Chuyên gia nói gì về thói quen vừa thức dậy đã nhâm nhi tách cà phê?

Thiên Lan
Thiên Lan
29/04/2023 04:34 GMT+7

Nhiều người có thói quen bắt đầu ngày mới bằng một tách cà phê. Nhưng liệu có nên uống cà phê khi bụng đói?

Cách caffein ảnh hưởng đến từng người là khác nhau, và cần có nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu tác động của cà phê đối với cơ thể, theo trang tin sức khỏe Eating Well.

Sau đây, chuyên gia sẽ nói về thói quen uống cà phê vào sáng sớm lúc bụng đói.

Cô Sarah Koszyk, chuyên gia dinh dưỡng, đồng sáng lập MIJA, một công ty chăm sóc sức khỏe của Mỹ, chia sẻ: Có người sảng khoái khi uống cà phê lúc bụng đói, nhưng nói chung, khi cà phê vào dạ dày còn trống sẽ gây ra tác động nhất định.

Chuyên gia nói gì về thói quen vừa thức dậy đã nhâm nhi tách cà phê - Ảnh 1.

Nhiều người có thói quen bắt đầu ngày mới bằng 1 tách cà phê

Shutterstock

Cà phê và chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Theo chuyên gia Sarah Koszyk, nhiều người thích uống một tách cà phê vào buổi sáng, ngay khi thức dậy. Mặc dù, dựa trên cơ sở nghiên cứu hiện có, thì điều này không có khả năng gây hại hoặc tổn thương cho dạ dày, nhưng cần phải xem xét lượng axit dạ dày tiết ra khi uống cà phê và liệu bạn có dễ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và bị ợ chua không, theo Eating Well.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Clinical Gastroenterology and Hepatology đã lưu ý rằng việc uống cà phê, trà và nước ngọt có ga làm tăng các triệu chứng GERD.

Vì vậy, bạn cần lưu ý cách cơ thể phản ứng với cà phê khi bụng đói. Nếu nhận thấy chứng ợ chua hoặc các triệu chứng GERD sau khi uống cà phê vào sáng sớm, có 2 mẹo cho bạn: Ăn chút gì đó rồi hãy uống hoặc uống cà phê pha với sữa, cách này sẽ giúp giảm các triệu chứng GERD.

Chuyên gia nói gì về thói quen vừa thức dậy đã nhâm nhi tách cà phê - Ảnh 2.

Nếu nhận thấy chứng ợ chua hoặc các triệu chứng GERD sau khi uống cà phê vào sáng sớm, bạn cần ăn chút gì đó trước

Shutterstock

Cà phê và nhu động ruột

Nghiên cứu cho thấy cà phê giúp kích thích ruột kết và thúc đẩy nhu động ruột. Vì vậy, chuyên gia Koszyk khuyên bạn nên chú ý tốc độ "chạy vào nhà vệ sinh" sau khi uống cà phê lúc bụng đói. Cô chia sẻ: "Không có thức ăn trong bụng, nhu cầu tìm nhà vệ sinh sau khi uống cà phê có thể sẽ nhanh hơn".

Theo nghiên cứu, caffein được dạ dày và ruột non hấp thụ trong vòng 45 phút sau khi uống. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ tuyên bố chỉ sau khoảng 30 phút, bạn sẽ nhận thấy tác dụng của caffein, nhưng có thể dao động từ 15 đến 45 phút, theo Eating Well.

Cà phê và mức cortisol

Uống cà phê ngay sau khi thức dậy có hại nhiều hơn lợi. Theo nghiên cứu, trong vòng 1 giờ sau khi thức dậy, cơ thể sản xuất cortisol cao nhất.

Cortisol giúp thúc đẩy sự tỉnh táo, caffeine có trong cà phê cũng làm tăng mức cortisol này. Bởi vậy, nếu uống cà phê trùng vào lúc cơ thể sản xuất cortisol ở mức cao nhất này, cơ thể sẽ tự động giảm sản xuất cortisol. Nó cũng có thể góp phần phát triển khả năng dung nạp cà phê, nghĩa là bạn sẽ phải uống ngày càng nhiều cà phê.

Vì vậy, đối với những người khỏe mạnh, uống cà phê khi bụng đói dường như không gây ra bất kỳ tác hại đáng kể nào. Tuy nhiên, bạn là người hiểu rõ cơ thể mình nhất. Nếu bạn thấy cơ thể mình nhạy cảm với caffein, hãy lót bụng chút gì đó như lát bánh mì đen, rồi hãy nhâm nhi tách cà phê yêu thích, theo Eating Well.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.