Chuyên gia lý giải số ca sinh đôi tăng vọt khắp toàn cầu

14/03/2021 15:00 GMT+7

Các chuyên gia cho biết ngày càng có nhiều cặp song sinh chào đời hơn trước đây và thế giới hiện có thể đạt đến đỉnh về số lượng cặp song sinh.

Toàn thế giới có khoảng 1,6 triệu cặp song sinh chào đời mỗi năm, và cứ 42 trẻ chào đời thì có một trẻ sinh đôi, theo tờ The Guardian.
Trì hoãn sinh nở và các kỹ thuật y tế hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), thụ tinh nhân tạo (IUI)… góp phần dẫn đến tỷ lệ sinh đôi toàn cầu tăng trung bình hơn 33% kể từ những năm 1980.

Đỉnh sinh đôi?

Một cuộc khảo sát toàn cầu được đăng trên chuyên san Human Reproduction cho thấy số lượng cặp sinh đôi đã đạt mức đỉnh do tỷ lệ song sinh tăng mạnh ở tất cả các khu vực trên thế giới trong hơn 30 năm - từ mức tăng 32% ở châu Á đến mức tăng 71% ở Bắc Mỹ.
Các chuyên gia thuộc Đại học Oxford (Anh) thu thập thông tin về tỷ lệ song sinh từ 165 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong giai đoạn 2010-2015 và so sánh chúng với tỷ lệ song sinh của giai đoạn 1980-1985.
Số lượng cặp song sinh chào đời trên 1.000 ca sinh hiện nay đặc biệt cao ở châu Âu và Bắc Mỹ. Trên toàn thế giới, tỷ lệ sinh đôi tăng từ 9 lên 12/1.000 ca sinh kể từ thập niên 1980.
Nhưng tỷ lệ sinh đôi ở châu Phi luôn ở mức cao và không thay đổi nhiều trong hơn 30 năm qua, nguyên nhân có thể là do sự gia tăng dân số ở châu lục này.

Các cặp song sinh tại lễ hội “Ngày sinh đôi” ở TP.Twinsburg (bang Ohio, Mỹ)

Chụp màn hình Festivalsherpa

Châu Phi và Châu Á hiện chiếm khoảng 80% tổng số ca sinh đôi trên thế giới.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Christiaan Monden cho biết có lý do cho điều đó. Ông giải thích: “Tỷ lệ sinh đôi ở châu Phi cao như vậy là do số lượng cao các cặp sinh đôi khác trứng chào đời tại đây. Điều này rất có thể là do sự khác biệt về gien giữa dân châu Phi và các nhóm dân cư khác”.
Tỷ lệ sinh đôi ở châu Âu, Bắc Mỹ và các nước Châu Đại Dương cũng gia tăng. Đó là nhờ việc sử dụng ngày càng nhiều phương pháp hỗ trợ sinh sản kể từ những năm 1970 như thụ tinh ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo và kích thích buồng trứng... Các kỹ thuật này đều làm tăng khả năng sinh nhiều con cùng lúc.
Cuộc khảo sát trên cho thấy ngày càng có nhiều phụ nữ lớn tuổi thường muốn sinh đôi cũng góp phần dẫn đến tỷ lệ sinh đôi gia tăng.

Rủi ro từ sinh đôi

Giáo sư Monden nhấn mạnh hiện nay cần chú trọng việc “mang thai từng con một” vì thường an toàn hơn.
“Điều này rất quan trọng vì sinh đôi có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao ở trẻ sơ sinh và trẻ em, và nhiều biến chứng hơn cho mẹ và con trong thai kỳ, trong và sau khi sinh”, theo giáo sư Monden.
Các cặp song sinh gặp nhiều biến chứng hơn lúc chào đời, thường bị sinh non và nhẹ cân hơn và tỷ lệ thai chết lưu vẫn cao hơn.
Cuộc khảo sát cho thấy số phận của các cặp song sinh ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình là vấn đề đáng quan tâm hơn cả.
Đặc biệt, ở khu vực cận Sahara ở châu Phi, nhiều cặp song sinh sẽ mất người anh em hoặc chị em song sinh trong năm đầu đời - hơn 200.000 ca mỗi năm.

Các cặp song sinh tại lễ hội “Ngày sinh đôi” ở TP.Twinsburg (bang Ohio, Mỹ)

AFP

Giáo sư Jeroen Smits, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết thêm: “Trong khi tỷ lệ song sinh ở nhiều nước phương Tây giàu có đang gần bằng với tỷ lệ song sinh ở vùng cận Sahara của châu Phi, nhưng có một sự khác biệt rất lớn về cơ hội sống sót”.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng Ấn Độ và Trung Quốc sẽ chiếm tỷ lệ lớn trong số các ca song sinh toàn cầu trong tương lai.
Khả năng sinh sản giảm, phụ nữ khi lớn tuổi mới chịu sinh con và các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm, thụ tinh nhân tạo… đều sẽ ảnh hưởng đến số lượng các cặp sinh đôi trong những năm tới, theo các chuyên gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.