Chuyện ít người biết về xá lợi Phật - Kỳ 7: Quả tim nghìn độ nung không cháy

17/06/2009 00:43 GMT+7

Ngọc xá lợi Phật theo tương truyền có phép thay đổi màu sắc tùy phước duyên và tùy khí phần của nơi tôn trí hoặc của những người đến lễ lạy chiêm bái. Nghĩa là ngọc xá lợi có thể ánh lên màu vàng óng lúc này, song cũng có thể đổi sang màu xanh biếc lúc khác. Mời nghe đọc bài

Còn theo Luận đại trí độ, khi cuồng phong và sấm sét nổ ra, với sức thổi nghiêng ngọn núi lớn và đánh nát ngọn núi ấy thành bụi, thì một hạt bụi trong số đó cũng không thể dính vào thân Phật và ngọc xá lợi Phật được. Khi phát quang, ngọc xá lợi đưa quầng sáng ngũ sắc phóng thẳng lên trời (như kinh sách đã chép) và khi cảm ứng ngọc xá lợi tự sinh thêm, hạt này nảy ra hạt khác, hạt khác nảy ra hạt khác nữa, không ai biết trước được (như lời truyền miệng đến nay). Có thật vậy không?

Thắc mắc ấy được chúng tôi đem đến trình hỏi hòa thượng Thích Huệ Trung, Viện chủ tổ đình Giác Lâm - TP.HCM, trong dịp đến chiêm bái ngọc xá lợi Phật thờ ở Bảo tháp xá lợi của tổ đình và được hòa thượng giải đáp bằng một câu vắn tắt: “Linh bất linh tại ngã”, rồi im lặng. Lát sau mới giảng thêm: “Ngọc xá lợi có linh ứng hay không là tùy tâm lượng của các anh, tùy lòng tin của mỗi người trong các anh, hễ tin là thấy! Không tin thì không thấy! Không thấy mà vẫn tin thì sẽ thấy! Một điển hình gần nhất trong lịch sử là trái tim của một vị bồ tát ở Việt Nam vẫn không bị đốt cháy trong lò nung nóng đến hàng nghìn độ, có tin không? Không tin không được, vì điều ấy đã hiển nhiên”.

Đó là Bồ tát Thích Quảng Đức, tự thiêu tại Sài Gòn (ở vị trí ngã tư đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM hiện nay) ngày 11.6.1963, để phản đối và cảnh tỉnh chế độ Ngô Đình Diệm đang đàn áp, bắt bớ, đánh đập, thủ tiêu và bắn giết tăng ni Phật tử miền Nam. Rất nhiều phóng viên trong và ngoài nước như ký giả David Halberstam của tờ New York Times tường thuật: “...lửa phủ khắp người, thân ngài Thích Quảng Đức từ từ thâu nhỏ lại, đầu cháy nám, cả người chìm trong lửa đỏ. Sau lưng tôi vọng lên tiếng khóc, tôi cũng quá xúc động không khóc nên lời được khi nhìn thấy thân hình của ngài chìm trong biển lửa nhưng ngài không một tiếng rên la, trầm tĩnh bất động, khác hẳn với những phật tử đang òa khóc ngày càng lớn tiếng chung quanh”. Một tường thuật khác của mục sư Donald Harrington (Mỹ): “…khi chiếc áo cà sa của ngài đã tẩm đầy xăng, tất cả tăng ni sợ hãi lùi lại kính cẩn và chăm chú nhìn ngài. Ngài vẫn yên lặng và bình thản niệm Phật, rồi bật một que diêm để ngọn lửa phừng phực bốc lên phủ kín thân ngài. Ngài vẫn ngồi thẳng nhiều phút trong lửa đỏ cho đến khi lửa tàn và nằm xuống bất động”.

