Chuyện hậu trường của Quan Văn Chuẩn

16/06/2022 08:56 GMT+7

Từ vị trí kép phụ, Quan Văn Chuẩn trở thành nhân vật chính trong bộ phim “cuộc hành trình kỳ thú của U.23 Việt Nam tại U.23 châu Á 2022”. Cầu thủ dân tộc Tày có quá nhiều trải nghiệm đáng nhớ, với cả niềm vui và luyến tiếc.

Chuẩn không phải chỉnh

Trong danh sách đăng ký 23 cầu thủ thi đấu VCK U.23 châu Á 2022, U.23 Việt Nam có 3 thủ môn, dĩ nhiên Nguyễn Văn Toản được HLV Gong Oh-kyun xếp vị trí số 1, kế đến mới là Quan Văn Chuẩn. Nhưng sự cố không may xảy ra với học trò (Toản bị chấn thương ngón tay trận đầu tiên giữa U.23 Việt Nam và Thái Lan) khiến thầy Gong buộc phải thay đổi tính toán ban đầu, đôn thủ môn số 2 lên bắt chính. Được ra sân từ phút 38 và từ đó đến khi sự cố không may xảy ra với chính mình (bị thẻ đỏ phút 77 trận tứ kết với U.23 Ả Rập Xê Út vì lỗi lao lên cản phá tình huống tấn công có thể biến thành bàn thắng của đối phương), Chuẩn bắt “chuẩn không phải chỉnh”. Tám lần cứu thua giúp U.23 Việt Nam có được thành tích khá ấn tượng ở giải U.23 châu Á năm nay, còn Văn Chuẩn lọt vào tốp 5 thủ môn nổi bật nhất giải tính đến hết ngày 15.6.

Thủ môn Quan Văn Chuẩn chơi ấn tượng tại VCK U.23 châu Á 2022

Phúc Thắng

Hôm nọ, một độc giả cứ thắc mắc, sao tên của Chuẩn… lạ thế. Đem thắc mắc này hỏi mẹ Chuẩn, bà Ma Thị Bình cười rồi kể: “Nó chuẩn từ hồi vừa ở bụng mẹ chui ra. Tôi sinh con vào ngày 7.1.2001, ngày âm là ngày 14. Theo phong tục của người Tày, nếu đẻ con vào đúng ngày rằm, ngày 15 âm lịch, gia đình phải cúng 3 con lợn. Nhưng Chuẩn chui ra đúng vào 14, tức là sớm hơn một ngày. Vì thế, nhà chỉ cúng 1 con lợn thôi. Bác trai thấy vậy đặt tên cháu là Chuẩn. Vì chuẩn quá, không làm nhà phải rơi vào cảnh tốn… lợn.

Gia đình tôi cũng ngạc nhiên là lớn lên, khoảng 3 hay 4 tuổi gì đó, Chuẩn đã thích bóng đá. Nhà khi đó khó khăn nên anh của Chuẩn phải tự bẻ lá chuối khô để cuốn thành quả bóng cho em tập. Năm Chuẩn 9 tuổi, thôn tôi có làm đường cho bà con dễ đi lại hơn. Mọi người ra bờ suối xúc cát kiếm tiền. Chuẩn cũng vác xẻng đi gom cát để bán, đâu được 20.000 đồng. Chuẩn cầm tờ tiền về, nhờ bố ra thị trấn mua một quả bóng da. Không có sân tập, hai anh em Chuẩn cứ chỉ biết đá vào bức tường ngăn nhà chúng tôi và hàng xóm. Chuẩn tập say sưa lắm. Có bận, bác hàng xóm chạy sang trêu, thằng Chuẩn lớn tí nữa cho lên Hà Nội làm cầu thủ rồi biết đâu có ngày lại được lên ti vi. Chuẩn chỉ cười cười”.

