Mỹ tục thờ Bác Hồ

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
28/07/2023 07:39 GMT+7

Không phân biệt giàu hay nghèo, nhà lớn hay nhà nhỏ, cứ hễ là người Cơ Tu thì khi dựng nhà, dựng gươl, việc đầu tiên người ta tính đến là đặt bàn thờ Bác Hồ ở đâu cho trang trọng.

CHÂN DUNG BÁC QUA NÉT VẼ ĐƠN SƠ

Trong tâm thức già làng Bríu Pố (74 tuổi, trú tại thôn Arớh, xã Lăng, H.Tây Giang, Quảng Nam), Ava Hồ (Bác Hồ) là một tà co liêm (một người già tốt bụng). Bởi theo già, có Bác, có Đảng thì đồng bào Cơ Tu mới có cuộc sống ấm no ngày hôm nay. "Bố nhớ khi ở tuổi còn chưa mặc khố đã nghe các già làng kể về Ava Hồ với một hình dung thật đẹp. Ava Hồ là người đã tạo thành khối đại đoàn kết các dân tộc để đẩy lùi ngoại xâm, mang lại tự do, độc lập cho Tổ quốc, cuộc sống bình yên của đồng bào", già Pố lần giở câu chuyện.

Theo lời già, tầm khoảng những năm 50 thế kỷ trước, khi đất nước bắt đầu cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cán bộ từ dưới xuôi đã cực kỳ vất vả để mang chân dung Bác Hồ lên với người Cơ Tu. Đồng bào vốn tin vào Đảng, tin vào Bác Hồ nhưng hình dung về Bác lại rất mơ hồ. "Cái tai đã nghe nhưng con mắt chưa thấy Bác Hồ thế nào. Để vận động, tạo niềm tin cho đồng bào Cơ Tu, cán bộ đã căng một tấm chân dung Bác được vẽ trên vải lụa rồi cùng những vị già làng uy tín rước đến từng nhà. Hồi đó, bố còn nhỏ nhưng nhớ như in hình ảnh về Bác là một cụ già quắc thước, nhân hậu…", già Pố nhớ lại: "Người Cơ Tu kính trọng Bác và thêm yêu Bác khi trải qua 2 cuộc chiến tranh, đất nước được thống nhất. Bà con Cơ Tu có được cuộc sống bình yên, hủ tục lạc hậu bị đẩy lùi…".

Chuyện lạ 'Xứ tây': Mỹ tục thờ Bác Hồ - Ảnh 1.

Clâu Hoàng (21 tuổi, trú tại thôn Voòng, xã Tr’Hy) thành kính thắp nén nhang trước tượng Bác

HOÀNG SƠN

Ông Bríu Quân, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ H.Tây Giang, cho biết qua lời kể của ông nội, ông hiểu được rằng, vào khoảng thời điểm 1956 - 1959, để một tấm chân dung Bác Hồ vào đến được miền Nam rồi lên tận non cao với đồng bào Cơ Tu là việc hết sức gian khó, thậm chí có những hy sinh. "Ông nội tôi kể hồi đó, để tuyên truyền lý tưởng cách mạng cho đồng bào, cách tốt nhất là làm sao cho bà con có thể hình dung về Bác Hồ với những việc làm tốt đẹp, bởi trăm nghe không bằng một thấy. Có những nơi, ảnh Bác có thể về với bản làng nhưng đa phần thì chỉ nghe kể. Vậy là, nhiều già làng từng thấy chân dung Bác vận dụng trí nhớ của mình để miêu tả rồi kể về con đường cách mạng mà Bác đã lựa chọn cho dân tộc…", ông Quân nói.

Cũng theo lời ông Quân, bản thân ông nội của ông từng tập kết ra Bắc 3 tháng và đã được gặp Bác Hồ vào năm 1954. Khi trở về với bản làng, ông nội đã kể về hình ảnh Bác Hồ với đặc điểm là có râu rất đẹp, đôi mắt sáng ngời. "Trong những đêm vào bản gặp các già làng để vận động, ông nội đã dùng những hòn than để vẽ lại chân dung Bác theo trí nhớ. Ông kể, bà con kéo nhau tới xem đông lắm. Chân dung Bác Hồ đã hằn in vào tâm trí của những người Cơ Tu như thế…", ông Quân chia sẻ.