Bấy giờ nhiều linh mục như Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Quang Oánh, lên tiếng đồng tình với ngọn lửa đấu tranh Thích Quảng Đức. Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đã từ chối không để ông Ngô Đình Thục dùng nhà thờ Đức Bà ở trung tâm Sài Gòn để “cải chính” về sự việc. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tổ chức lễ cầu siêu Bồ tát Thích Quảng Đức trong hai ngày 12 và 13.6.1963. Tại miền Bắc, hơn 80.000 người tập trung ở thủ đô Hà Nội mít tinh và diễu hành ủng hộ phật tử Sài Gòn, kéo đến chùa Quán Sứ cầu siêu cho ngài. Ở nước ngoài, làn sóng phản đối chế độ Sài Gòn dâng cao ở nhiều quốc gia, ảnh chụp Bồ tát Thích Quảng Đức ngồi trong lửa đỏ đặt suốt cả tháng trên bàn làm việc của tổng thống Mỹ. Khi nhục thân của ngài đưa đi làm lễ trà tỳ tại lò thiêu An dưỡng địa Phú Lâm để lấy tro thờ, tất cả mọi người đều kinh ngạc thấy trái tim của ngài không bị cháy. Sự kiện này không những gây chấn động trong phật tử Việt Nam mà còn đặc biệt thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu khoa học trên thế giới suốt gần nửa thế kỷ qua. Người ta tự hỏi tại sao dưới sức nóng của hàng nghìn độ mà trái tim của ngài không cháy? Hòa thượng Thích Thông Bửu, trụ trì chùa Quán Thế m - TP.HCM, trong hội thảo chuyên đề về Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức năm 2005 đã kể lại:

- “Sau một ngày lửa nung cả ngàn độ, mà trái tim vẫn không cháy, nên phải quyết định đưa vào nung thêm lần nữa. Lúc bấy giờ ngoài trời đã gần tối mà lực lượng cảnh sát của Ngô triều càng đông thêm. Có tiếng xầm xì rằng nhà cầm quyền muốn dùng bạo lực để cướp trái tim, vì thế bộ phận phụ trách trả tỳ liền ngưng đốt và đem trái tim ra. Trái tim vẫn còn nguyên trong khi xương thịt đã cháy thành tro trắng. Tin lan truyền từ lò thiêu: “Trái tim bất diệt” khiến Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu hoảng sợ. Khi trái tim được tôn trí tại chùa Xá Lợi thì toàn bộ gia quyến họ Ngô họp khẩn và lệnh cho Bác sĩ Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ của chế độ, đến chùa Xá Lợi để khám nghiệm quả tim và xem thực hư thế nào. Bằng những chất hóa học và phương tiện khoa học hiện đại thời ấy, bác sĩ giám đốc kiêm tình báo của Ngô triều đã sử dụng hết khả năng để đốt cháy quả tim, nhưng cuối cùng ông thở dài và đành chắp tay vái lạy rồi rút lui. Về đến dinh ông trình bày: “Chúng ta nên hòa với Phật giáo là hơn, vì họ có quả tim bất diệt”. Bà Ngô Đình Nhu phản đối và họp với chồng tổ chức chiến dịch “Nước lũ”, bố ráp hết các chùa chiền vùng Sài Gòn - Gia Định để bắt thêm tăng ni đem về nhốt tại vùng Rạch Cát, quận 8. Khi biết được tin này, Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo âm thầm đưa quả tim vào tủ sắt và gửi trong trụ sở của chi nhánh Ngân hàng Thụy Điển tại Việt Nam. Do vậy mật vụ và lực lượng cảnh sát đặc biệt trong chiến dịch “Nước lũ” do nhà Ngô tung ra suốt mấy ngày đêm cũng chỉ thu về một quả tim giả làm bằng… thạch cao hong khói!”. Đến nay, quả tim bất tử của Bồ tát Thích Quảng Đức, một báu vật quốc gia, một trân châu xá lợi của phật tử Việt Nam, vẫn còn đó và đang được lưu giữ nơi nào? Bạn có thể tìm đọc câu trả lời chính xác trong mục này trên số báo ra ngày mai. (còn tiếp).

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.