Chuyện ít người biết về xá lợi Phật - Kỳ 6: Ngôi chùa bí ẩn trên đỉnh Kim Thiên (Tam Đảo)

15/06/2009 22:46 GMT+7

Trước giờ chiêm bái, các hòa thượng chứng minh và các nhà báo được ban tổ chức mời chứng kiến việc mở tháp lưu ly đựng ngọc xá lợi Phật. Chúng tôi thấy 4 viên ngọc xá lợi Phật cung nghinh đến chùa Quán Sứ (Hà Nội), mỗi viên nhỏ bằng nửa hạt nếp hương, có 4 màu: đỏ, xanh, vàng và lam trong suốt.

Còn 6 viên ngọc cung nghinh đến chùa Bái Đính (Ninh Bình) có thêm hai màu, từa tựa như màu cam chín và màu tím hoa mua. Cạnh đó, xá lợi thánh tăng (6 viên) lợt hơn, hầu hết trắng như màu tuyết vậy. Được may mắn chiêm bái tận mắt như thế, chúng tôi giở Từ điển Phật học Huệ Quang để tìm hiểu thêm, thấy giải thích xá lợi có hai loại: Sinh thân xá lợi tức di cốt của Phật còn lại sau lễ hỏa thiêu và Pháp thân xá lợi tức giáo pháp Phật để lại sau khi qua đời. Đến nay, xá lợi cũng dùng để chỉ "xương còn sót lại (với những hạt nhiều màu) sau khi thiêu nhục thân các vị cao tăng". Và xá lợi "rất khó có được, trở thành phước điền tối thượng" cho mọi người chiêm bái để gieo hạt giống đạo. Ở Việt Nam xá lợi Phật được tôn trí lần đầu tiên tại nơi nào? Vào thời nào?

Câu trả lời liên quan đến một ngôi chùa mang cái tên rất lạ: chùa Địa Ngục. Chùa này không rõ xây từ thời nào, được Lê Quý Đôn mô tả là một khối kiến trúc vuông vức, mỗi cạnh dài khoảng một trượng, các tường bao quanh chùa đều bằng đá. Thường ngày hai cánh cửa ra vào khóa kỹ bằng một khóa sắt lớn và trong khuôn viên có đặt viên đá ghi rõ: Địa Ngục tự (tức chùa Địa Ngục). Theo học giả Lê Mạnh Thát, chùa Địa Ngục mà Lê Quý Đôn nhắc đến trong Kiến văn tiểu lục nêu trên, nằm ở thành Nê Lê phía đông nam huyện Định An xưa kia, thuộc vùng núi Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay, mà một tác giả người Trung Quốc là Lưu Hân Kỳ sống ở thế kỷ thứ 4 ghi rằng ở đó (thành Nê Lê) có "tháp và giảng đường do vua A Dục dựng". Vua A Dục là người đã phát tâm xây 84.000 ngôi chùa, 84.000 bảo tháp để thờ 84.000 viên ngọc xá lợi, nên người đương thời gọi ông là "A Dục của chính pháp"  (Dharmasoka).

Nhưng trước đó, khi mới lên ngôi, vua A Dục rất hiếu sát, đã giết đến 99 người anh em khác mẹ để giành ngôi báu vào khoảng 280 năm sau Đức Phật nhập niết bàn (có sách ghi chỉ khoảng 100 năm). Đáng sợ, A Dục ra lệnh xây ngay trên nước Ma Kiệt Đà của mình "một địa ngục lớn" để giết hại dân chúng vô tội, đồng thời phát động những cuộc chiến tranh hà hiếp các nước láng giềng để thâu tóm đất đai.