NHÀ NHÀ THỜ BÁC

Thắp nén nhang thơm lên trước bức tượng Bác Hồ đặt trang trọng trên bàn thờ, già làng Clâu Blao (80 tuổi, trú tại thôn Voòng, xã Tr'Hy) bảo đồng bào Cơ Tu suy nghĩ rằng Bác Hồ không chỉ là vị lãnh tụ có công lao to lớn trong giải phóng đất nước mà nhờ Bác, người dân không còn cảnh đói kém, phong tục lạc hậu bủa vây… "Nhờ ơn Bác Hồ mà người Cơ Tu chúng tôi biết đoàn kết để xây dựng cuộc sống ấm no, quê hương ngày càng đổi mới. Bác Hồ cũng giống như cha mẹ chúng tôi vậy. Thờ Bác, thắp nén nhang để tưởng nhớ Bác là việc người Cơ Tu luôn nghĩ đến", già Blao nói.

Già Blao không nhớ chính xác từ khi nào người Cơ Tu có tục thờ Bác, chỉ nhớ rằng từ sau ngày đất nước thống nhất, cứ mỗi dịp làm nhà, dựng gươl (nhà làng), không ai bảo ai, người dân đều tự mua cờ Tổ quốc treo lên ở nơi trang trọng nhất trong nhà rồi đặt ảnh Bác ra phía trước cùng với bát nhang. Những ngày rong ruổi qua các bản làng Tây Giang, tôi chứng kiến dù nhà lớn hay nhà nhỏ thì người Cơ Tu luôn đặt bàn thờ Bác ở vị trí trung tâm của ngôi nhà. Trên bàn thờ, ảnh hoặc tượng Bác thường đặt ở chính giữa, di ảnh người thân quá cố được đặt hai bên. Trên bàn thờ, người Cơ Tu thường bài trí đối xứng các đồ vật có giá trị, như: ché, chiêng, bình gốm...

Như gian thờ của nhà già làng Bríu Pố, ảnh Bác được treo cao nhất, còn di ảnh của cha mình thì được già treo bên dưới. Theo già Pố, cách bài trí như thế là để thể hiện sự kính trọng "có Bác, có Đảng mới có cuộc sống hôm nay". Những ngày tết, lễ của bản làng, trên bàn thờ Bác, ngoài hoa quả và bánh kẹo, người Cơ Tu còn chưng thêm bánh sừng trâu, thêm những sản vật quý từ núi rừng… để cúng Bác. Không chỉ ở trong nhà, cộng đồng người Cơ Tu còn thờ Bác Hồ trong từng mái gươl. Trong các dịp trọng đại của bản làng, người Cơ Tu thường thực hiện các nghi thức cúng tế thần linh tại gươl, xong sẽ dâng nén nhang lên trước di ảnh Bác. Lâu dần, đồng bào xem đó là phong tục, nét văn hóa tốt đẹp cần phải gìn giữ.

"Thờ di ảnh Bác trước cờ Tổ quốc là một nét văn hóa đẹp đẽ của đồng bào Cơ Tu, trong đó với vai trò làm gương, tiếng nói của các già làng là hết sức quan trọng. Những người già trong gia đình, những già làng ở các làng trên khắp rẻo cao Tây Giang này luôn ra sức tuyên truyền lý tưởng cách mạng và dặn dò con cháu rằng: khi dựng nhà mới, làm gì thì làm phải treo ảnh Bác Hồ trước. Các già làng cũng luôn nhắc nhở phải chỉn chu không gian thờ Bác. Đó cũng là cách thể hiện lòng biết ơn, sự kính trọng của người Cơ Tu đối với công ơn Bác", ông Bríu Quân nói. (còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.