Chuyện hy hữu: 100 cổ phiếu giao dịch giúp VNG bỏ túi 7.400 tỉ đồng trong 3 phiên

Mai Phương
Mai Phương
04/02/2023 09:11 GMT+7

Cả tháng không có giao dịch nhưng đến khi có giao dịch cũng chỉ có 100 cổ phiếu được sang tay và tăng trần liên tiếp đã khiến hàng loạt "ông lớn" lâu năm trên sàn chứng khoán bị một tân binh vượt mặt về thị giá trong tuần đầu năm Quý Mão 2023.

Chốt tuần giao dịch đầu năm mới Quý Mão 2023, cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG tiếp tục tăng kịch trần lên mức 444.300 đồng/cổ phiếu. Với biên độ dao động 15% trên sàn UPCoM, cổ phiếu này đã có thêm 57.900 đồng dù chỉ với 100 đơn vị được khớp lệnh; hiện giữ vững ngôi vị “đắt đỏ” nhất sàn chứng khoán.

Cổ phiếu nào có giá cao nhất sàn chứng khoán Việt? - Ảnh 1.

Cổ phiếu VNZ của Công ty CP VNG đang có giá cao nhất sàn chứng khoán Việt

VNG

Đáng chú ý, dù chính thức lên giao dịch trên UPCoM từ 5.1 với giá tham chiếu 240.000 đồng/cổ phiếu nhưng cổ phiếu VNZ không có bất kỳ giao dịch nào trong suốt tháng 1 vừa qua. Chỉ đến phiên 1.2 sau Tết Quý Mão, bất ngờ có 100 cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh và đẩy giá tăng trần hết biên độ (40%) lên 336.000 đồng/cổ phiếu. Liên tục 2 phiên vừa qua, cổ phiếu này cũng xuất hiện tình trạng chỉ có 100 đơn vị giao dịch trong mỗi phiên nhưng giúp giá tiếp tục lên kịch trần, vượt mặt mọi cổ phiếu từ trước đến nay trên sàn chứng khoán Việt.

Chỉ sau 3 phiên tăng trần liên tiếp (1 - 3.2), vốn hóa công ty VNG có thêm 7.400 tỉ, lên xấp xỉ 15.930 tỉ đồng. Trong đó, chỉ riêng CEO Lê Hồng Minh đang nắm hơn 3,5 triệu cổ phiếu VNZ (tỷ lệ 9,837% vốn) cũng có tài sản trị giá trên 1.560 tỉ đồng, vượt mặt nhiều người giàu trên sàn chứng khoán.

Đặc biệt, việc tăng trần 3 phiên liên tiếp của mã chứng khoán VNZ càng gây chú ý khi công ty vừa công bố báo cáo tài chính năm 2022 với mức lỗ ròng lên đến 1.315 tỉ đồng, trong đó lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ở mức 858 tỉ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của VNG.

So với kế hoạch cả năm 2022 đã đặt ra với doanh thu 10.178 tỉ đồng và lỗ sau thuế 993 tỉ đồng, VNG chỉ đạt 77% kế hoạch doanh thu và lỗ sau thuế vượt ngoài con số dự kiến.

Năm 2022, VNG rót thêm hơn 1.000 tỉ đồng vào các startup, nhưng trong danh mục, chỉ có khoản đầu tư vào Dayone là ghi nhận lãi trong năm. Tính đến 31.12.2022, lỗ lũy kế từ việc đầu tư của VNG đã lên tới 643 tỉ đồng. Một số khoản lỗ từ đầu tư có thể kể như sàn thương mại điện tử Tiki có khoản lỗ lũy kế đã bằng đúng với số tiền đầu tư (510 tỉ đồng). Ba khoản lỗ lớn tiếp theo nằm tại Telio (lỗ 58 tỉ đồng), Funding Asia (lỗ 44 tỉ đồng), và Ecotruck (lỗ 24 tỉ đồng)...

Xem nhanh 12h ngày 4.2: Quốc Cơ-Quốc Nghiệp lập kỷ lục | Hai vụ án hy hữu ở Thanh Hóa, Đà Nẵng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.