Chuyên gia Pháp cung cấp bằng chứng về bức tranh 'Trừu tượng'

16/07/2016 17:54 GMT+7

Từ ngày 15.7, giới yêu nghệ thuật Việt xôn xao quanh bức ảnh được cho là của chuyên gia mỹ thuật người Pháp Jean-François Hubert gửi cho trang nghethuatxua.com , để chứng minh họa sĩ thực sự của bức Trừu tượng là Tạ Tỵ, chứ không phải là Thành Chương. Bức ảnh nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội và được nhiều báo chí Việt đăng tải.

Trong ảnh, từ trái sang là đạo diễn Trần Thịnh, nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân, hoa sĩ Bùi Xuân Phái và nhà sưu tập mỹ thuật Nguyễn Bá Đạm. Ông Thịnh vốn là chồng bà Thẩm Thị Đôn - con gái cụ Thẩm Hoàng Tín (1909 - 1991), nguyên thị trưởng Hà Nội những năm 1950-1952. Theo ông Hubert, bức ảnh trên được chụp ở Hà Nội năm 1972, và được ông Trần Anh Tuấn - con trai ông Trần Thịnh cung cấp khi ông mua bức Trừu tượng từ bộ sưu tập cá nhân của ông Tuấn.
Ông Jean-François Hubert vốn là một chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á của Hãng đấu giá Christie’s Hồng Kông, là người đã bán 17 bức tranh của bộ tứ huyền thoại làng hội họa Việt Nam Nghiêm-Liên-Sáng-Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái) và nhiều bức tranh khác của các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương nổi tiếng như Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sỹ Ngọc, Tạ Tỵ… cho nhà sưu tập Vũ Xuân Chung. Các bức tranh trên hiện trưng bày tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu (từ ngày 10-21.7 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM) và ngày càng dấy nên tranh cãi gay gắt về mức độ thật-giả.
Tuy nhiên, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng lại cho rằng, bức ảnh trên được chụp trong khoảng những năm cuối 1980 vì họa sĩ Bùi Xuân Phái ở độ tuổi và quấn chiếc khăn giống như trong các bức chân dung mà họa sĩ Đăng từng vẽ ông vào thời gian này.
Cũng theo họa sĩ Đăng, bức ảnh có tranh mang chữ ký Tạ Tỵ đã được cắt ghép vụng về. “Cạnh dưới của bức tranh thì dính vào mặt cửa, nhưng cạnh trên không được chỉnh theo viễn cận của cánh cửa nên không dính theo khuôn trổ trên cửa. Bức tranh được vẽ trên canvas căng trên strainer, nhưng trong ảnh nó mỏng như được in trên tờ giấy. Mà đúng là in trên giấy thật, vì nó được cắt từ ảnh chụp phẳng ra rồi ghép vào. Đó là chưa kể không ai đi treo tranh trên cửa ra vào để nó rơi xuống khi mở đóng cửa”, họa sĩ Đăng giải thích.
Chuyên gia Pháp cung cấp bằng chứng về tranh Trừu Tượng 1
Bức ảnh không có tranh Trừu tượng trên cửa Ảnh: Hà Tường
Còn trong tấm ảnh gốc mà gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái công bố lên mạng từ ngày 16.8.2014 lại không hề thấy bóng dáng bức tranh nào trên cửa. Bức ảnh được chú thích chụp vào ngày 22.12.1985 tại 87 Thuốc Bắc, nhân bữa tiệc rượu do gia đình Bùi Xuân Phái khoản đãi dịp kỷ niệm một năm ngày khai mạc triển lãm cá nhân đầu tiên và duy nhất trong sự nghiệp lao động nghệ thuật của ông.
“Kẻ ghép ảnh quá kém cỏi, ghép tranh Thành Chương không biết cắt viễn cận. Sao lại thế? Cháu tôi nó làm tốt hơn”, họa sĩ Lê Huy Tiếp nói.
Giải quyết bằng cách nào?
Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng cho rằng: “Chính ông Hubert đã nói: “Tôi là người yêu nghệ thuật Việt Nam trong nhiều năm rồi. Tôi sẽ sẵn sàng đương đầu với bất cứ ai trong lĩnh vực này, nếu có một cuộc gặp mặt để trao đổi trực tiếp, thẳng thắn, sòng phẳng”. Và ông Vũ Xuân Chung chắc chắn không muốn bộ sưu tập của mình bị mang tiếng tranh giả. Bảo tàng không có quyền bắt đối chất, nhưng bảo tàng bao giờ cũng có thể tổ chức tọa đàm và lịch sự mời các bên tham dự. Vì thế tôi nghĩ, nếu đúng là không có gì khuất tất, thì hai ông này sẽ ngồi vào tọa đàm, nếu được mời. Phía ta, những người tin tưởng đó là tranh giả cần có bằng chứng thuyết phục để đem ra đối chất. Còn nếu không, về danh chính ngôn thuận, sẽ không khẳng định được một cái gì hết. Kể cả họa sĩ Thành Chương cũng cần chứng minh được đó chính là tranh mình vẽ”.
Nhiều nhà phê bình, họa sĩ khác cũng nhất trí về ý kiến Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM nên tổ chức một cuộc đối chất giữa các ông Jean-François Hubert và Vũ Xuân Chung với các họa sĩ, chuyên gia sơn mài, sơn dầu và nhà phê bình mỹ thuật Việt Nam ngay tại bảo tàng trước sự hiện diện của bộ sưu tập nói trên. Trao đổi với vợ chồng họa sĩ Thành Chương, được biết hiện họa sĩ cũng rất bận rộn đi lục lọi lại đám giấy tờ phác thảo cũ để tìm kiếm những gì bằng chứng chứng tỏ bức Trừu tượng là do mình vẽ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.