Cậu bé 10 tuổi nhớ mẹ da diết

Quê Chuẩn ở thôn Bản Chỏn, xã Phúc Sơn, H.Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, cách Hà Nội khoảng 6 tiếng đi ô tô. Năm 2011, trường cấp 2 của Chuẩn thông báo trên tỉnh về tuyển cầu thủ trẻ. Chuẩn mừng quá, chạy ba chân bốn cẳng về nhà, hớt hải xin bố mẹ từ ngoài cửa. “Gia đình nhất trí ngay vì thấy con mê bóng đá, ai nỡ ngăn cản. 5 giờ sáng tinh mơ hôm ấy, tôi chở con bằng xe máy xuống huyện dự thi. Đường đi rất khó, gập ghềnh. Tôi và Chuẩn phải đi đường đèo mất mấy tiếng đồng hồ. Xuống đến nơi, Chuẩn cứ tần ngần đứng trước cái áo tập bóng đá màu cam người ta treo để bán. Chuẩn có vẻ mê lắm mà không dám xin mẹ tiền mua. Tôi hỏi, con thích không? Chuẩn gật đầu. Áo giá 15.000 đồng. Tính cả tiền ăn uống, đi lại thì mẹ con tôi cũng tiêu hết hơn 100.000 đồng, bằng khoảng 2 - 3 ngày công làm nông của bố mẹ lúc ấy”, bà Ma Thị Bình chia sẻ.

Mẹ mua cho đồ mới, Chuẩn thay lập tức và cậu bé áo cam sau 2 hiệp thể hiện tài năng, được các thầy đánh giá là hay nhất trong số những thiếu niên tham dự thi tuyển. Chuẩn được tuyển lên Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Tuyên Quang, gia nhập đội U.11. “Tôi lo con còn nhỏ, chưa xa bố mẹ bao giờ. Thấy tôi lo, Chuẩn tự giác ngủ riêng một mình, không ngủ chung với bố mẹ nữa”, mẹ Chuẩn kể. Cứng cỏi là thế nhưng khi bắt đầu ăn tập như một cầu thủ bóng đá thực thụ, cậu bé 10 tuổi nhớ mẹ da diết. Trước ngày xa gia đình, Chuẩn bảo mẹ phải ở lại ngủ với con 1 tuần. Thế là cứ thứ hai đến thứ sáu, mẹ ở lại nơi tập với Chuẩn, đến sáng thứ bảy mới về nhà. Xe đúng 12 giờ xuất bến, Chuẩn đang ăn cơm với các bạn, thấy mẹ lại hớt hải chạy theo xe.

Ngã rẽ không ngờ

Năm 11 tuổi, Chuẩn được CLB Hà Nội đưa về đội trẻ U.15 nhưng chơi ở vị trí hậu vệ. Một đợt đội không có thủ môn, các thầy thấy Chuẩn cũng có tố chất bắt gôn nên “thuyên chuyển vị trí công tác”. Khỏi phải nói, lúc ấy Chuẩn buồn và thất vọng cỡ nào vì Chuẩn không bao giờ nghĩ sự nghiệp mình lại làm thủ môn. Nhưng được khoảng vài tháng, Chuẩn bắt đầu mê vị trí mới bởi “tưởng không hay mà hóa ra lại hay không tưởng”, dù làm thủ môn vừa vất vả vừa cực kỳ áp lực.

Chuẩn tiến bộ cực nhanh nên rồi cũng đến ngày, chàng trai trẻ được gọi vào đội U.19, U.21 quốc gia. Dĩ nhiên trước đó, Chuẩn đã chơi quá hay trong màu áo U.19 hay U.21 Hà Nội. Chuẩn từng được trao danh hiệu thủ môn xuất sắc nhất giải U.19 rồi U.21 quốc gia. Mẹ Chuẩn bảo: “Hôm Chuẩn cầm tiền thưởng giải U.19 quốc gia về cho bố mẹ, vợ chồng tôi cảm động và thương con lắm. Không phải vì con mang tiền về thì thấy vui mà vì thấy con đã trưởng thành, đã biết kiếm tiền bằng sức lao động chân chính”.

Hãy nghe HLV Dương Hồng Sơn, Quả bóng vàng Việt Nam năm 2008, người thầy uốn nắn và dìu dắt Chuẩn, chia sẻ về học trò: “Văn Chuẩn là mẫu thủ môn tiềm năng. Cậu ấy là trường hợp thủ môn hiếm hoi chơi chân tốt khi còn trẻ. Điều cậu ấy thiếu là kinh nghiệm thi đấu. Dần dần theo thời gian, Văn Chuẩn sẽ nằm trong danh sách những thủ môn hàng đầu Việt Nam. Tương lai rất sáng đang chờ Chuẩn phía trước”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.