'Chuyện một làng quê - Phong Nhất - Phong Nhị' có những gì?

06/09/2016 15:47 GMT+7

Triển lãm Chuyện một làng quê - Phong Nhất - Phong Nhị tại Hàn Quốc sắp tới dự kiến sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của độc giả.

Phải tới ngày 9.9, triển lãm tài liệu lưu trữ của phóng viên Hàn Quốc Koh Kyoung Tae mang tên Chuyện một làng quê - Phong Nhất - Phong Nhị mới diễn ra tại Art Link gallery (quận Jongno, TP.Seoul, Hàn Quốc) và kéo dài đến ngày 1.10, song đã thu hút nhiều sự quan tâm của độc giả trong và ngoài nước.
Với tên gọi Xin được thắp thêm một nén hương cho cây da dù, triển lãm Chuyện một làng quê - Phong Nhất - Phong Nhị là câu chuyện về những người đã nằm xuống, những người đã khóc, và cả những người còn ôm giữ ký ức ấy mà tiếp tục sống dưới bóng cây da dù.
Koh Kyoung Tae đã cầm những bức ảnh của hạ sĩ Vaughn (năm 1968, hạ sĩ J.Vaughn thuộc lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ), tìm đến ngôi làng và bước dần vào câu chuyện ngày ấy. Những bức ảnh đen trắng của hạ sĩ Vaughn đã được Koh Kyoung Tae chụp lại thành những bức ảnh màu. Nhiều người dân mãi đến lúc cầm trên tay những tấm hình ấy, họ mới muộn màng tìm lại được người thân, hàng xóm của mình. Và từ trong những tấm hình chụp của Koh Kyoung Tae, họ là người làm chứng cho sự kiện của ngày ấy.
Triển lãm tài liệu lưu trữ này bao gồm 3 bối cảnh chính: trước ngày ấy, ngày ấy, và sau ngày ấy. Thu thập về "Ngày ấy", rồi ghi chép về "Sau ngày ấy", Koh Kyoung Tae đã thắt một nút thắt thứ hai bằng chính cuộc triển lãm lần này.
Trong suốt 20 năm làm việc tại tòa soạn báo Hankyoreh, phóng viên Koh Kyoung Tae đã trải qua nhiều vị trí quan trọng như Tổng biên tập của tuần báo Hankyoreh21 và tạp chí điện ảnh Cine21, Hankyoreh ngày thứ 7. Ông là người đi đầu trong việc đăng tải loạt bài về những vụ thảm sát thường dân mà quân đội Hàn Quốc đã gây ra ở Việt Nam, cũng như phát động chiến dịch Thành thật xin lỗi Việt Nam trong xã hội Hàn Quốc trên tờ báo Hankyoreh21 từ tháng 5.1999 cho đến tháng 2.2003.
Từ tháng 5.2000 đến tháng 1.2016, ông đã tìm đến làng Phong Nhất - Phong Nhị tổng cộng 6 lần để thu thập thông tin, viết bài về cuộc thảm sát và viết thành cuốn sách tựa đề Ngày 12 tháng 2 năm 1968 (NXB Hankyoreh, 2015). Hiện ông là Phó tổng biên tập của báo Hankyoreh, đồng thời là ủy viên của Ủy ban xúc tiến thành lập Quỹ hòa bình Hàn-Việt.
Thanh Niên Online xin giới thiệu chùm ảnh và các tư liệu sẽ được trưng bày tại triển lãm Chuyện một làng quê - Phong Nhất - Phong Nhị sắp tới.
Một trong những nơi tìm thấy nhiều xác phụ nữ và trẻ em nhất của cuộc thảm sát
Cô Hà Thị Diên đang ôm con trai (Lê Đình Mận) thì bị bắn rồi ngã xuống. Chiếc áo cô mặc bị tốc lên, làm lộ ra bầu ngực căng sữa. Xác người ở phía trên là một người khác tên là Nguyễn Thị Thọ ẢNH: Hạ sĩ Vaughn
Ông Lê Đình Mực, một người con trai khác của bà Hà Thị Diên kể lại những ký ức về cuộc sống sau vụ thảm sát ẢNH: Koh Kyoung Tae (chụp tháng 1.2013)
Một phụ nữ vẫn còn sống sau khi đã bị vạt đứt hai bên ngực tại hiện trường vụ thảm sát (sau này được Koh Kyoung Tae xác minh là cô Nguyễn Thị Thanh) ẢNH: hạ sĩ Vaughn
Nguyễn Thị Thanh, nạn nhân bị sát hại trong vụ thảm sát, từng làm thợ may khi còn sống
Người sống sót khác trong vụ thảm sát cũng mang tên Nguyễn Thị Thanh. Vào tháng 4.2000, cô cho mọi người xem những vết sẹo để lại sau vụ thảm sát Ảnh: Koh Kyoung Tae
Bức ảnh lúc nhỏ của Nguyễn Thị Trọng, là người chị của bà Nguyễn Thị Thanh (người sống sót sau vụ thảm sát), cũng là nạn nhân đã chết trong vụ thảm sát
Hình ảnh gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Ảnh: Koh Kyoung Tae (chụp tháng 2.2014)
Người thứ 2 hàng thứ nhất, tính từ bên trái sang là ông Trần Văn Tha, nhân chứng sống sau vụ thảm sát. Đây là bức ảnh chụp ông cùng với các đồng đội từng tham gia kháng chiến tại Hội An sau năm 1975. Năm 11 tuổi, khi xảy ra vụ thảm sát, ông đã tận mắt chứng kiến bà con trong làng bị giết tại hầm của nhà ông
Ông Lê Đình Mận, người may mắn sống sót sau vụ thảm sát mà không hề có chút thương tích nào, dù bị ngã khỏi lòng mẹ khi đang bú sữa vào thời điểm xảy ra thảm sát Ảnh: Koh Kyoung Tae (chụp tháng 1.2013)
Cây da dù, nơi diễn ra vụ thảm sát và bia tưởng niệm Phong Nhất - Phong Nhị Ảnh: Koh Kyoung Tae (chụp tháng 2.2014)
Bia tưởng niệm Phong Nhất - Phong Nhị. Trong ảnh là các vòng hoa của các đoàn thể xã hội Hàn Quốc gửi vào lễ tưởng niệm ngày 12.2.2014 Ảnh: Koh Kyoung Tae
Danh sách những nạn nhân nhỏ tuổi nhất được ghi trên bia tưởng niệm Ảnh: Koh Kyoung Tae (chụp tháng 2.2014)
Báo cáo điều tra của Mỹ về vụ thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị
Bức thư viết bằng tiếng Anh của Đại tướng Westmoreland, Tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam gửi cho Tướng Chae Myung Shin, Tổng tư lệnh quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam để hỏi về vụ thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.