Chuyện quanh quanh Dâm Đàm: Sâm cầm và chuyện 'đít Lý Râu, đầu Án Cộng'

04/03/2020 06:31 GMT+7

Hồ Tây xưa có một loại chim trời quý hiếm là sâm cầm. Ðời Lê, sâm cầm được xếp vào một trong tám tuyệt cảnh du ngoạn trên hồ.

“Tây Hồ bát cảnh” của người kinh thành khi đó gồm: rừng trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái, tượng Phật say làng Thụy, đàn thề Ðồng Cổ, chợ đêm Khán Xuân, tiếng đàn hành cung, sâm cầm rợp bóng, hồng hoa Nghi Tàm.
Sâm cầm là một loại chim di thực. Không biết gốc ở đâu, chỉ biết cứ đến mùa đông là chúng từ phương Bắc bay về. Trên chặng đường di thực, trước đêm về đến hồ Tây, chúng thường sà xuống khu đầm lầy dày đặc ở vùng ngã ba sông Hồng - sông Thao - sông Lô, rồi mới về hồ Tây và ở lại kiếm ăn trong suốt mùa đông, sau đó lại bay trở về phương Bắc.
Thời Nguyễn, dân làng Xuân La, Trích Sài và Nghi Tàm đều có người bẫy sâm cầm mang bán nhưng Nghi Tàm nổi tiếng hơn cả về tài đặt bẫy và số lượng chim bắt được. Dân làng này căng những tấm lưới lớn trên không và cả dưới đáy hồ ở những chỗ nước sâu vừa phải, rồi dùng một con sâm cầm làm mồi dụ cả đàn ùa vào. Khi đàn sâm cầm đã vào khu vực giăng lưới thì họ ập cả lưới trên, lưới dưới nước lại. Con bay lên thì dính lưới trên, con lặn xuống thì dính lưới dưới, chỉ có những con ở mép lưới mới may ra thoát. Sâm cầm bắt được mang bán ở chợ Bưởi và các chợ trong phố.
Người ta đồn đại chim này bổ dưỡng nên nhiều người mua buôn mang đi bán ở các nơi. Chuyện thịt sâm cầm bổ dưỡng đến tai vua và thế là các vua Nguyễn bắt dân Nghi Tàm hằng năm phải tiến vua. Quan huyện Vĩnh Thuận kém miếng khó chịu cũng bắt dân Nghi Tàm phải biếu mình. Bắt sâm cầm không dễ, bắt được bao nhiêu lại phải cúng tiến hết nên lý trưởng Nghi Tàm là Lý Râu (còn gọi là Lý Chắm, tên tục của ông là Nguyễn Hữu Khang) thương dân đã làm đơn kêu lên vua xin bỏ lệ cho làng. Trong quá trình lên huyện, lên phủ, Lý Râu bị quan trên xử tội đánh vì dám chống lệnh vua và quan nên dân gian mới có câu: “Ðít Lý Râu, đầu Án Cộng” (Án Cộng cũng là người làng Nghi Tàm, ông này có thói trăng hoa nên thường bị vợ túm tóc ấn đầu xuống đất đánh ghen). Dù nhiều lần gửi đơn và trực tiếp thưa các quan nhưng tất cả đều không được chấp thuận, dân Nghi Tàm vẫn phải tuân đúng lệ. Biết Bà Huyện Thanh Quan, vốn là người làng Nghi Tàm, đang dạy học ở Huế, Lý Râu đã cậy cục nhờ bà kêu hộ dân. Cuối cùng vua Tự Ðức cũng nghe theo, ra lệnh bãi bỏ lệ vào năm 1870.
Trong một chuyến ra Hà Nội dịp thu năm 1985, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thăm thú nhiều nơi trong đó có hồ Tây. Khung cảnh mùa thu Hà Nội là cảm hứng để ông sáng tác Nhớ mùa thu Hà Nội, bài hát có câu “Bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”. Như vậy, có lẽ những năm 1980 hồ Tây vẫn còn sâm cầm. Năm 1996, khi đó tôi đang làm ở báo Hà Nội mới, lên hồ Tây viết bài điều tra về nạn lấn chiếm đất quanh hồ, trong nhiều ngày lênh đênh trên thuyền, tôi không thấy bóng dáng sâm cầm đâu. Anh Hùng, lái thuyền chở tôi, là người của Công ty khai thác thủy sản hồ Tây, nói rằng lần cuối anh nhìn thấy sâm cầm là năm 1994. Nước hồ thay đổi, thủy sinh làm mồi không còn, sâm cầm đã vắng bóng trên mặt nước hồ Tây.
(còn tiếp)
(Lược trích từ Chuyện quanh quanh Dâm Đàm, NXB Trẻ)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.