Nên lúc đầu, người ta gọi ông là "A Dục hiếu sát" hoặc "A Dục ái dục" (Kanasoka). Nhưng về sau, như đã nói, ông tin sâu vào Phật pháp và xóa bỏ tất cả cửa ngục, đưa người đến khắp nơi truyền đạo và đưa ngọc xá lợi Phật xây tháp thờ ở Ấn Độ cũng như nhiều nước. Trong số các nước ấy, có thể có Việt Nam thời các vua Hùng, với sự xuất hiện của chùa Địa Ngục dựng cạnh chùa Tây Thiên, cùng với tháp thờ xá lợi sớm nhất. Điều đó những năm gần đây được hòa thượng Thích Thanh Từ, Viện chủ thiền viện Trúc Lâm Lâm Đồng, là vị cao tăng hiện đang khôi phục mạng mạch của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần, khai sáng nhiều thiền viện Trúc Lâm khác trong nước, công bố cuối năm 2005 trên tập san Văn hóa Phật giáo (số 11), tóm lược như sau:

 
Trước giờ cung nghinh xá lợi Phật - Ảnh: Giao Hưởng

Một là, Phật giáo có mặt tại Việt Nam khoảng 300 năm trước Tây lịch. Nguyên sau khi kiết tập kinh điển lần thứ III, với sự ủng hộ tích cực của vua A Dục (Asoka) và Đại lão Hòa thượng chủ tọa Moggaliputta Tissa, Phật giáo đã cử 9 phái đoàn đi khắp nơi. Trong đó, đoàn thứ 8 do ngài Sona và Uttara đã đến vùng Kim Địa (bao gồm nước Miến Điện, các nước Đông Dương và một phần Mã Lai). Khi đến Việt Nam, công chúa con gái vua A Dục đã cho xây thành Nê Lê (có chùa Địa Ngục nói trên và tháp thờ xá lợi) để đánh dấu nơi đoàn đến.

Hai là, danh từ Tây Thiên còn có ý nghĩa để chỉ nơi mà chư vị Tổ sư người Ấn đầu tiên sang Việt Nam truyền bá Phật pháp. Vì theo trong kinh, Tây Thiên hay Tây Trúc là chỉ đất nước Ấn Độ, cũng như Đông Độ dùng chỉ nước Trung Hoa. Mà Tây Thiên là tên của một ngôi chùa ở vùng núi Tam Đảo, nằm gần đỉnh Kim Thiên, với chùa Địa Ngục bên cạnh. Kết hợp với những tài liệu khác, có thể nói vùng Tây Thiên là cái nôi của Phật giáo Việt Nam, có từ thời vua Hùng. Ngày nay, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được hình thành trên phế tích của một nền chùa cổ có tên là Thiên n, Thiên Tự, với diện tích xây dựng rộng 4,5 hecta, tọa lạc ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phú, tổng diện tích các khu rừng trực thuộc thiền viện lên đến 50 hecta.

Tượng Phật Thích Ca bằng sa thạch nặng 14 tấn và cao 4m. Đây cũng là nhân duyên của thiền phái Trúc Lâm với chốn Tổ ở Tây Thiên. Chúng tôi mong rằng ngoài trách nhiệm trùng hưng lại một trung tâm Phật giáo Việt Nam thời Hùng Vương, góp phần tôn tạo cảnh quan cho khu di tích danh thắng Tây Thiên, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên còn là một thiền viện tạo tiền đề cho những công trình nghiên cứu, khai quật kế tiếp, ngõ hầu làm sáng tỏ quá trình hình thành trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta.

Cũng vậy, các công trình văn hóa tôn giáo lâu đời trên vùng đất Vĩnh Phúc đang tiếp tục được truy nguyên và theo Xuân Mai, tác giả biên soạn về Việt Nam - các vùng văn hóa, ghi nhận: "ngôi chùa cổ như Tây Thiên, Phù Nghi, Đồng Cổ nay chỉ còn lại những hệ thống kè đá dài khoảng 200 - 300m, cao 11,5m, hoặc một đống gạch ngói đã đổ nát, cao chừng 1m (...) Nhưng danh thắng Tây Thiên thời nào cũng được ca ngợi là kỳ tuyệt, núi nào cũng được phủ lên một lớp rừng già xanh thẳm với nhiều cây cổ thụ và nhiều loài gỗ quý. Kỳ thú hơn cả có thác Bạc cao đến 40m từ ngọn núi Bát Nhã chảy xuống...". Biết đâu vùng núi mang tên Bát Nhã kia đang ẩn giấu nhiều chứng tích về sự có mặt của Phật giáo và chùa tháp thờ ngọc xá lợi Phật dựng lên hơn hai nghìn năm trước? (Còn tiếp)

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.