TNO

Chuyên gia Mỹ: Cần đối phó ‘tàu sân bay’ của Trung Quốc ở Biển Đông

26/02/2016 14:47 GMT+7

(Tin Nóng) Mỹ cần có chiến lược mới để đối phó các “tàu sân bay” ở các đảo và bãi đá mà Trung Quốc xây phi pháp trên Biển Đông, theo bài viết của hai chuyên gia quân sự Mỹ trên Washington Times ngày 25.2.

(Tin Nóng) Mỹ cần có chiến lược mới để đối phó các “tàu sân bay” ở các đảo và bãi đá mà Trung Quốc xây phi pháp trên Biển Đông, theo bài viết của hai chuyên gia quân sự Mỹ trên Washington Times ngày 25.2.

Chuyên gia Mỹ: Cần đối phó ‘tàu sân bay’ của Trung Quốc ở Biển Đông - ảnh 1

Máy bay JH-7A của Trung Quốc bay lượn trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng - Ảnh: Xinhua/REX Shutterstock

Tác giả bài báo là ông James A. Lyons, cựu đô đốc chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương; và ông Richard D. Fisher, chuyên viên của Trung tâm đánh giá chiến lược quốc tế (IASC, Mỹ).

Theo bài báo, khi tổng thống mới của Mỹ bắt đầu nhiệm sở trong 11 tháng tới, ông ta (hay bà ta) sẽ phải đối mặt với 4 “tàu sân bay không thể chìm” trên đảo Phú Lâm và các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông; và 1 tàu sân bay nước này đang đóng mới. Và khi chính quyền Obama có thể sẽ tiếp tục chiến lược pháp lý và ngoại giao đầy thất bại để ứng phó với Trung Quốc, điều cần thiết cho tổng thống kế tiếp của Mỹ bây giờ là xem xét một chiến lược đáp trả mạnh mẽ hơn.

“Tàu sân bay trên cạn” và chiến lược kiểm soát toàn bộ Biển Đông

Bài báo cho biết chỉ trong vòng 1 năm, Trung Quốc sẽ bố trí các lực lượng hải quân, không quân và tên lửa lên các cơ sở bồi đắp phi pháp rộng đến 14,5 km2 ở Biển Đông, tạo thành các “tàu sân bay trên cạn” tại đây.

Số này gồm 2,13 km2 bồi đắp ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng), và các đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa gồm đá Chữ Thập (2,74 km2), đá Xu Bi (3,95 km2), và đá Vành Khăn (5,58 km2).

Mỗi cơ sở như vậy có thể bố trí 24 máy bay chiến đấu, radar và máy bay tiếp dầu, cùng tàu chiến bảo vệ đến 6 chiếc (đá Chữ Thập) hoặc hơn 50 chiếc (ở đá Vành Khăn). Trung Quốc cũng sẽ bố trí tên lửa phòng không như loại HQ-9 có tầm bắn xa 200 km và tên lửa chống hạm YJ-62 (tầm bắn 400 km), hoặc tên lửa đạn đạo chống hạm tầm xa DF-26 (4.000 km) có thể bắn tới lực lượng Mỹ ở đảo Guam.

Chuyên gia Mỹ: Cần đối phó ‘tàu sân bay’ của Trung Quốc ở Biển Đông - ảnh 2

Hình ảnh các cơ sở phi pháp của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm - Ảnh: Stratfor.com

Ngoài ra, đầu những năm 2020 Trung Quốc sẽ có thêm tàu sân bay thứ 2 sau chiếc Liêu Ninh hiện tại, hỗ trợ cho các hoạt động tác chiến ở Biển Đông. Ngay hiện tại Trung Quốc đã có hàng trăm tàu dân sự cỡ lớn hỗ trợ các hoạt động xâm chiếm, như chúng đang hoạt động khi cải tạo và bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa.

Mỹ sẽ bị Trung Quốc qua mặt

Các nhà ngoại giao Trung Quốc hay khoe khoang việc nước này luôn "kiềm chế" không sử dụng lực lượng hải quân và thủy quân lục chiến vượt trội để chiếm lấy các đảo khác trong quần đảo Trường Sa, nơi có các đảo do Việt Nam kiểm soát và một số là Philippines, Đài Loan đóng quân. Việc chiếm lấy và xây dựng các đảo này sẽ củng cố vị trí của lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc để hoàn thành việc kiểm soát vùng Biển Đông qua việc chiếm lấy đảo Palawan của Philippines đang được Mỹ bảo vệ theo Hiệp ước hỗ tương quân sự Mỹ - Philippines.

Theo hai chuyên gia Mỹ, nếu nắm quyền kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc sau đó tự do đe dọa thị phần của bất cứ nước nào trong khối lượng thương mại trị giá 5,3 nghìn tỉ USD lưu thông qua Biển Đông mỗi năm. Và Trung Quốc sẽ biến Biển Đông thành cái ao của mình để bảo đảm an toàn cho đội tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân nhằm vào Mỹ, cũng như đảm bảo nơi xuất phát toàn cầu của lực lượng hải quân, không quân, đổ bộ và lực lượng không gian vũ trụ.

