Chuyện lạ 'xứ Tây': Món quà đặc biệt của Réhahn

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
29/07/2023 00:48 GMT+7

Nặng lòng với văn hóa Cơ Tu, nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn đã dành dụm tiền bán ảnh để "trao tặng lại" đồng bào Tây Giang (Quảng Nam) món quà hết sức ý nghĩa - một công trình kiên cố theo kiến trúc nhà gươl (nhà làng) dùng để làm bảo tàng.

CƠ dUYÊN KỲ LẠ

Dẫn tôi tham quan Bảo tàng Dân tộc Cơ Tu tọa lạc ngay tại trung tâm H.Tây Giang, ông A Lăng Sơn, quản lý bảo tàng, say mê giới thiệu những hình ảnh, hiện vật được trưng bày từ tầng 1 đến tầng 2. Lướt qua mỗi khu vực với mỗi chủ đề khác nhau, người đàn ông Cơ Tu 58 tuổi này lại dẫn câu chuyện về đồng bào mình với niềm tự hào tha thiết.

Chuyện lạ 'xứ Tây': Món quà đặc biệt của Réhahn
 - Ảnh 1.

Những bức ảnh về người Cơ Tu do nhiếp ảnh gia Réhahn tặng lại cho bảo tàng

HOÀNG SƠN

"Bao đời qua, người Cơ Tu chúng tôi sinh sống trên rẻo cao Trường Sơn luôn ao ước có một địa điểm để giới thiệu đến bè bạn trong và ngoài nước về lịch sử tộc người cũng như những nét văn hóa đặc sắc. Và chuyện đã thành hiện thực khi nhiếp ảnh gia Réhahn - một người ở trời Tây xa xôi - quyết định bỏ tiền để xây dựng bảo tàng cho chúng tôi", ông A Lăng Sơn nói.

Chia sẻ về cơ duyên khiến mình dốc tâm sức, tiền bạc để xây dựng Bảo tàng Dân tộc Cơ Tu, nhiếp ảnh gia Réhahn cho biết: Năm 2017, ông Bríu Liếc (nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang - PV) đã đến thăm Bảo tàng Di sản vô giá ở Hội An - nơi anh trưng bày những bức ảnh và thông tin về tất cả 54 dân tộc VN.

"Ông Liếc cảm động với ý tưởng bảo tồn di sản văn hóa của các dân tộc VN và tặng tôi một món quà vô giá cho bảo tàng. Đó là trang phục vỏ cây cuối cùng trong làng của người Cơ Tu. Cũng chính thời điểm đó, ý tưởng về một bảo tàng văn hóa Cơ Tu ra đời. Tôi quyết định cấp vốn để xây dựng bảo tàng như một phần trong dự án "Trao tặng lại" của tôi. Người Cơ Tu sẽ xây dựng, quản lý và bảo trì để họ thực sự là những người sở hữu nơi đặc biệt này", nhiếp ảnh gia Réhahn nói.

Năm 2018, khi trao đổi với PV Thanh Niên về nỗ lực bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, ông Bríu Liếc cho biết: Người Cơ Tu tại vùng cao vẫn còn giữ được bản sắc văn hóa đậm đà của mình. Nhưng rất tiếc không có một bảo tàng để lưu giữ, khiến nhiều hiện vật cũng như vốn liếng văn hóa phi vật thể có nguy cơ mất đi. Đau đáu câu chuyện này nên khi nghe Réhahn ngỏ ý xây dựng bảo tàng để tặng người Cơ Tu, vị Bí thư Huyện ủy đã rất mừng và nhanh chóng chỉ đạo ngành chức năng bố trí thửa đất sát ngay quảng trường trung tâm để bảo tàng sớm mọc lên.

Ông A Lăng Sơn cho hay bảo tàng được khánh thành vào năm 2020 với kinh phí 2 tỉ đồng, do nhiếp ảnh gia Réhahn tài trợ. Số tiền này được Réhahn dành dụm từ việc bán những bức ảnh do anh sáng tác trong suốt nhiều năm qua.

