Chuyện không nhỏ về nhà vệ sinh

28/11/2015 05:12 GMT+7

Ngày 19.11.2015 vừa qua là 'Ngày nhà vệ sinh thế giới' (World Toilet Day).

Ngày 19.11.2015 vừa qua là 'Ngày nhà vệ sinh thế giới' (World Toilet Day).

Ảnh:ShutterstockẢnh:Shutterstock
Xin bạn đọc đừng cho là tôi đặt điều để nói cho vui và đừng bao giờ nghĩ rằng nhà vệ sinh là chuyện nhỏ như con thỏ, làm gì mà cũng có quy định ngày nghiếc cho rộn chuyện.  
Đây là một “ngày” nghiêm túc, do Liên Hiệp Quốc quy định, nhằm hướng dẫn và chăm sóc “đầu ra” cho loài người. Trong giai đoạn khí hậu đang biến đổi dữ dội, chuyện nhà vệ sinh được đặt ra là hết sức nghiêm túc bởi thiếu nó thì tình trạng khí thải và chất thải hữu cơ sẽ làm môi trường ô nhiễm nghiêm trọng hơn.
Liên Hiệp Quốc đã khái quát rằng thế giới có 7 tỉ người thì 2,5 tỉ người không có nhà vệ sinh để sử dụng. Mà con người ngày nào cũng có nhu cầu bài tiết - một nhu cầu rất tự nhiên. Chuyện chẳng có gì để phải xếp vào loại khó nói bởi nếu không nói đến nhu cầu bài tiết hằng ngày mới là dối mình, dối người. Con số 2,5 tỉ người thiếu nhà vệ sinh đó tập trung ở các nước châu Phi, Mỹ Latin và châu Á. Tất nhiên, con số ấy được xem là hệ quả của đời sống con người còn nghèo giữa những xã hội chưa phát triển.
Ở một chừng mực nào đó, người dân cũng nhân danh, lợi dụng cái nghèo mà… phóng uế bừa bãi ra môi trường. Ông bà ta ngày xưa từng nói về tình trạng phóng uế này bằng câu thành ngữ “Thứ nhất quận công; thứ nhì… đồng”. Nhà thơ Bùi Giáng thì viết về chuyện phụ nữ đi tè ngoài ruộng: “Em về rắc cỏ tháng ba/ Xuống trang hồng hạnh thu già in rêu” hoặc “Em về giũ mộng phù sa/ Vén quần phong nhụy cho tà huy bay”. Những gì là “cỏ tháng ba” với “vén quần phong nhụy” ở đây là bài tiết đấy!
Ở châu Á, Ấn Độ có đến 600 triệu người không có nhà vệ sinh, phải phóng uế ra môi trường, đặc biệt là ngồi dọc theo đường xe lửa. Phim tài liệu quốc tế cho thấy họ thản nhiên ngồi dài dài làm chuyện bài tiết, lại còn vui vẻ chuyện trò với nhau, coi như là… những dịp gặp gỡ và giao lưu thân mật. Nông thôn ngày xưa của chúng ta cũng vậy; phụ nữ thì kín đáo hơn nên chịu khó đi vào gò bãi xa, đàn ông thì cứ tỉnh bơ ngồi xuống gần đường, trẻ con thì càng tự nhiên hơn nữa. Ở miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long trước năm 1975, bà con làm cái… cầu tõm trên sông rạch hay ao cá vồ gia đình. Cách “kiến trúc” như vầy: cắm bốn cái cây xuống làm cột, đóng bốn thanh ngang rồi gác hai miếng ván lên làm sàn, cắt bốn miếng tôn (hoặc thùng các tông) che lên bốn bên; cạn xợt, nông choèn. Vậy là xong cái cầu tõm. Ai cũng bước vào đó được, miễn là nhớ đem theo một miếng giấy báo. Khung cảnh ấy thơ mộng và gợi hứng đến nỗi còn có người vừa ngồi trong đó vừa ca vọng cổ!
Với sự phát triển của xã hội ngày nay, việc phóng uế ngoài đồng bãi hay làm cầu tõm trên sông rạch, ao cá dường như không còn nữa. Thật sự, làm một cái cầu tiêu gia đình kín đáo, hợp vệ sinh, tiện dụng cho mọi lứa tuổi không phải là chuyện gì quá tốn kém đến nỗi các gia đình không thể làm được. Khâu tốn kém nhất là một ít gạch để xây hầm cầu thông qua bể chứa nước và cái bàn cầu. Ngoài ra, ở phía trên có thể dựng tạm một cái “nhà” bằng tranh tre, nứa lá, có chừa cửa ra vào và có mái che. Số tiền làm nhà cầu như vậy tốn khoảng vài triệu đồng; vừa dùng đi vệ sinh, vừa dùng tắm rửa hay giặt đồ đều tốt. Chỉ cần một miếng đất 3 m2, bà con ta đã có thể xây dựng nhà tiêu - một nhu cầu thiết yếu cho đời sống. Căn bản ở nông thôn, mỗi nhà đều có một miếng đất nhỏ sau vườn hay cạnh nhà, chuyện xây dựng nhà tiêu là trong tầm tay. Ở thành phố và những nơi thị tứ, diện tích đất ở nhỏ hơn, cầu tiêu được xây trong nhà - 1,5 m2 đã có thể trở thành “công trình 3 trong 1” - vừa tắm, vừa giặt, vừa là nhà tiêu.
Cầu tiêu, nhà tắm là những công trình phụ nâng cao chất lượng sống của mọi người trong gia đình và cho cả xã hội. Có được công trình phụ này trong gia đình, đời sống các thành viên thoải mái hơn, lại góp phần bảo vệ môi trường sống văn minh, sạch sẽ cho mình và cho mọi người, nếp sống văn hóa chung của xã hội. Trường tôi ngày xưa có hệ thống nhà tiêu rất vệ sinh, cũng “nam tả, nữ hữu” rạch ròi. Khi xa trường, tôi nhớ nơi ấy, đến nỗi phải làm thơ: “Chẳng nhớ chi bao dáng mỹ miều/ Xa trường, ta chỉ nhớ… nhà tiêu”.