Chuyên gia Mỹ: Cần đối phó ‘tàu sân bay’ của Trung Quốc ở Biển Đông - ảnh 3

Đường băng Trung Quốc xây trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters

Chuyên gia Mỹ: Cần đối phó ‘tàu sân bay’ của Trung Quốc ở Biển Đông - ảnh 4
Đường băng Trung Quốc xây phi pháp trên đá Xu Bi, ảnh chụp ngày 8.1.2016 - Nguồn: AMTI
Chuyên gia Mỹ: Cần đối phó ‘tàu sân bay’ của Trung Quốc ở Biển Đông - ảnh 5
Đường băng Trung Quốc xây phi pháp trên đá Vành Khăn, ảnh chụp ngày 8.1.2016. Nơi đây còn có thể bố trí hơn 50 tàu chiến - Nguồn: AMTI

Bài viết cảnh báo rằng nếu Trung Quốc được phép tiếp tục củng cố quyền kiểm soát Biển Đông, sẽ đánh dấu việc Mỹ bị bỏ rơi trong vị trí chiến lược thống trị ở châu Á. Trung Quốc không sợ bất kỳ quốc gia châu Á nào khác có vũ khí hạt nhân, như đã cho phép Triều Tiên trở thành nước có tên lửa hạt nhân, và Trung Quốc tính toán rằng họ luôn có vũ khí hạt nhân hơn hẳn Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan và Việt Nam (?).

Và hai tác giả chê trách rằng với tiềm năng của một sự đảo ngược khủng khiếp như thế cho hòa bình châu Á, không thể hiểu nổi việc chính quyền Tổng thống Obama sẽ vẫn duy trì cam kết về chiến lược pháp lý và ngoại giao để thuyết phục Trung Quốc đảo ngược sự kiểm soát Biển Đông đã cận kề. Trung Quốc đã biện minh cho việc triển khai tên lửa phòng không HQ-9 trên đảo Phú Lâm là phản ứng phòng thủ đáp trả chiến lược “đảm bảo tự do hàng hải” của Mỹ nhằm khẳng định các quyền hợp pháp của tàu Hải quân Mỹ hoạt động tại các khu vực tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc.

Biện pháp đối phó: Dùng sức mạnh quân sự vượt trội

Việc quân sự hóa của Trung Quốc sẽ tiếp tục cho đến khi Washington quyết định triển khai lực lượng vượt trội so với khả năng của các nước ở khu vực này để tiêu diệt các căn cứ mới của Trung Quốc, nhằm ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng chúng để tấn công các nước đồng minh và bạn bè của Mỹ.

Hai tác giả đề xuất rằng Philippines cần được cung cấp 200 tên lửa đạn đạo tầm ngắn có tầm bắn xa hơn 300 km như một động thái ban đầu để ngăn chặn Trung Quốc. Điều này cần được tiếp tục với việc cung cấp cho Manila các phi đội máy bay chiến đấu F/A-18 hoặc F-16 và nhiều tàu khu trục nhỏ, cũng như bố trí các phi đội máy bay chiến đấu và tàu chiến Mỹ tại các căn cứ ở Philippines.

Chuyên gia Mỹ: Cần đối phó ‘tàu sân bay’ của Trung Quốc ở Biển Đông - ảnh 6

Tàu khu trục tàng hình USS Zumwalt (DDG-1000) hiện đại nhất của Mỹ đang chay thử nghiệm trên biển, tháng 12.2015. Chuyên gia Mỹ đề xuất điều tàu chiến hiện đại như loại này cùng súng điện từ, súng laser sang Biển Đông đối phó các “tàu sân bay” trên cạn của Trung Quốc - Ảnh: Hải quân Mỹ

Chuyên gia Mỹ: Cần đối phó ‘tàu sân bay’ của Trung Quốc ở Biển Đông - ảnh 7

Mẫu súng điện từ railgun của BAE Systems (Anh), loại súng sẽ trang bị cho các tàu chiến đời mới của Mỹ, bắn quả đạn bay với tốc độ gấp 7 lần âm thanh (9.000 km/giờ) và bay xa đến 160 km, hạ được bất kỳ vật thể bay nào, kể cả tên lửa siêu thanh, tên lửa đạn đạo chỉ trong nháy mắt - Ảnh: BAE Systems

Về phần mình, Mỹ cần phải đóng mới và triển khai các tàu chiến và tàu ngầm trang bị hàng trăm tên lửa tấn công và phòng thủ, và súng bắn bằng điện từ trường (railgun) có thể tiêu diệt các tên lửa đạn đạo chống hạm mới nhất của Trung Quốc. Nên xem xét bố trí ở đây một tàu tấn công đổ bộ cỡ lớn bằng tàu sân bay hạt nhân nhưng trang bị nhiều súng railgun và vũ khí laser để tiêu diệt tất cả các tên lửa Trung Quốc.

Bài báo kết luận rằng Trung Quốc sẽ không lùi bước trong việc áp đặt sự kiểm soát ngày càng gia tăng trên Biển Đông cho đến khi Mỹ và các đồng minh triển khai lực lượng đủ để loại trừ các “tàu sân bay” trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây phi pháp.

Anh Sơn

>> Quân đội Mỹ xem xét bố trí vũ khí ở Biển Đông
>> Chuyên gia quốc tế: Vũ khí Nga giúp Việt Nam tạo sức răn đe
>> Tư lệnh Không quân Mỹ: Trình độ phi công Trung Quốc còn kém xa Mỹ
>> Báo Nga: Trung Quốc đối mặt tên lửa tàu ngầm Nga ở Biển Đông
>> Tên lửa Trung Quốc ở Hoàng Sa có thể bắn tới đâu?
>> Chuỗi máy bay tuần biển P-3C giám sát Trung Quốc ở Biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.