Chuyện nhậu 'kỳ thú' ở Thái Lan

18/09/2016 15:19 GMT+7

Uống bia phải coi ngày; mồi là tép sống, kiến lửa; nhậu vỉa hè nhưng đi vệ sinh “sang chảnh”... Đó là vài điều “lạ” khi nhậu ở Thái Lan.

Đến VN, một trong những điều đầu tiên đập vào mắt du khách là nhậu. Từ nhà hàng sang trọng cho đến quán bình dân vỉa hè, cứ chiều chiều là khắp nơi “1, 2, 3, dzô…ô..ô”. Thế mà chỉ cách VN chưa đến 2 giờ bay, nhậu ở Thái Lan lại có phong vị khác hẳn.
“Ba bánh trúng số”
Một số “quy tắc”
Đi nhậu với người Thái, nếu không muốn bị “việt vị” thì phải biết một số “quy tắc” cơ bản. Thí dụ, khi rót bia không được để lòng bàn tay ngửa lên trên hoặc hướng ra trước, vì đó là cách rót cho... người chết. Đối với dân trí thức, họ còn để ý đến cách đặt muỗng, đũa. Nếu úp muỗng nghĩa là không muốn ăn thêm. Nếu người mời mà vô tình úp muỗng, điều đó có nghĩa là không muốn cho người được mời ăn nữa.
Nếu như ở VN ăn nhậu khá ồn ào, lúc nào cũng cụng ly côm cốp “1, 2, 3 dzô!” thì người Thái ngược lại, họ uống rất im lặng. Khi muốn mời ai đó, họ chỉ nâng ly lên cao rồi mỉm cười cụng nhẹ ly một lần, sau đó không cụng nữa. Ngoài ra, vị trí của khách mời danh dự thường là giữa bàn chứ không ngồi đầu bàn như VN. Khi nhậu, tuyệt đối không gõ bát đũa vì sẽ “gọi hồn ma đói đến”.
Hồi tôi mới sang, Akorn, anh bạn người Thái gốc Việt, rủ đi nhậu. Lần đó tôi đến trễ, theo thói quen ở VN không cần ai nói, tôi tự giác “chịu phạt vào 3 ra 7”, rót đầy 3 ly rồi uống cạn. Xong “thủ tục”, tôi khà một tiếng, cười phớ lớ.
Một người bạn Thái buột miệng trêu: “Xảm ló thuộc hủi”. Thấy tôi có vẻ chưa hiểu, anh cười giải thích: “Người Thái thường không ép uống bia rượu và cũng uống chậm, từng chút một. Khi thấy ai nốc cạn ly mà uống tới tấp, người Thái gọi là “xảm ló thuộc hủi” (ba bánh trúng số), tức là giống dân đạp xe ba bánh (dân lao động tay chân) mới trúng số nên uống như chết khát”.
Biết tôi mới sang, cả bàn gọi toàn “mồi độc” của người Thái. Món “kung tên” (tép nhảy) là tép sống trộn với xả, lá chanh Thái, ớt. Khi đưa vào miệng nhai tép vẫn còn nhảy lách tách.
Hoặc món “kung chae nám pla” (tôm sống rưới nước mắm), nghe có vẻ “ghê” nhưng ăn rất ngon, không tanh chút nào. Đặc biệt có món “láp mốt đeng” (kiến lửa và trứng kiến trộn). Do kiến ăn lá xoài nên có vị chua, kết hợp với vị bùi bùi của trứng sẽ cho cảm giác rất khó quên.
Nguyễn Long Hải, một người VN buôn bán ở Bangkok gần 10 năm, kể hồi ở VN mỗi lần đi nhậu thường bị “chửi” vì uống thì ít mà “phá mồi” thì nhiều. Qua tới Thái mới thấy mình cũng chỉ thuộc dạng “tép riu”. Người Thái khi nhậu, ngồi vào bàn là ăn trước rồi mới uống và đặc biệt là “rất phá mồi”. “Dân nhậu lai rai ở VN chỉ cần mấy trái cóc, mấy con khô nhỏ là có thể ngồi cả buổi. Cỡ đó gặp dân nhậu Thái thì cóc, cá hết sạch mà bia chắc chưa đụng đến”, anh nói.
Nếu ở VN hàng quán rải khắp hang cùng ngõ hẻm thì ở Bangkok hàng ăn uống, quán nhậu vỉa hè thường tập trung thành từng khu như Yaowarat (phố Tàu), Huai Khuang, Pratunam… Khu Huai Khuang có một quán nhậu vỉa hè khá đông khách không phải vì đồ ăn quá ngon mà vì quán này có riêng cả một nhà vệ sinh di động “sang chảnh”, sơn xanh đỏ rất bắt mắt. Tuy thật ra đó chỉ là một cái thùng xe “độ” lại nhưng bên trong rất sạch sẽ, bật nhạc nhè nhẹ, có gắn quạt, trên nóc trổ cửa cho thoáng khí. Mấy anh đi “xả nước cứu thân”, mắt lim dim theo tiếng nhạc du dương vừa huýt sáo líu lo có vẻ yêu đời lắm.
Nhà vệ sinh lưu động “sang chảnh” trong quán nhậu lề đường ở Thái Ảnh: Nguyễn Tập

