Chuyện hoàng tử Cảnh đi theo Giám mục Bá Đa Lộc sang Pháp

08/05/2022 14:58 GMT+7

Theo thông lệ, khi vị quốc trưởng không đích thân thương thảo với phía đối tác, sẽ cho một người con đi để làm tin, chúa Nguyễn quyết định cho con trai cả mới bốn tuổi là hoàng tử Cảnh theo Giám mục Bá Đa Lộc sang Pháp.

Đầu năm 1785 hoàng tử Cảnh mới xuống tàu đi Pháp, có sự kèm cặp của Bá Đa Lộc, hai thuộc tướng của chúa Nguyễn Ánh là Phạm Văn Nhân và Nguyễn Văn Liêm. Trước đó, sau khi vượt thoát được sự bao vây của thủy quân Tây Sơn tại Côn Đảo (“Đảo Côn Lôn” trong Đại Nam thực lục và “Poulo - Condore”) trong các tư liệu của người Pháp vào tháng 7 âm lịch 1783, chúa Nguyễn Ánh phải di chuyển như con thoi từ đảo này qua đảo khác để tránh sự truy đuổi tiếp của đối phương.

Thủ phủ Pondichéry thuộc Pháp vào thế kỷ 18

T.L LÊ NGUYỄN

Lúc bấy giờ, ông mới thực hiện một mưu tính đã được sắp xếp từ lâu. Đó là cho mời Giám mục Bá Đa Lộc đang ở Chantabun (Thái Lan) đến tương kiến để bàn về kế hoạch cầu viện nước Pháp.

"Nước cờ" mới của chúa Nguyễn Ánh

Hầu hết tư liệu viết về sự kiện này đã bỏ sót một chi tiết quan trọng, đó là trước khi có sự hội kiến giữa chúa Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc vào năm 1783, “Hội đồng hoàng gia ở Đàng Trong” (người Pháp viết “Conseil royal de la Cochinchine”) đã nhóm họp và thông qua một nghị quyết (délibération) với 14 điều khoản, trong đó quan trọng hơn cả có điều 6 (Pháp giúp chúa Nguyễn 1.500 quân), điều 8 (nhượng cảng Đà Nẵng cho Pháp), điều 10 (nhượng Côn Đảo) cho Pháp.

Bản nghị quyết đề ngày mùng 10 tháng 7 âm lịch năm Cảnh Hưng - niên hiệu của vua Lê Hiển Tông (1717-1786). Trong suốt thời gian trị vì, các chúa Nguyễn luôn sử dụng niên hiệu của vua Lê trong các văn kiện, giấy tờ do phủ chúa ban hành) - thứ 43, nhằm ngày 18.8.1872 và hiện bản gốc của văn kiện này còn được lưu trữ tại văn khố Bộ Ngoại giao Pháp ( Alexis Faure - sđd, trang 53-54).

Điều này cho thấy chỉ 4 tháng sau khi bị quân Tây Sơn đánh bật ra khỏi Sài Gòn và các địa phương phía Nam, Nguyễn vương đã có kế hoạch chi tiết về việc cầu viện nước Pháp.

Nội dung bản nghị quyết gần như được tái hiện hoàn toàn trong Thỏa ước Versailles được hai bên Việt - Pháp ký tại Paris 5 năm sau đó (28.11.1787). Với nghị quyết trên, Côn Đảo đã trở thành một “món hàng” đắt giá mà chúa Nguyễn Ánh muốn sử dụng để có được những phương tiện cần thiết hòng lật lại thế cờ đang nghiêng về phía nhà Tây Sơn.

Chân dung Bá Đa Lộc trong tác phẩm 'Mgr Pigneau de Béhaine .....'

Tàu buôn của Công ty Đông Ấn thuộc Pháp (1780)

T.L LÊ NGUYỄN

Như vậy, số phận của nó đã được quyết định từ năm 1782, không phải chờ đến khi chúa Nguyễn lưu lạc trên đất Xiêm (Thái Lan) vào năm 1784 như nhiều người lầm tưởng. Theo thông lệ về giao ước giữa hai nước, khi vị quốc trưởng không đích thân thương thảo với phía đối tác, sẽ cho một người con của mình đi để làm tin, chúa Nguyễn quyết định cho con trai cả mới bốn tuổi là hoàng tử Cảnh đi theo Giám mục Bá Đa Lộc sang Pháp (Đại Nam thực lục - Tập 1- sđd, trang 218).

Tuy nhiên, phải chờ đến đầu năm 1785 hoàng tử Cảnh mới xuống tàu đi Pháp, có sự kèm cặp của Bá Đa Lộc, hai thuộc tướng của chúa Nguyễn Ánh là Phạm Văn Nhân và Nguyễn Văn Liêm.

Ngay trong thời gian đầu của chuyến đi, đã có những dấu hiệu bất ổn, báo trước một tương lai không mấy sáng sủa trong sứ mạng của Bá Đa Lộc. Trong hành trình sang Pháp, cuối tháng 2.1785, tàu của phái bộ ghé lại vùng Pondichéry thuộc Pháp trên đất Ấn Độ đang nằm dưới quyền cai trị của một Thiếu tướng Pháp tên Coutanceau des Algrains (1730-1788).

Sau khi nghe qua lời kể của vị Giám mục về tình hình cuộc nội chiến tại Việt Nam và nhu cầu hỗ trợ của chúa Nguyễn, Coutanceau khẳng định dứt khoát chủ trương không nhúng tay vào chuyện này.

Phần mộ của Toàn quyền Ấn Độ thuộc Pháp Coutanceau des Algrains (1746-1811) tại Paris ngày nay

T.L LÊ NGUYỄN

Trong bức thư viết riêng cho một người bạn thân, viên chức này đã thổ lộ “Tôi nghi ngờ là ông Giám mục thân mến (ám chỉ Bá Đa Lộc - LN) mà người ta cho biết là rất thân tình với quốc vương Đàng Trong đang có một tham vọng lớn muốn gia tăng lợi tức và sự cả tin của những người theo Thiên Chúa giáo ở vương quốc này…” (Georges Taboulet - La geste française en Indochine - Paris 1955, trang 180).

Thái độ bất hợp tác của viên Toàn quyền đẩy Giám mục Bá Đa Lộc vào một tâm trạng hụt hẩng, đến nỗi ông ta đã đi đến một quyết định bất ngờ. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.