Có một người nói: “Ai trong nghề báo mà không biết nhà báo Huỳnh Dũng Nhân thì chưa phải là nhà báo”. Rồi, thật may mắn tôi lại được học môn phóng sự của thầy giảng, khi tốt nghiệp lại được làm chung cơ quan với thầy, được tác nghiệp chung với thầy nhiều lần.

Thầy là một cây bút phóng sự xã hội nổi tiếng trong làng báo Việt Nam. Thầy còn là nhà văn, nhà thơ với 30 đầu sách, là họa sĩ nghiệp dư với… 3 cuộc triển lãm…; là thầy dạy môn phóng sự của hàng ngàn sinh viên (SV) báo chí.

Năm 1990, thầy từ báo Tuổi Trẻ đầu quân cho báo Lao Động, rồi về làm Phó chủ tịch Hội nhà báo TP.HCM, Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo, đồng thời tham gia giảng dạy ở nhiều khoa báo chí trong cả nước. Thầy hoạt động nhiều, tham gia các lĩnh vực khác nhau, tính cách thầy hiền lành; văn, thơ, nhạc, họa, bóng bàn… mỗi thứ đều “trên trung bình” (lời của thầy Huỳnh Dũng Nhân - PV).

Thầy đã là một trong những người đầu tiên chui xuống hầm lò Mông Dương sâu cả trăm mét và được coi như mở đầu cho “trường phái” phóng sự nhập cuộc sau này. Đây cũng là phóng sự dấn thân đầu tiên mang phong cách Huỳnh Dũng Nhân: đời thường, gần gũi nhưng nhân văn, có giá trị thông tin.

Ít ai biết rằng, thầy đã trở thành người bạn thân thiết nhất của một khu điều dưỡng thương binh nặng sau khi viết phóng sự Vết xe lăn trên cát Long Hải. Suốt 30 năm sau khi viết bài báo đầu tiên ấy, thầy đã cùng đồng nghiệp tổ chức hàng trăm chuyến đi thăm, tặng quà, biểu diễn văn nghệ phục vụ thương binh, đến nỗi anh chị em thương binh coi thầy như người nhà.

Bằng xe máy, thầy Huỳnh Dũng Nhân đã thực hiện hai chuyến đi xuyên Việt. Và mới đây, sau một năm bị bệnh tai biến, thầy vẫn ra mắt hai cuốn sách, thầy vẫn lại tiếp tục thực hiện chương trình Xin một tuổi, dành riêng một năm đi thăm lại những nơi mình đã sinh sống và làm việc, gặp lại những bạn bè thân thiết, và trong mấy tháng gần đây, thầy đã đi được 13 tỉnh, thành.

Mỗi lần gặp lại, SV báo chí đều ôn lại kỷ niệm về thầy và tự hào là học trò của thầy. SV báo chí nói chung đều rất thân thiết gần gũi với thầy. Ngày thầy mới vào lớp dạy, có mấy bạn còn chụm đầu nói nhỏ: “Thầy này đẹp trai nhưng… hơi lùn”. Có bạn còn nghịch ngợm nhảy lên trên bục giảng đo chiều cao với thầy. Nhưng khi thầy dạy vài buổi thì có bạn thốt lên: “Thầy như rút ruột ra mà nói với lớp vậy”. Giọng thầy ấm, truyền cảm, hùng biện.

Nhưng điều cuối cùng đọng lại ở thầy là những kiến thức nghề nghiệp ngồn ngộn và ngọn lửa tình yêu nghề nghiệp của thầy. Các SV khoa văn cũng thỉnh thoảng sang học ké môn phóng sự của thầy. Có chị lao công ở trường nói với chúng tôi : “Ông thầy này dạy hay quá! Chị toàn nép ngoài giảng đường nghe ké”.

Là cây bút đi như điên, viết như say, làm việc như phát cuồng, thế nhưng thầy là người sống tình cảm, nhẹ nhàng, coi ai cũng đều là bạn, mọi vấn đề đặt ra - với thầy đều không quá phức tạp. Nhiều SV cho biết thầy thỉnh thoảng lại bí mật giúp đỡ tiền bạc cho một vài bạn SV gặp khó khăn. Thầy ra sách mới là tặng SV hoặc bán nửa giá bìa cho SV. Còn việc thầy tận tâm, tận tụy với việc hướng dẫn khóa luận, giúp đỡ làm bài tập, xin việc làm cho SV khi tốt nghiệp… thì có lẽ không kể hết. Có bạn SV kể, thời đi thực tập, bạn gần như sống bằng nhuận bút từ tờ báo mà thầy làm tổng biên tập, có một phần là nhờ được thầy ưu ái giúp đỡ.

Thầy Huỳnh Dũng Nhân trong một lần đưa sinh viên đi thực tập tại Quảng Nam. ẢNH: T.L

Phải công bằng mà nói, chúng tôi không chỉ học thầy ở kiến thức, mà còn học thầy - và ít nhiều - bị ảnh hưởng với phong cách viết, tác phong tác nghiệp của thầy và nghị lực sống của thầy. Vì bọn SV thường kháo nhau rằng, trong các giảng viên thỉnh giảng, thì thầy Huỳnh Dũng Nhân có nhiều cái “nhất”, như: nhiều chức vụ nhất, đa tài nhất, nhiều tác phẩm nhất, vui tính nhất…