Đi nhậu phải “coi ngày”
Dân nhậu quốc tế muốn đến Thái Lan cũng nên xem ngày. Vào những dịp lễ lớn trong năm như Phật đản, ngày sinh nhật vua, ngày bầu cử…, nơi đây cấm bán thức uống có cồn trong 48 tiếng. Ở đất nước có 95% dân số theo đạo Phật này, mùa an cư kiết hạ (từ tháng 7 đến tháng 10), toàn quốc cũng cấm rượu bia 2 ngày và còn kêu gọi mọi người ngưng rượu bia trong suốt mùa. Những ngày này, các hàng quán tuyệt đối chấp hành, lúc đó nếu lỡ đi nhậu gần như cầm chắc uống… nước ngọt. Tôi ở Thái 2 năm mà thỉnh thoảng vẫn quên và phải “chấp nhận số phận”. “Cũng vì những quy định như vậy, nên vào trước những đợt cấm, dân nhậu nào cũng mua trữ sẵn bia rượu đầy nhà”, Kongpol Visuttipat, nhân viên Cục Quan hệ công chúng, cho biết.
Cạnh đó, rượu, bia ở Thái chỉ được bán từ 11 - 14 giờ và 17 - 24 giờ mỗi ngày. Ngoài thời gian đó khó lòng mua được. Có lần bạn sang Thái chơi, đến hơi khuya nên khi tôi chạy ra cửa hàng tiện lợi gần nhà để mua bia thì vừa bước sang nửa đêm. Dù chỉ trễ 3 phút và năn nỉ gãy lưỡi để được mua bia, nhưng cô nhân viên chỉ cười lịch sự nói xin lỗi và... cương quyết không bán. “Ở các cửa hàng tiện lợi như Seven Eleven, Family mart..., mỗi đồ bán ra, khi tính tiền đều được tự động lưu vào hệ thống. Nếu phát hiện vi phạm, cửa hàng đó sẽ bị phạt rất nặng. Muốn mua vào giờ cấm chỉ còn cách kiếm xe hàng rong hoặc tiệm tạp hóa của người dân bán mà không kết nối máy tính khi tính tiền thì may ra”, cô nhân viên bày cách. Biết vậy, nhưng ở Thái, nhất là Bangkok, những tiệm tạp hóa gia đình như vậy rất ít.
“Mồi độc” tép sống trộn
Không chỉ vậy, Thái Lan còn cấm uống rượu bia ở những nơi linh thiêng như đền, chùa cũng như văn phòng công cộng, cơ sở giáo dục, hiệu thuốc, công viên, trạm xăng... Người vi phạm có thể bị phạt đến 6 tháng tù và 10.000 baht (khoảng 6,5 triệu đồng). Ngoài ra, những người dưới 20 tuổi mua rượu bia có thể bị bắt (dù hiếm).
Một dạo, cách đây mấy năm chủ tiệm nào bán những giỏ quà biếu mừng năm mới trong đó có rượu có thể sẽ bị phạt đến 6 tháng tù vì việc này chẳng khác gì ép khách hàng phải mua rượu. Ngoài ra, các cửa hàng có một góc riêng được trang trí nổi bật để quảng cáo rượu bia cũng có thể bị phạt đến 500.000 baht (khoảng 320 triệu đồng) và 1 năm tù.
Thái Lan siết bia, rượu
Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Thái Lan năm 2014, trong 6 triệu thanh niên Thái từ 19 - 24 tuổi, hơn 13% nghiện bia rượu nặng. Tại Bangkok, xung quanh các trường học có rất nhiều quán bán bia rượu, khiến sinh viên thường xuyên say xỉn. Để hạn chế, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha phê chuẩn việc sửa đổi đạo luật Kiểm soát rượu. Từ tháng 8.2015, Thái Lan bắt đầu cấm các quán bar, cửa hàng tiện lợi bán đồ uống có cồn trong bán kính 300 m xung quanh các trường cao đẳng, đại học, ký túc xá. Thỉnh thoảng, cảnh sát Thái lại tổ chức kiểm tra, quán nào bán đồ uống có cồn cho khách dưới 20 tuổi sẽ bị rút giấy phép kinh doanh hoặc buộc đóng cửa trong 5 năm.
Mặc dù theo thống kê sơ bộ của đại diện 3.400 doanh nghiệp Thái Lan, quy định này có thể làm 125.000 người mất việc làm nhưng chính quyền Bangkok vẫn cương quyết thực hiện nhằm thúc đẩy lối sống lành mạnh, giảm bớt vấn đề liên quan rượu, bia gồm cả quan hệ tình dục trước tuổi vị thành niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.