KHÔNG GIAN NÂNG ĐỠ VĂN HÓA

Đến trung tâm H.Tây Giang, người dân và du khách dễ dàng bắt gặp Bảo tàng Dân tộc Cơ Tu đối diện trụ sở UBND huyện. Đó là tòa nhà 2 tầng được thiết kế theo mô hình nhà gươl cách điệu với công năng sử dụng ở cả 2 tầng. Ở tầng trệt là không gian trưng bày các công cụ lao động, sản xuất, trang phục; không gian giới thiệu về nghệ thuật truyền thống, như: tranh vẽ, điêu khắc, nhạc cụ… Ở tầng 2 là nơi trưng bày mô hình làng Cơ Tu truyền thống được các nghệ nhân thiết kế hết sức tinh xảo. Đây cũng là không gian thư viện với hàng trăm đầu sách về văn hóa, lịch sử, đời sống người Cơ Tu. Réhahn còn tặng cho bảo tàng nhiều bức ảnh khổ lớn rất giá trị về đồng bào Cơ Tu.

Nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn nổi tiếng với bức ảnh Nụ cười ẩn giấu (Hidden smile) ghi lại chân dung cụ bà Bùi Thị Xong trú tại Hội An (Quảng Nam). Tác phẩm được giới thiệu nhiều nơi trên thế giới và gây ấn tượng mạnh cho người xem. Cụ Xong - nhân vật trong bức ảnh - được dành nhiều lời khen tặng, trong đó nổi tiếng là nhận xét "cụ bà đẹp nhất thế giới". Nhiếp ảnh gia Réhahn đã dành gần như toàn bộ số tiền 700 triệu đồng từ việc bán bức ảnh này để xây dựng Bảo tàng Dân tộc Cơ Tu.

Bằng con mắt nghệ thuật tinh tường của mình, Réhahn đã khiến những người Cơ Tu hài lòng khi thiết kế, xây dựng bảo tàng theo lối kiến trúc nhà gươl truyền thống gần gũi với văn hóa bản địa. Công trình không chỉ đẹp mà còn tận dụng được nhiều không gian để tổ chức các hoạt động mở dành cho thế hệ trẻ, như: các chương trình tham quan tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán của các trường học trên địa bàn, hoạt động hướng về ngày Sách VN… Đúng như những gì nghệ sĩ Réhahn kỳ vọng, từ khi đi vào hoạt động, Bảo tàng Dân tộc Cơ Tu "không chỉ đơn thuần giới thiệu về người Cơ Tu và các giá trị truyền thống mà còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa sống động".

"Bảo tàng được người Cơ Tu xây dựng theo mô hình nhà gươl… Nhà gươl là không gian thiêng liêng cho những giá trị tinh thần truyền thống và bảo tàng này cũng được xem là một không gian tương tự nâng đỡ văn hóa cho thế hệ tương lai", nhiếp ảnh gia người Pháp chia sẻ: "Tôi luôn ấn tượng bởi sự cống hiến thực sự của người Cơ Tu cho việc bảo tồn và tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa của mình. Tôi muốn trao tặng lại cho nhóm dân tộc đã mang đến cho tôi quá nhiều về tình bằng hữu, những kiến thức về văn hóa của họ và luôn luôn ủng hộ tôi".

Ông Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang, cho biết: Bảo tàng Dân tộc Cơ Tu là một thiết chế văn hóa quan trọng và mang nhiều ý nghĩa. Bảo tàng được xây dựng ngay tại trung tâm huyện với tính toán sẽ khớp nối với các công trình văn hóa khác, như: quảng trường, làng truyền thống Cơ Tu - một cụm công trình được xem là bảo tàng kiến trúc Cơ Tu… "Sau khi tỉnh đầu tư xây dựng xong bờ kè sông A Vương chảy qua trung tâm huyện, chúng tôi sẽ kết nối quảng trường, bảo tàng, đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ… để tạo thành điểm đến về văn hóa, lịch sử của Tây Giang", ông Blúi nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.