Ở những nơi đông người như bệnh viện, trường học, nhà ga xe buýt, công sở, việc xây dựng những nhà vệ sinh đúng chuẩn cần phải được đặt ra cấp thiết hơn. Thật lấy làm tiếc là vẫn có những chủ đầu tư xây dựng công trình cho những nơi đông người như thế này lại thiếu quan tâm đến chuyện xây dựng công trình phụ đúng chuẩn hoặc xây dựng không đáp ứng đủ nhu cầu, xây ẩu tả khiến công trình phụ xuống cấp nhanh, tạo ra tình trạng dở khóc dở cười.
Liên Hiệp Quốc đưa ra con số thống kê đáng sợ là mỗi năm, có khoảng 800.000 trẻ em (từ 15 tuổi trở xuống) chết vì bị nhiễm những bệnh đường ruột như thổ tả, kiết lỵ, tiêu chảy, sán lải do môi trường sống bị ô nhiễm và do thiếu nhà vệ sinh mà ra. Việc phóng uế bừa bãi ra môi trường xung quanh khiến ruồi nhặng có điều kiện sinh sôi, nảy nở. Ruồi nhặng mang những mầm bệnh nguy hiểm ấy đi khắp nơi, lây truyền vào đồ ăn, thức uống, vật dụng hay tiếp xúc trực tiếp với con người. Các cuộc chiến tranh xảy ra, người trong vùng chiến nạn phải bỏ nhà cửa chạy vào các khu vực lánh nạn. Những trận thiên tai, bão lũ lớn cũng tạo ra những cuộc thiên cư tạm thời, đưa con người vào các trại cứu hộ nhân đạo. Sự tập trung con người quá nhanh khiến những cơ quan nhân đạo, cứu hộ, cứu nạn không đáp ứng đủ điều kiện ăn ở, vệ sinh cá nhân, y tế cho người tỵ nạn. Thực tế đó cũng góp phần tạo ra một tình trạng “khủng hoảng vệ sinh y tế” khiến các bệnh truyền nhiễm qua đường ruột lây lan nhanh và gây ra những tai họa thảm khốc cho con người.
Trong sự nghiệp giáo dục của VN, trẻ em từ mẫu giáo, tiểu học, phổ thông cơ sở đến phổ thông trung học được hưởng những điều kiện khá tốt về ăn uống, áo quần, sách vở, nội dung văn hóa. Thế nhưng, có một cái thiếu khá nghiêm trọng mà nhiều trẻ em đang phải chịu thiệt thòi là thiếu nhà vệ sinh. Có những trường học xây được nhà vệ sinh nhưng không đưa được nguồn nước giải quyết vấn đề vệ sinh vào. Có những trường học bỏ thí cho nhà vệ sinh xuống cấp, không sử dụng được. Có những trường học có nhà vệ sinh nhưng không có kinh phí tuyển dụng người lao động phổ thông chăm sóc, làm vệ sinh. Có những trường học “quên” không làm nhà vệ sinh cho con trẻ mặc dù vẫn nhớ xây nhà vệ sinh riêng cho thầy cô.
Cả bốn tình trạng đó góp phần tạo ra một “hội chứng” nguy hiểm. Trẻ con - nhất là các cháu học sinh nữ, vì mắc cỡ phải nhịn tiểu nhiều lần trong buổi học, gây ra tình trạng xấu cho sức khỏe sinh sản của các cháu sau này. Các cháu nam sinh thì cứ tìm ra bờ, ra bụi, việc bài tiết tự nhiên có thể thực hiện được nhưng lại làm môi trường sống xấu đi. Điều nguy hiểm nhất là việc bài tiết ấy được làm theo thói quen, làm xói mòn ý thức bảo vệ môi trường trong các cháu và biến những bài học vệ sinh thường thức trong nhà trường trở thành những điều hài hước.
Ngày 19.11 hằng năm là Ngày nhà vệ sinh thế giới. Toàn xã hội chúng ta cố gắng dành mọi ưu tiên cho trẻ em, xây dựng những nhà vệ sinh hợp chuẩn, giải quyết vấn đề vệ sinh cho những trường chưa có hoặc có mà không sử dụng được. Nếu nhà trường không đủ kinh phí thì địa phương phải quan tâm, các hội phụ huynh phải quan tâm làm cho được các nhà vệ sinh này, tạo thêm điều kiện cho các cháu an tâm học tập. Thật buồn cười khi các hội phụ huynh cứ nghĩ đến những chuyện đóng góp tiền để gắn thêm máy lạnh, bảng tương tác, mua thêm đồ chơi… mà không nghĩ đến cái nhà vệ sinh đáp ứng đủ nhu cầu và hợp chuẩn vệ sinh cho trẻ em.
Bình Dương - một tỉnh miền Đông Nam bộ, là tỉnh đầu tiên có quyền tự hào vì đã tập trung nhiều nguồn lực, xây dựng nhà vệ sinh hợp chuẩn cho tất cả các trường học trên toàn tỉnh. Đó là những nhà vệ sinh rất… vệ sinh, một thành tựu hỗ trợ giáo dục mà các địa phương khác nên phấn đấu thực hiện. Chúng ta ước mong học sinh các tỉnh thành trên cả nước đều được hưởng những điều kiện vệ sinh cá nhân tốt nhất như học sinh và sinh viên ở Bình Dương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.