Chuyên gia nói gì về biến chủng phụ BA.5 mới xâm nhập Việt Nam?

Duy Tính
Duy Tính
28/06/2022 16:00 GMT+7

Người đã mắc các biến chủng Omicron trước đây thì hiện nay vẫn có thể mắc biến chủng phụ BA.5 của Omicron. Do đó, cần tiêm vắc xin Covid-19 để làm giảm mắc, giảm chuyển nặng và giảm tử vong.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì biến chủng phụ BA.5 đã xâm nhập vào Việt Nam, và có nguy cơ gây nên làn sóng dịch Covid-19 mới. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân nên tiêm vắc xin Covid-19 các mũi nhắc lại để tăng cường miễn dịch phòng bệnh.

Chuyên gia nói gì về biến chủng phụ BA.5 của Covid-19 mới xâm nhập Việt Nam?

Dự báo khoảng 5% dân số Việt Nam mắc biến chủng mới

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TP.HCM cho biết, biến chủng phụ BA.5 thuộc biến chủng Omicron, lần đầu tiên phát hiện tại Nam Phi vào tháng 1/2022. Do đó, biến chủng phụ BA.5 có một số đặc điểm tương tự như các biến chủng phụ khác của Omicron, như: Có khả năng lây lan cao, nhưng gây nhập viện và tử vong ít hơn nhiều so với biến chủng Delta.

Tiêm vắc xin Covid-19

duy tính

Trên thế giới đã có 2 nghiên cứu về sự gia tăng số ca mắc biến chủng phụ BA.5 ở Nam Phi và Bồ Đào Nha. Kết quả cho thấy biến chủng phụ BA.5 có khả năng lây lan cao nhưng khả năng gây bệnh nặng thấp so với biến chủng Delta, thậm chí thấp hơn các biến chủng Omicron trước. Còn ở Nam Phi, tỉ lệ tử vong do biến chủng phụ BA.5 còn thấp hơn tỉ lệ tử vong do biến chủng BA.1, điều này còn có thể miễn dịch hiện nay của người dân đã cao hơn so với trước đó.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, biến chủng phụ BA.5 có thể nhiễm ở người đã từng bị nhiễm các biến chủng Omicron trước đó như BA.1 hay BA.2. Vì vậy, các nhà khoa học ước lượng rằng khi có sự xâm nhập của biến chủng phụ BA.5, nó sẽ gây nhiễm cho khoảng từ 5% - 30% dân số, tùy theo tỉ lệ tiêm vắc xin Covid-19.

“Tại Việt Nam, tỉ lệ tiêm vắc xin là cao nên tôi ước lượng tỉ lệ nhiễm biến chủng phụ này chưa tới 5%. Như vậy, biến chủng phụ BA.5 xuất hiện ở Việt Nam sẽ làm tăng số ca mắc và sẽ tạo ra làn sóng dịch, nhưng chưa phải là bùng phát dịch. Nhưng làn sóng dịch này nhỏ hơn so với làn sóng dịch trước đây, không làm tăng nhiều số ca nặng và tử vong”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nói.

Việc xuất hiện làn sóng dịch nhẹ này (nếu có) cũng đã được PGS-TS Đỗ Văn Dũng dự báo từ 3 tháng trước khi trả lời với PV Thanh Niên.

Khuyến cáo nên tiêm mũi nhắc lại, không bắt ký cam kết

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, cũng giống các biến chủng Omicron trước, biến chủng phụ BA.5 có khả năng "né tránh" vắc xin một phần. Nhưng vắc xin vẫn giữ được hiệu quả là giảm diễn tiến nặng và tử vong đối với người mắc biến chủng phụ BA.5 .

“Các nghiên cứu cho thấy nếu nhiễm biến chủng BA.1, nếu chưa tiêm chủng thì lượng kháng thể trung hòa tạo ra rất kém. Nếu nhiễm BA.1 sau khi đã tiêm chủng thì kháng thể sẽ bảo vệ chống lại biến chủng Delta và Omicron BA.1 nhưng kháng thể không bảo vệ với Omicron BA.4 và BA.5. Điều này cho thấy tầm quan trọng của tiêm các mũi nhắc lại của vắc xin Covid-19 để đối phó với làn sóng dịch này do BA.5”, PGS-TS Dũng thông tin.

Tính đến ngày 28.6, Việt Nam đã có hơn 10,7 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 9,6 triệu ca khỏi bệnh và 43.084 ca tử vong.

Cũng theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, nghiên cứu ở một số quốc gia khác, việc tiêm mũi 4 cho những người đã tiêm mũi 3 cách 4 tháng thì miễn dịch tốt, giảm nguy cơ tử vong, đặc biệt với người lớn tuổi và người có bệnh nền. Còn người trẻ tuổi hơn, nếu có điều kiện thì vẫn nên tiêm để giảm nguy cơ mắc. Nếu suy nghĩ đã nhiễm Omicron rồi thì không nhiễm lại các biến chủng khác như biến chủng phụ B.A5 là không đúng. Người dân phải hết sức cảnh giác.

“Nên tiêm vắc xin nhưng là tự nguyện, không ép buộc người dân, cũng không nên yêu cầu ký cam kết chịu trách nhiệm khi không tiêm vì nó không phù hợp với tinh thần chống dịch vì không có nguy cơ dịch lớn. Và người dân cũng không nên hoang mang với biến chủng phụ BA.5 mới này. Nhưng cần nhớ rằng, biến chủng BA.5 không phải là biến chủng cuối cùng”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.