'Chuyển hướng' đáng chú ý về đề thi THPT quốc gia năm 2019

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
22/03/2019 16:57 GMT+7

Cùng với những thay đổi mạnh về khâu chấm thi THPT quốc gia năm 2019 nhằm bịt kẽ hở sai phạm của năm 2018, nội dung đề thi cũng những chuyển hướng được thí sinh mong đợi.

Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa chính thức ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia, áp dụng cho kỳ thi năm 2019.

Bỏ lộ trình về đề thi quy định từ năm 2017

Về nội dung thi, quy chế  được sửa đổi như sau: Nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Như vậy, so với quy chế thi THPT quốc gia ban hành năm 2017, nội dung đề thi đã có thay đổi đáng kể, nội dung thi chỉ chủ yếu trong chương trình lớp 12, không thực hiện theo lộ trình mà quy chế năm 2017 đã ban hành, đó là: năm 2017, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 12 THPT; năm 2018, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT (nghĩa là bao gồm cả chương trình lớp 10, lớp 11, 12).
Sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 xảy ra ở một số hội đồng thi dành riêng cho thí sinh tự do. Chính vì vậy, một trong những điều chỉnh Quy chế thi THPT quốc gia 2019 là thí sinh tự do, thí sinh giáo dục thường xuyên được bố trí dự thi chung với thí sinh giáo dục THPT là học sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi tại một số điểm thi do giám đốc sở GD-ĐT quyết định. Tại các điểm thi đó, việc lập danh sách để sắp xếp phòng thi được thực hiện theo quy định (không phân biệt thí sinh tự do, giáo dục thường xuyên..).

Bịt “kẽ hở” về kỹ thuật chấm thi

Kỳ thi năm 2018 xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi. Do vậy, về bảo quản, sử dụng đề thi và bảo quản bài thi tại điểm thi, theo quy chế, đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt. Tủ đựng đề thi, tủ đựng bài thi phải đảm bảo chắc chắn, phải được khoá và niêm phong (nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của trưởng điểm và phó trưởng điểm là người của trường đại học, cao đẳng phối hợp), chìa khóa do trưởng điểm thi giữ.
Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có lực lượng công an trực và bảo vệ 24 giờ/ngày; đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ. Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải đảm bảo an toàn, chắc chắn; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày; có công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày và 1 cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi của trường đại học, cao đẳng (phó trưởng điểm thi hoặc thư ký) thường trực đêm tại phòng trong thời gian đề thi, bài thi được lưu tại điểm thi.
Sau khi bàn giao xong, túi đựng bài thi, phiếu thu bài của từng phòng thi được thư ký của điểm thi cùng 2 cán bộ coi thi niêm phong tại chỗ.
Đối với chấm bài thi trắc nghiệm, Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi. Trường đại học, cao đẳng cử người đúng thành phần để thành lập ban chấm thi trắc nghiệm. Người có người thân dự thi trong năm tổ chức kỳ thi không tham gia ban chấm thi trắc nghiệm tại địa phương nơi người thân dự thi.
Bộ GD-ĐT thực hiện thanh tra trực tiếp tất cả các nhiệm vụ của ban chấm thi trắc nghiệm theo quy định.
Sở GD-ĐT địa phương chịu trách nhiệm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, tài chính… Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm là lãnh đạo trường đại học đảm nhiệm. Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm điều hành công tác chấm thi trắc nghiệm và chịu trách nhiệm trước trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia về thời gian, quy trình và chất lượng chấm thi.
Điểm thi chiếm 70% tổng điểm xét tốt nghiệp THPT
Thay vì điểm thi và điểm xét học bạ lớp 12 đều chiếm trọng số 50 - 50 như các năm gần đây, từ 2009, tổng điểm các bài thi THPT quốc gia chính thức chiếm tỷ lệ 70% trong tổng số điểm xét tốt nghiệp, 30% còn lại là điểm trung bình cả năm lớp 12 cộng với điểm ưu tú (nếu có).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.