Chuyển hồ sơ 7 cục trưởng sai phạm dự trữ gạo sang cơ quan điều tra

Anh Vũ
Anh Vũ
07/05/2020 21:09 GMT+7

Để các doanh nghiệp “gửi gạo” trong kho dự trữ quốc gia trái quy định , 7 cục trưởng bị tạm đình chỉ và hồ sơ được chuyển ngay sang cơ quan điều tra, Bộ Công an.

Theo Bộ Tài chính, qua thanh tra đã phát hiện 7 Cục Dự trữ nhà nước khu vực (DTNNKV) sai phạm trong quản lý dự trữ gạo quốc gia. Đợt kiểm tra này được tiến hành trên 22 cục Dự trữ khắp cả nước.
Trước đó, chính sách xuất khẩu gạo có nhiều bất cập, gây bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp, cũng như người dân cả nước. Đặc biệt, các thủ tục liên quan tới hải quan.
Đối với chính sách dự trữ gạo quốc gia, Tổng cục Dự trữ nhà nước đã liên tục than phiền về việc không mua được 190.000 tấn gạo dự trữ năm 2020, khi doanh nghiệp đã trúng thầu bỏ cuộc. Cơ quan này đã đứng ra đề xuất không cho xuất khẩu gạo tẻ, đặc biệt với các doanh nghiệp không ký hợp đồng. Trong số 28 doanh nghiệp, có 24 doanh nghiệp từ chối với số gạo trúng thầu là 170.300 tấn.
Tuy nhiên, điều rất đáng ngạc nhiên, trong khi đề nghị Bộ Công thương cấm xuất khẩu gạo "cho đến khi mua đủ gạo dự trữ quốc gia", thì 7 cục trưởng, chi cục trưởng các đơn vị trên, đã cho cá nhân, doanh nghiệp gửi gạo trong kho dự trữ của nhà nước không đúng quy định của luật Dự trữ nhà nước và văn bản hướng dẫn quản lý, sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, kho dự trữ quốc gia của Tổng cục Dự trữ nhà nước. 7 cục này gồm: Cục DTNNKV Hà Bắc, Đông Bắc, Bắc Thái, Hà Nội, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên và Thanh Hoá.
Nhận thấy có nhiều dấu hiệu sai phạm, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo Đoàn kiểm tra của Thanh tra Bộ Tài chính chuyển ngay hồ sơ vụ việc sai phạm về dự trữ gạo quốc gia sang Cơ quan điều tra - Bộ Công an để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. 

Lúa được mùa nhưng vẫn không mua được gạo dự trữ là vấn đề nhức nhối

Ảnh Gia Khiêm

Làm rõ trách nhiệm của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tại Tổng cục Dự trữ nhà nước, ông Đỗ Việt Đức hiện đang giữ chức Tổng cục trưởng. Trong văn bản chỉ đạo đoàn thanh tra, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Tổng cục trưởng và các vụ chức năng có liên quan về công tác kiểm tra, giám sát khi để xảy ra sai phạm trên.
Trước đó, trả lời về lý do doanh nghiệp bỏ ký hợp đồng sau khi trúng thầu gạo dự trữ, ông Đức cho biết do giá gạo tăng, các doanh nghiệp mua được không đủ nguồn cung ứng. Đến thời điểm hiện tại, 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia vẫn đang chờ đấu thầu đợt 2.
“Về việc đấu thầu mua gạo sắp tới, sẽ phải làm ngắn nhất về thời gian và trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, cố gắng theo quy định trong vòng 10 ngày để đấu thầu và mua được đủ số gạo theo quy định. Nếu doanh nghiệp tiếp tục bỏ hợp đồng, sẽ báo cáo các cơ quan cấp trên, nếu không mua được đủ dữ trữ nữa thì đành chịu!”, ông Đức nói.
Liên quan đến chính sách xuất khẩu gạo, từ chiều 24.4, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam đã ký quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1.1 đến ngày 31.5.2020, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra. 
Mục đích thanh tra là làm rõ có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đồng thời, làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc công khai, minh bạch liên quan đến việc làm thủ tục hải quan và việc đăng ký mở tờ khai hải quan khi xuất khẩu gạo; báo cáo Thủ tướng trong tháng 6 tới. 
Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chỉ đạo điều tra về dấu hiệu tiêu cực trong quản lý hoạt động xuất khẩu gạo thời gian qua mà báo chí, mạng xã hội và doanh nghiệp nêu nghi vấn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.