi lần vài lạng, mua xong phải xin bột mỳ đất (bột mỳ được tận dụng, lẫn đất cát dưới sàn nhà) để khuấy lên, trộn lại làm hồ vẽ.
Còn với ông Nguyễn Minh Quang, chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên để lại những dấu ấn với Sài Gòn. Đó là hình ảnh các học sinh mặc áo trắng, cổ mang khăn quàng đỏ, thấy người lớn đều khoanh tay, cúi đầu chào lễ phép. Đó là những thanh niên đạp xích lô đều còn rất trẻ, nói tiếng Anh giỏi, hiểu biết rộng về xã hội...
chuyen-tau-thong-nhat-dau-tien-noi-Ha-Noi-Sai-GonNhân dân thành phố Huế khôi phục tuyến đường sắt Bắc - Nam năm 1976  - Ảnh: Cẩm Giang chụp từ tư liệu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
chuyen-tau-thong-nhat-dau-tien-noi-Ha-Noi-Sai-GonLễ đón đoàn tàu Thống Nhất ngày 4.1.1977 - Ảnh: Cẩm Giang chụp từ tư liệu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
Mỗi người được phát 50 đồng trong những ngày ở thành phố. Mọi người ít ai dám tiêu gì cho riêng mình, ai cũng để dành mua quà về Hà Nội, trong đó không thể thiếu chiếc khung xe đạp và con búp bê nhựa nhắm mắt mở mắt. “Tôi vẫn nhớ rất rõ khuôn mặt hân hoan của những người cha trước ngày lên đường, hình dung 80 tiếng sau những con búp bê đến tay con gái. Họ gói ghém, cất rất kỹ con búp bê vào balô như sợ món quà thiêng liêng ấy bỗng nhiên rơi lại”, ông Quang chia sẻ.
Ông Quang mua một chiếc quạt trần, đến nay ông vẫn nhớ tên hiệu là Marelli, một hãng của Ý. Chiếc quạt đi qua bao nhiêu mùa hè của Hà Nội, đến mãi sau này nhiều lần sửa chữa nhà cửa, ông mới tháo ra, chiếc quạt lưu lạc mất.
Sau chuyến tàu Thống Nhất đầu tiên, sau này cả ông Quang, ông Nhờ và những người có vinh dự gắn bó với con tàu có nhiều dịp trở lại Sài Gòn, bằng tàu hỏa, bằng máy bay, nhưng những thanh âm của tiếng còi tàu giữa trời đông Hà Nội ngày cuối cùng năm 1976, những vạt nắng vàng giữa Sài Gòn ngày họ đặt chân xuống phương Nam trở thành những kỷ niệm bồi hồi.
Không đơn thuần chỉ là nối liền dải đất Bắc Nam, với nhiều thế hệ người Việt Nam, tàu Thống Nhất nối cả trời thương nhớ Hà Nội - Sài Gòn, dù bao nhiêu năm tháng nữa, tình yêu đó vẫn còn trọn vẹn.
Ngày 14.11.1975, Chính phủ quyết định khẩn trương khôi phục tuyến đường sắt Bắc - Nam nối liền thủ đô Hà Nội với TP.HCM. Hơn 1 năm làm việc không ngừng nghỉ, hơn 6 vạn cán bộ, công nhân, bộ đội, nhân dân dọc tuyến đường sắt nối lại được tuyến đường sắt dài 1.730 km.
Ngày 31.12.1976, 2 con tàu mang tên Thống Nhất xuất phát tại ga Hà Nội và ga Sài Gòn, nối liền Bắc - Nam. Tên gọi Thống Nhất ra đời từ chính ước mơ non sông liền một dải, không còn phân ly, không còn chia cắt của dân tộc nay đã thành sự thật.
Sau gần 80 giờ lăn bánh, ngày 4.1.1977, cả hai con tàu đã tới đích trong nụ cười, nước mắt của hàng vạn đồng bào, hoàn thành sứ mệnh khai thông tuyến đường sắt Bắc - Nam đầu tiên sau ngày nước nhà chia cắt, trở thành một thời khắc không bao giờ quên trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.