Chuyện ít biết về lễ giỗ bí mật ba anh em nhà Tây Sơn

Nam Hoa
Nam Hoa
17/09/2021 15:32 GMT+7

Triều đại Tây Sơn rực rỡ nhưng ngắn ngủi. Khi vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đột ngột mất sớm, triều đại Tây Sơn (tính chung cả triều vua Thái Đức - Nguyễn Nhạc) nhanh chóng suy yếu và sụp đổ.

Triều Nguyễn được mở ra, đã tìm mọi cách “xóa” tất cả dấu tích của nhà Tây Sơn, lăng tẩm bị san bằng, sách vở bị đốt hủy. Vì thế, có những chuyện về nhà Tây Sơn đã chìm vào sự mờ ảo của dã sử.

Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, ai là anh?

Trong ba anh em Tây Sơn, ngoài vị trí của Nguyễn Nhạc là anh lớn nhất đã được xác định rõ ràng, thế thứ của Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ vẫn gây tranh cãi.
Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược, cũng như một số tài liệu khác cho rằng ông Nhạc là anh lớn, kế đến là ông Lữ, còn ông Huệ nhỏ nhất. Nhưng dân địa phương nơi quê nhà của ba anh em Tây Sơn tương truyền vẫn gọi rằng: ông hai Nhạc, chú ba Thơm, thầy tư Lữ.
Bài viết Ít tư liệu về nhà Tây Sơn trong tập san Bách khoa số 259 ra ngày 15.10.1967, tác giả Ngê Bá Lí đã lý giải về việc tại sao lại là “ông, chú, thầy” trong cách dân địa phương gọi 3 ông: “ … Ông, vì Nhạc lớn hơn em kế đến mươi tuổi, lại phải thay cha cầm đầu đoàn buôn trầu; hai, vì ở đây người con đầu không gọi như từ Bắc vào Thừa Thiên là cả, mà là hai … Chú, vì dân địa phương bắt chước Nhạc gọi Huệ là chú ba vốn theo việc học nghề văn nghiệp võ cho đến khi phất cờ khởi nghĩa … Thầy, vì Lữ là người nhân hậu, lại sớm đi tu…
Trên đây chỉ là tài liệu “miệng”, có người nhắc tới một tài liệu mực tàu giấy bản: Nguyễn Siêu, đời Tự Đức trong Phương đình dư địa chí, mục nói về tỉnh Bình Định, có ghi em thứ hai của Nguyễn Văn Nhạc là Huệ, em thứ ba là Lữ”.
Trong Nước non Bình Định, Quách Tấn cũng viết: “ … Ông Phúc qua đời, ông Nhạc nối nghiệp cha. Ông Huệ tiếp tục đi học. Ông Lữ xuất gia đầu Phật. Ông Nhạc có uy tín trong anh em lái buôn, người ta gọi là ông hai Nhạc. Ông Huệ vì mang tên hoa có hương nên được gọi là chú ba Thơm. Còn ông Lữ đi tu nên gọi là thầy: thầy tư Lữ …”.
Như vậy qua các tài liệu đã dẫn ở trên có thể xác định ông Huệ là anh ông Lữ.

Cụm tượng ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định)

ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Chuyện về lễ Thường tân (lễ Ba vua) được tổ chức bí mật

Khi vua Thái Đức - Nguyễn Nhạc (lên ngôi năm 1776) đóng đô ở thành Hoàng đế (thành cũ Đồ Bàn của Chiêm Thành - thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), khu đất cũ của gia đình ngày xưa vua Thái Đức cho dựng một ngôi từ đường và được dân làng sở tại chăm sóc. Khi nhà Tây Sơn mất, ngôi từ đường cũng bị triệt hạ. Tuy nhiên dân địa phương lại dựng lên tại đây một ngôi đình làng - theo Nước non Bình Định.
Nhân dân địa phương bí mật thờ ba anh em Tây Sơn tại ngay ngôi đình đó. Nhà Nguyễn từng sắc phong đình thần ở vùng Bình Thành, Bình Khê (địa danh thời Nguyễn, là vùng đất quê hương nhà Tây Sơn - NV) nhưng sắc thần đó không được dân địa phương để trong ngôi đình.
Cũng theo bài viết đã dẫn trong tập san Bách khoa số 259: “ …để che giấu vua tôi nhà Nguyễn, họ thường tổ chức lễ Thường tân tại đình làng rất trọng thể. Lễ này tục gọi là lễ Cơm mới để tỏ lòng nhớ ơn người đã bày ra cách cày cấy… Vì lễ Thường tân nhằm ngày rằm tháng mười một, mà Nguyễn Nhạc mất cũng vào ngày rằm năm Quý Sửu (1793). Nhân ngày qua đời của người anh cả mà giỗ chung cho cả ba anh em, trùng ngày với lễ Cơm mới, tưởng không còn gì hợp lý cho bằng”.
Lễ Thường tân (Cơm mới) xuất phát ở làng cũ của ba anh em Tây Sơn, từ đó thành ra lớn hơn và ý nghĩa hơn ở bất cứ nơi nào khác, và cũng vì người dân nơi đây bí mật dùng lễ này để cúng giỗ ba anh em nhà Tây Sơn, nên họ còn gọi là lễ Ba vua.
Thời chiến tranh chống Pháp, ngôi đình cũng bị phá hủy, đến năm 1960, dân địa phương lại dựng đền thờ ba anh em nhà Tây Sơn trên nền ngôi đình cũ. Đến nay, nơi đây đã trở thành Bảo tàng Quang Trung (ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) gồm một quần thể các di tích rất khang trang, bề thế, được nhiều du khách khắp nơi thăm viếng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.