Một trong một tính cách tác nghiệp được chú ý của thầy là tính năng động, đi nhiều viết khỏe và… không biết sợ. Thầy Huỳnh Dũng Nhân tâm sự: “Tôi là một người có máu liều. Hồi còn là SV báo chí, tôi không biết gì về piano, nhưng tôi dám viết ngay một cuốn sách về một nghệ sĩ piano nổi tiếng vừa mới đoạt giải quốc tế”. Khi Hội nhà văn đề cử tôi ra ứng cử đại biểu HĐND TP.HCM (1999-2004), tôi cũng đã “liều mạng” nhận lời và chính thức trở thành đại biểu HĐND TP.HCM. Từ chuyện liều của mình, thầy khuyên: “Là SV báo chí thì hãy viết đi! Viết ngay từ trên ghế nhà trường. Nghề báo “vô sư, vô sách”, không ai dạy hết và cũng không ai học hết được. Nỗ lực cá nhân là rất cần thiết”. SV khoái thầy Huỳnh Dũng Nhân bởi thầy là người trực tiếp làm nghề mà đi dạy chứ không chỉ dạy lý thuyết mà thôi.

Những chia sẻ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân không chỉ là tâm sự hay câu chuyện; mà còn là những kỹ năng, kinh nghiệm của một người làm nghề nghiêm túc, lâu năm đã trải qua và đúc kết. Được học thầy, đi tác nghiệp cùng thầy, mới thấy ở con người nhỏ bé này có một năng lượng tích cực dồi dào. Đi nhiều, viết khỏe, săn ảnh bất cứ lúc nào, gặp gỡ đủ loại người khác nhau, đi không biết mỏi. Và đặc biệt thầy viết rất khỏe, rất nhanh.

Trong những ngày được làm việc cùng thầy, tôi luôn được thầy truyền thêm hai “bảo bối”, đó là tính hướng thiện và chất nhân văn trong cuộc sống. Điều đặc biệt mà SV báo chí chúng tôi ghi nhận ở thầy Huỳnh Dũng Nhân là luôn được viết, được đi, được làm những bài tập phóng sự đầy “chất đời”.

Thầy Huỳnh Dũng Nhân trong một lần dẫn sinh viên báo chí thực tập ở mũi Cà Mau. ẢNH: T.L

Thầy là người tôn trọng “cái tôi” trong nghề nghiệp. Ngay buổi học đầu tiên, thầy ra ra đề tài “Tôi trong mắt tôi” và giải thích: “Nếu không yêu mình, hiểu được mình, thì làm sao cảm nhận được chính những điều sâu lắng trong gia đình mình, cuộc sống người dân quanh mình…”.

Cứ thế, với những bài tập đầu tiên ấy, thầy trò chúng tôi ngày càng gần gũi, chan hòa và quý mến nhau ngay cả trên giảng đường hay ngoài cuộc sống.

Những chuyến đi thực tập với thầy, hầu hết là các chuyến đi tỉnh xa và cũng hầu hết, ở những nơi đầy gian khổ. Gần như chỉ học môn phóng sự của thầy chúng tôi mới có cơ hội đi xa. Mà mỗi chuyến đi, thầy cũng thường nhờ các mạnh thường quân giúp đỡ cho SV giảm chi phí ăn ở. Có mấy lần thầy còn mời các nhà báo nổi tiếng cùng đi để hướng dẫn thêm cho SV. Lớp thì đi thực tập tận mũi Cà Mau, lớp thì đi thực tế ở khu điều dưỡng thương binh nặng Long Hải, hoặc đi thăm các đơn vị hải quân, xe tăng, hay thực tập ở Vàm Sát nơi nổi tiếng với các trận đánh của bộ đội đặc công thời chống Mỹ. Thầy bảo: “Thực tập vừa cho kinh nghiệm nghề nghiệp, vừa để tôi luyện thêm tình yêu đất nước”.

Mỗi chuyến đi thực tập đều được SV báo chí đánh giá “bổ ích bằng ba bốn buổi ngồi trong lớp”, rất cần, rất hấp dẫn và rất bổ ích, rất nhiều chất “cây đời xanh tươi” để bổ sung cho phần lý thuyết “màu xám”.

Những chuyến đi thực tập với thầy Huỳnh Dũng Nhân, đều được sinh viên đánh giá “bổ ích bằng ba bốn buổi ngồi trong lớp”. ẢNH: T.L

Thầy kể: “Niềm vui của tôi là sau này đi công tác nơi đâu cũng gặp lại SV báo chí của mình. Nhiều em đã thành danh, thành đạt; nhiều em trở thành thạc sĩ, tiến sĩ, giảng viên khoa báo chí các trường đại học hay trở thành các nhà báo, nhà quản lý, doanh nghiệp, nghệ sĩ… Nhiều SV liên tục đoạt giải báo chí các thể loại”.

Trong nghề, thầy Huỳnh Dũng Nhân là một gương mặt thành đạt, không chỉ từng làm chức này chức nọ, từng là tổng biên tập mà còn được mời làm giám khảo các giải thưởng báo chí từ Nam chí Bắc và được mời làm giảng viên ngành báo chí ở nhiều trường đại học, được các báo đài tìm đến mỗi khi cần tìm người phỏng vấn.

Thầy Huỳnh Dũng Nhân tâm sự, niềm vui của thầy là đi công tác nơi đâu cũng gặp lại sinh viên báo chí của mình. ẢNH: T.L

Bây giờ, thầy Huỳnh Dũng Nhân đã nghỉ hưu, nhưng đã trót dính vào nghiệp cầm bút, nghiệp truyền lửa, thầy vẫn liên tiếp viết, lại lên đường. Thầy Huỳnh Dũng Nhân đã “rửa tay” nhưng chưa chắc đã chịu “gác kiếm”…

Báo Thanh Niên
19.11.2022

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.