Chuyên gia quốc tế đánh giá về kinh tế Việt Nam giữa thách thức toàn cầu

03/11/2022 07:15 GMT+7

Dù chỉ ra nhiều kết quả khả quan, nhưng trả lời Thanh Niên , một số chuyên gia quốc tế cũng chỉ ra một số thách thức mà kinh tế Việt Nam đối mặt giữa bối cảnh chung toàn cầu.

Thời gian qua, kinh tế toàn cầu gặp không ít khó khăn bởi vừa phải hồi phục hậu Covid-19, vừa chịu ảnh hưởng từ xung đột ở Ukraine và trải qua thực tế lạm phát tăng cao ở nhiều nước. Giữa bối cảnh như vậy, Cục Dự trữ liên bang (Mỹ) tăng lãi suất cơ bản, đồng thời tỷ giá hối đoái của USD cũng tăng lên gây ảnh hưởng nhiều nền kinh tế.

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, GS David Dapice (chuyên gia kinh tế tại Trung tâm ASH thuộc Trường Chính sách công Kennedy của Đại học Harvard, Mỹ) và chuyên gia kinh tế Eric Chiang (Công ty phân tích Moody’s, thuộc Tập đoàn dịch vụ đầu tư Moody’s - là 1 trong 3 đơn vị xếp hạng tín nhiệm tài chính uy tín nhất thế giới) đã đưa ra một số nhận định về kinh tế Việt Nam giữa tình hình hiện nay.

Xuất khẩu VN được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng

Lê Tân

Việt Nam đang ở vị trí tốt hơn nhiều quốc gia

Ông đánh giá thế nào về kinh tế Việt Nam gần đây?

GS Dapice: Nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt nhưng chính sách của Fed và USD mạnh đang khiến lãi suất trên toàn thế giới tăng. Diễn biến này gây ra một số vấn đề cho những bên vay USD cũng như các doanh nghiệp không có nguồn thu bằng USD, điển hình như nhóm kinh doanh bất động sản. Dù không bị mất giá nhiều như các ngoại tệ khác, nhưng Việt NamĐ mất giá nhẹ vẫn góp phần tăng lạm phát. Tuy nhiên, tôi kỳ vọng hoạt động kinh tế toàn cầu sẽ nhẹ nhàng hơn, giảm bớt áp lực lên giá cả của nhiều loại hàng hóa đang được thanh toán bằng USD. Chính phủ Việt Nam đang có ít nợ hơn các nước khác và chính sách vĩ mô được thực hiện thận trọng. Nhìn chung, Việt Nam đang ở vị trí tốt hơn nhiều quốc gia, mà một trong những động lực là nhờ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đổ vào Việt Nam.

Chuyên gia Eric Chiang: Theo công bố, GDP của Việt Nam vào quý 3/2022 tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng này giảm 3,3% so với quý trước khi hiệu chỉnh các yếu tố mùa vụ. Tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại do nhu cầu bị dồn nén đã giảm dần. Kinh tế Mỹ và châu Âu suy thoái đang đè nặng lên Việt Nam do nhu cầu nhập khẩu ở 2 thị trường trên thấp hơn.

Mức độ tăng trưởng có thể “khựng” lại vào quý 1/2023 khi xuất khẩu sang các nước châu Á bị chậm lại. Xuất khẩu của Việt Nam sẽ dần tăng tốc khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi vào giữa năm 2023. Nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ được thúc đẩy bởi dòng vốn FDI. Chi tiêu của người tiêu dùng cũng sẽ tăng lên khi tâm lý người tiêu dùng và kinh doanh được cải thiện, trong khi lợi nhuận trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng vào năm 2023.

Cân bằng chênh lệch lãi suất

Đầu tháng 11 này, Fed tiếp tục tăng lãi suất trong khi USD đang ở mức cao. Điều này tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?

GS Dapice: Fed dự kiến tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm, nhưng lãi suất trái phiếu Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với lạm phát. Đối với Việt Nam, diễn biến này tạo ra tác động là đối với những bên vay USD và không có nguồn thu USD như đã nói. Tác động của tỷ giá USD đối với thương mại trực tiếp của Việt Nam là không lớn. Tác động gián tiếp của suy thoái hoặc suy thoái toàn cầu sẽ làm giảm tăng trưởng xuất khẩu, nhưng sẽ được bù đắp bằng thông qua chuỗi hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Chuyên gia Eric Chiang: Giống như tiền tệ của các thị trường mới nổi khác, Việt NamĐ đang giảm giá so với USD. Nguyên nhân là do USD mạnh lên trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Mỹ bị thắt chặt hơn và tâm lý ngại rủi ro toàn cầu. Việt NamĐ đã mất gần 9% giá trị kể từ đầu năm, gây áp lực buộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải tăng lãi suất.

Có lẽ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục thắt chặt lãi suất để ổn định tiền đồng, kể cả sau 2 đợt tăng liên tiếp 1 điểm phần trăm vào tháng 9 và tháng 10. Chúng tôi nhận định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tăng lãi suất song song với Fed để cân bằng chênh lệch lãi suất giữa hai bên, ngăn dòng vốn ngắn hạn chảy ra.

Phân loại doanh nghiệp theo “sức khỏe” tài chính

Vậy thì chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam sắp tới nên thế nào?

GS Dapice: Chính sách kinh tế của Việt Nam nên tập trung giải quyết tình hình trái phiếu doanh nghiệp vốn đang có nhiều thách thức. Cần phân loại những bên nào cần được thúc đẩy nguồn vốn từ ngân hàng, bên nào nên được phá sản hoặc sáp nhập là vấn đề quan trọng đối với Việt Nam lúc này. Một số ngân hàng tăng lãi suất mạnh cũng có thể là một vấn đề. Dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì và tăng trưởng, dù sắp tới chậm lại nhưng vẫn sẽ tích cực. Và tôi hy vọng áp lực lạm phát sẽ giảm vào năm 2023.

Chuyên gia Eric Chiang: Việt Nam cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng kinh doanh để thu hút đầu tư có giá trị cao hơn. Nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông xung quanh các khu công nghiệp có thể là một hướng đi, sẽ giảm được tình trạng tắc nghẽn.

Thách thức chính khác mà Việt Nam phải giải quyết là giữ lạm phát dưới mức 4% như mục tiêu đề ra. Việt Nam đã cố gắng hạn chế việc tăng giá trong giai đoạn đầu của lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, áp lực lạm phát đã lan sang nhiều loại sản phẩm hơn, bao gồm cả thực phẩm và dịch vụ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.